Hầu hết báo chí đều đưa tin đây là vụ án buôn bán thuốc chữa ung thư giả nhưng viện kiểm sát chỉ truy tố các bị cáo liên quan tội danh "buôn lậu".
Nói rõ hơn, nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo Công ty VN Pharma phải bị truy tố tội Buôn lậu (điều 153) hay tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh (điều 157, Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009).
Hầu hết báo chí đều đưa ra trang nhất đây là vụ án buôn bán thuốc chữa ung thư giả nhưng viện kiểm sát chỉ truy tố các bị cáo liên quan tội danh "buôn lậu".
Theo cáo trạng, lô thuốc H-Capita 500mg không rõ nguồn gốc. Trên các thùng hàng này, có dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay Ấn Độ, tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore. Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bộ Công Thương cũng xác định mã vạch, mã số trên vỏ hộp thuốc H-Capita không được đăng ký bởi quốc gia nào.
Ngoài hàng loạt những thứ giả khác như FSC (giấy chứng nhận bán hàng tự do để được lưu hành thuốc trên thế giới), GMP (giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc) do Bộ Y tế Canada cấp, con dấu lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada… Bộ Ngoại giao còn có công văn trả lời A83 (Cục An ninh Chính trị nội bộ - Bộ Công an) nêu rõ không có công ty nào tên Helix Pharmaceuticals Inc, tồn tại ở địa chỉ 392 Wilson Ave, Toronto Ontario Canada như hồ sơ VN Pharma cung cấp cho Cục Quản lý dược.
Cơ quan điều tra khẳng định lô thuốc H-Capita 500mg caplet do VN Pharma là thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Kết luận giám định số 31/KLGĐ-BYT của Hội đồng giám định của Bộ Y tế còn chỉ rõ: lô thuốc nói trên chứa 97% hoạt chất capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.
Điều tra và cáo buộc như vậy nhưng không hiểu sao cơ quan điều tra và sau đó là viện kiểm sát chỉ truy tố tội Buôn lậu đối với nhóm bị cáo đầu vụ?
Những yếu tố nêu trên có thể khẳng định lô thuốc H-Capita 500mg caplet trong vụ án này là thuốc giả theo quy định tại khoản 24 điều 2 Luật Dược 2005 và khoản 33 điều 2 Luật Dược 2016. Từ đó, có thể truy tố thêm tội danh "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh" theo điều 157 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009.
Nếu bị kết tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, khung hình phạt cao nhất là tử hình và điều đặc biệt là tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản!
Khoản 33 Điều 2 Luật Dược 2016
Thuốc giả là thuốc được sản xuất thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Không có dược chất, dược liệu; b) Có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu; c) Có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu, trừ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định tại Khoản 32 Điều này trong quá trình bảo quản, lưu thông phân phối; d) Được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ. Khoản 24 Điều 2 Luật Dược 2005 Thuốc giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp sau đây: a) Không có dược chất; b) Có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký; c) Có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn; d) Mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác. |
Theo NLD
Link nội dung: https://phaply.net.vn/vu-vn-pharma-la-buon-thuoc-gia-chu-buon-lau-gi-a182472.html