Hầu hết các ý kiến từ các chuyên gia đến bạn đọc nhận xét mục tiêu tăng thuế để bảo đảm an toàn tài chính không phải là cách làm hay mà phải giảm chi, tránh thất thoát.
Mục tiêu: giảm giá; cách làm: tăng giá
Trong tài liệu phục vụ họp báo chuyên đề, Bộ Tài chính đề ra các mục tiêu cần đạt được của việc tăng thuế VAT.
Mục tiêu đầu tiên: Giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế VATvà nhóm chịu thuế suất 5% ở khâu trung gian để bảo đảm tính liên hoàn của thuế VAT, doanh nghiệp được khấu trừ, hoàn thuế VAT đầu vào qua đó giảm giá thành sản phẩm tiêu dùng cuối cùng.
Có vẻ như mục tiêu này chỉ một nửa đầu đạt được đó là giảm nhóm hàng không phải chịu thuế.
Nhiều ý kiến nhận định của bạn đọc trên các bài báo của Tuổi Trẻ Online đều cho rằng giá cả sẽ tăng theo VAT và khiến cho cuộc sống người dân lao động thêm khó khăn và túng quẫn hơn.
Các ý kiến phản hồi đều cho rằng dường như giữa mục tiêu và cách thực hiện đang có mâu thuẫn, vì tăng thuế VAT, "hàng hóa Việt Nam sẽ khó khăn hơn về cạnh tranh với các nước".
Tại cuộc làm việc với các bộ, ngành có liên quan diễn ra vào sáng 21-8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhắc lại quyết tâm của Thủ tướng: "Thủ tướng yêu cầu cắt giảm chi phí không chính thức và chính thức, năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp".
“Thủ tướng mới đề nghị giảm thuế, giảm lãi suất, cung tiền ra thị trường để kích cầu nhưng Bộ Tài chính lại đề nghị tăng thuế VAT thì khác nào trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", một bạn đọc bình luận về sự mâu thuẫn trong chính sách.
Bạn đọc ký tên Hương Hà cho rằng suy cho cùng, dù là thuế nào đi nữa, trực thu hay gián thu, người tiêu dùng phải lãnh đủ.
Và rồi, cũng bạn đọc này đặt bút tính: "Ví dụ như mua 1 bịch cà phê hòa tan có giá 30.000đ chưa bao gồm VAT. Khi có thêm 10% thuế VAT thì phải trả thêm 3.000 đồng nữa. Nhưng cà phê đóng gói phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Vậy với giá bán 30.000 đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt ví dụ 500 đồng, vậy là tính ra giá sẽ là 30.500 đồng. Thuế VAT đang từ 10% nay tăng lên 12%, vậy là 30.500 x 12% = 3.660 đồng. Số tiền mà người tiêu dùng phải trả vậy là 30.500 + 3.660= 34.160 đồng".
Như vậy, mục tiêu giảm giá hàng hóa coi như bị thất bại vì thuế chồng thuế.
Không phù hợp với thông lệ quốc tế
Một trong những mục tiêu mà cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính đặt ra đối với việc tăng thuế VAT là để "phù hợp với thông lệ quốc tế", rất nhiều chuyên gia và bạn đọc cũng đã phản ứng.
Về mục tiêu này, bạn đọc tên Trúc cho rằng: Cứ đem 3 chỉ tiêu: thu nhập bình quân đầu người - tổng thuế phải đóng - mức an sinh xã hội quy ra tiền, đúng theo tỉ lệ mà các nước tiên tiến đang làm, người dân sẵn sàng đóng. Không cần phải bàn cãi!
Một bạn đọc khác, ký tên Việt, nhắc: “Giải quyết nợ công phải bắt đầu từ việc thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách từ các cơ quan quản lý, nhưng ngân sách luôn luôn bị bội chi vì số lượng cán bộ công chức luôn luôn tăng lên, trái ngược với xu thế tăng năng suất và chất lượng lao động trên thế giới. Khi các thiết bị thông minh đã tích hợp và giải quyết được nhiều việc có quy mô toàn cầu với chi phí thấp hơn và ít nhân công hơn”.
Bạn đọc Minh Nguyễn nhận xét: "Thay vì giám sát chặt chẽ việc chi tiêu công, tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí trong chi tiêu công thì Bộ Tài chính lại đề nghị tăng thuế VAT. Hãy làm sao cho mức sống của người dân cao lên như các nước rồi hãy so sánh tỉ lệ thuế".
Trong khi đó, các chuyên gia trao đổi với Tuổi Trẻ Online cũng đều cho rằng “cần phải hết sức thận trọng trong tăng thuế, đặc biệt là thuế VAT.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright cho rằng tăng thuế VAT, người nghèo sẽ bị tổn thương nhất.
“Việc tăng thuế VAT để tăng thu ngân sách không những "không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách 'vung tay quá trán', Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nhận định.
Rất nhiều ý kiến cho rằng Bộ Tài chính, nơi nắm giữ ngân khố quốc gia, đừng chỉ nghĩ đến cách tăng thu mà hãy nghĩ xa hơn, đừng quá lo xa cho doanh nghiệp.
Tăng thuế, bất kể đó là thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT hay thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp, thì rốt cuộc gánh nặng cũng đổ lên đầu người tiêu dùng.
"Cuối cùng thì người dân chính là người bị thiệt thòi nhiều nhất", bạn đọc ký tên Tâm bình luận.
Với mục tiêu tăng thuế để bảo đảm an toàn tài chính, cụ thể là nợ công, các chuyên gia và bạn đọc cũng đã chỉ ra: Cách tốt nhất là giảm chi, giữ kỷ luật ngân sách, tránh thất thoát, lãng phí.
Nếu không thì, với những sự vung tay quá trán trong chi tiêu, việc tăng thuế chẳng những không thể bù đắp mà ngân khố còn mất an toàn hơn.
"Nói đi thì phải nói lại. BTC là người "làm" ra tiền nhưng hàng triệu người tiêu tiền thì cứ hoang phí thì cách nhanh nhất để có tiền là tăng thuế, nếu không muốn vay", một bạn đọc nhận xét.
Theo Tuoitre
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tang-thue-dat-muc-tieu-mot-dang-cach-thuc-hien-mot-neo-a182334.html