Chuyện những quy định pháp luật được ban hành nhưng khó thi hành, thiếu lực lượng chức năng để kiểm soát, xử lý khiến hiệu lực chỉ “lơ lửng” không hiếm. Dẫu hầu hết các quy định này đều hướng tới mục đích quản lý Nhà nước tốt đẹp hơn, nhưng thực tiễn cho thấy, đưa ra quy định nhưng không thực thi được đang tạo nên tâm lý “nhờn”, xem thường pháp luật.
Cấm bán rượu, cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi, rồi cấm người dưới 18 tuổi uống rượu bia, hút thuốc lá… là những quy định mà có lẽ hầu hết các bậc cha mẹ, rồi những người làm giáo viên, bác sĩ nào cũng sẽ ủng hộ. Bởi, việc này giúp lứa tuổi chưa thành niên tránh xa được tác hại của những chất kích thích này, giúp các em giữ gìn sức khỏe, phòng tránh được những hệ lụy của việc không may lạm dụng rượu, thuốc lá.
Thế nhưng, không phải cứ văn bản “hay” là dễ đi vào cuộc sống. Cứ vài ngày, anh Quân lại sai cậu con trai đang học lớp 10 ra cửa hàng tạp hóa ở đầu con ngõ 124 Âu Cơ, quận Tây Hồ mua nửa chai “cuốc lủi”. Anh vốn hay rượu, nếu thiếu chất này là thấy bữa cơm nhạt miệng, mất ngon nên bữa nào cũng phải có vài chén. Chẳng biết từ khi nào, Hưng – cậu con trai thường xuyên đi mua rượu cho bố, quen thuộc đến nỗi Hưng biết hết mấy hàng tạp hóa hay bán rượu, chỗ này hết biết tìm sang chỗ khác để mua. Hỏi anh Quân có biết Nhà nước cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi không, anh cười: “Đâu chỉ riêng con tôi, trẻ con ngõ này đi mua rượu quanh năm có ai từ chối bán bao giờ đâu. Họ chỉ cấm… trên tivi thôi”!
Lời anh Quân không phải không có lý. Không khó để khảo sát các điểm bán rượu nhỏ lẻ thường bán rượu cho người vị thành niên. Việc mua bán đơn giản và có lẽ chẳng ai để ý đến tuổi của người mua, kể cả đó là học sinh tiểu học. Trong khi đó, việc cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi đã được đưa ra cả chục năm nay…
Còn ông Năm – chủ một cửa hàng tạp hóa cho hay, ông bán rượu gần 20 năm nay, chẳng ai kiểm soát việc bán cho người dưới 18 tuổi, chỉ có cán bộ quản lý thị trường nhắc nhở phải lấy rượu đảm bảo chất lượng, nguồn gốc mà thôi. “Các cửa hàng cũng đều bán như tôi cả, các cháu chỉ mua thôi mà”, ông Năm cho biết.
Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá quy định mọi hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá; hút thuốc lá trên các phương tiện giao thông công cộng... đều bị nghiêm cấm. Với nhiều nỗ lực của các lực lượng chức năng, việc học sinh cấp ba hút thuốc lá đã không còn phổ biến, nhưng cũng chẳng khó tìm. Không chỉ vẫn mua, hút mà không ít bạn trẻ còn thản nhiên hút ở nơi công cộng, bởi lực lượng chức năng chưa có biện pháp hiệu quả để tìm và xử phạt!
Theo Báo cáo toàn cầu về đồ uống có cồn và sức khỏe, WHO cảnh báo tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia chiếm 36,9%. Đáng báo động là 20,8% trẻ vị thành niên nam thừa nhận đi xe sau khi uống rượu/bia; tỷ lệ trẻ em dưới 18 tuổi trong số nạn nhân tai nạn giao thông có cồn trong máu chiếm khoảng 15%... Cũng theo ước tính của WHO, thuốc lá gây ra 90% trường hợp ung thư phổi, 75% trường hợp phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ. Thuốc lá cũng là nguyên nhân của khoảng 30% trường hợp tử vong do bệnh ung thư. Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) là 23,8% (khoảng 12,8 triệu người)…
Điều này cho thấy, việc cấm bán rượu, thuốc lá cho người dưới 18 tuổi thật sự cần thiết. Nhưng làm thế nào để quy định này đi vào cuộc sống quả thật không đơn giản. Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia, trong đó dự định cấm bán cũng như cấm uống rượu bia đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai, người đã có biểu hiện say rượu, bia. Liệu điều cấm này có khả thi hay cũng rơi vào tình trạng “lửng lơ” như việc cấm bán rượu, thuốc lá cho người dưới 18 tuổi?
Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, để các quy định pháp luật thực sự khả thi, trước khi ban hành cơ quan chức năng phải đánh giá được tác động của nó với đời sống xã hội, nhất là tiên lượng được điều kiện cần và đủ để thi hành. Những quy định nêu trên cần thiết, là mong muốn của cơ quan quản lý Nhà nước và của không ít người dân, những rõ ràng, khi không đủ lực lượng giám sát, kiểm tra, xử phạt nghiêm minh thì rất khó hình thành và nâng cao được thói quen chấp hành cho người dân.
(còn nữa)
Theo PL&XH
Link nội dung: https://phaply.net.vn/diem-danh-nhung-quy-dinh-phap-luat-lo-lung-ky-1-gay-hieu-ung-tam-ly-khong-tot-a182297.html