(Pháp lý) - Dự Luật hoạt động Hành chính công đang trong quá trình hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ, song cũng có những quy định gây tranh cãi. Để hoàn thành một dự luật chất lượng thì việc tham khảo các quy định tiến bộ trong luật hành chính và lĩnh vực hành chính công của quốc tế là điều cần thiết.
Nhật Bản: Coi trọng các yếu tố tác động vào hiệu quả của hoạt động hành chính
Cách thức vận hành nền hành chính hiệu quả của Nhật Bản là một điển hình đáng học hỏi. Tuy không có một đạo luật riêng về hành chính công nhưng những quy định mà nước này đề ra để cải cách, kiến tạo, quản lý và vận hành nền hành chính rất đáng học hỏi. Cụ thể, Chính phủ Nhật Bản đưa ra chủ trương cải cách hành chính theo từng giai đoạn với các nội dung khác nhau. Đến nay, Nhật Bản đã trải qua 3 lần đại cải cách hành chính (giai đoạn 1960-1970, 1970-1980 và từ 1980 đến nay), Nhật Bản đã đạt được những thành tựu vượt bậc.
Để đạt được hiệu quả trong quản lý hành chính, nước Nhật coi trọng sự hoàn thiện về mặt thể chế để đạt được những hiệu quả trong quản lý hành chính. Nhật Bản tổ chức các cơ quan “đầu não” để cải cách hệ thống bộ máy hành chính nhà nước, giảm thiểu số lượng biên chế. Cơ quan đầu não đặt ra mục tiêu, từ đó Chính phủ yêu cầu tất cả cơ quan hành chính nhà nước phải rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của mình để trên cơ sở đó tiến hành điều chỉnh, sắp xếp lại phù hợp, đặc biệt là các cơ quan có chức năng tổng hợp như Bộ Tài chính, Công Thương. Việc tinh giảm các cơ quan gọn nhẹ sẽ tránh được các thủ tục hành chính phức tạp, thừa thãi và làm khó người dân.
Con người là yếu tố quyết định hiệu quả của hoạt động hành chính. Nhật Bản là đất nước có đội ngũ công chức nhà nước tận tụy và ưu tú. Luật về số lượng công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước được thông qua (5/1969) nhằm tạo cơ sở pháp lý để giám sát quá trình quản lý và sử dụng công chức, viên chức. Cán bộ (giới quan chức, lãnh đạo) thì được tuyển dụng thông qua thi tuyển và sau khi làm các công việc ở những cương vị cụ thể thì được bổ nhiệm. Công chức Nhật Bản được đào tạo liên tục sau khi tuyển dụng.
Ở Nhật, sự giám sát và phê phán của xã hội với công chức nhà nước rất chặt chẽ và nghiêm khắc. Cụ thể, khi bị phát hiện sai phạm, vi phạm thì công chức Nhật thường phải từ chức công khai. Chế độ nhiệm kì của cán bộ giúp cơ cấu công chức linh động, tránh đặc quyền, đặc lợi của công chức. Ngoài việc chú trọng đến vai trò của cá nhân công chức, Nhật Bản cũng coi trọng sửa đổi lề lối làm việc của các cơ quan hành chính, sửa đổi lề lối làm việc hạn chế sự can thiệp sâu của các cơ quan này vào hoạt động của doanh nghiệp, tăng cường cơ chế giám sát chéo để hạn chế tệ quan liêu, tham nhũng.
Hoa Kỳ: Đề cao yếu tố kiểm soát hành chính
Từ thực quyền, các cơ quan hành chính có quyền đặt ra quy định trong lĩnh vực của mình (quyền lập quy), có quyền thực thi các quy định đó (quyền hành chính), lại có quyền giải quyết khi có khiếu nại của người dân (quyền tài phán hành chính). Như vậy, trong lĩnh vực chuyên môn của mình, một cơ quan hành chính có đủ ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, nguy cơ lạm quyền là rất cao. Để hạn chế những vấn đề này, Quốc hội Hoa Kỳ đã cho thông qua một đạo luật đặt ra những nguyên tắc mà mọi cơ quan hành chính phải tuân theo khi thực hiện công vụ nhằm kiểm soát nguy cơ lạm quyền của những cơ quan này và giúp bảo vệ các quyền cơ bản của người dân. Ở cấp liên bang Luật này có tên là Luật Thủ tục hành chính (Khái niệm Administrative Procedure ở đây được hiểu là toàn bộ trình tự, thủ tục liên quan đến việc vận hành của các cơ quan hành chính, chứ không chỉ dừng lại ở việc người dân đến xin phép cơ quan nhà nước như khái niệm thủ tục hành chính trong tiếng Việt). Nó được coi như tuyên ngôn nhân quyền của những người Mỹ đang chịu sự quản lý của các cơ quan hành chính APA được coi là đạo luật nền tảng nhất cho hệ thống pháp luật hành chính công của Hoa Kỳ bởi nó đặt ra những nguyên tắc mà mọi cơ quan hành chính ở nước này phải tuân theo khi thực hiện công vụ. Ở cấp bang, rất nhiều bang của Hoa Kỳ cũng đã ban hành đạo luật tương tự như trên nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân trước các cơ quan hành chính cấp bang. Để kiểm soát được quyền lực của các cơ quan hành chính, Luật đưa ra bốn nội dung chính: (1) yêu cầu các cơ quan hành chính phải công khai toàn bộ các thông tin về tổ chức, hoạt động và các quy định của mình; (2) quy định về việc người dân tham gia vào quá trình lập quy; (3) đặt ra các tiêu chuẩn chung trong việc thực thi công vụ của các cơ quan hành chính; và (4) xác định cơ chế để tòa án xem xét lại các công việc của cơ quan hành chính.
Hàn Quốc: Quản lý công bằng chính phủ điện tử
Hiện nay có rất nhiều quản điểm cũng như lý thuyết về quản lý công. Tuy nhiên có thể khẳng định, quản lý công không phải là việc hoàn toàn mới mà là việc các chính phủ của nhiều nước khác nhau đưa ra cách thức để quản lý hoạt động của mình sao cho phù hợp nhất. Phổ biến và tiến bộ nhất là ở những chính phủ mong muốn thay đổi cơ cấu của Chính phủ từ mô hình tập trung, quan liêu thứ bậc hành chính thành các cơ quan nhỏ, gọn, được phân quyền nhiều hơn và thân thiện với người dân. Các biện pháp cải cách bao gồm: Thử nghiệm thị trường, hợp đồng với bên ngoài, tách các cơ quan xây dựng chính sách với cơ quan thực thi chính sách, thu nhận đánh giá các cơ quan thực thi chính sách từ phía khách hàng, người dân… Từ việc đó có thể hạn chế sự lãng phí của bộ máy chính phủ bằng cách để các cơ quan này tham gia cạnh tranh với khu vực tư nhân, hoặc gần như tham gia vào thị trường…
Kinh nghiệm của Hàn Quốc về quản lý công khá thiết thực và đáng học hỏi. Năm 1997, Hàn Quốc có đạo luật Luật cơ bản về pháp quy hành chính. Đạo luật này định rõ nguyên tắc cải cách thể chế, xác định nội dung đổi mới quy trình, sửa đổi bổ sung và công khai hóa các quy định của Nhà nước, giảm bớt sự can thiệp của nhà nước và giảm chi phí của người dân. Dựa trên Luật này, Chính phủ đã thành lập Ủy ban cải cách lập quy để thực hiện giám sát, phối hợp rà soát các quy định theo chỉ thị của Tổng thống; đưa ra các chủ trương về cải cách thể chế, thu thập thông tin, trả lời các câu hỏi có liên quan của công chúng và công khai hóa các quy định được ban hành… Các quyết định của ủy ban này có hiệu lực cao và do Tổng thống phê chuẩn. Hoạt động của ủy ban nhằm đến mục tiêu tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực như kinh doanh, thuế, hải quan, đất đai…
Hàn Quốc cũng là nước tổ chức được mạng lưới chính phủ điện tử thuộc loại tốt nhất trên thế giới. Họ tổ chức được bộ máy hành chính điện tử kết nối giữa trung ương và địa phương và giữa nội bộ các cơ quan hành chính. Công dân qua mạng internet có thể tìm thấy trình tự, tiến độ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Ngoài ra, công chức có trách nhiệm công khai trả lời các ý kiến, kiến nghị của người dân trên mạng Internet. Nhờ những quy định này, việc xử lý thủ tục hành chính tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền bạc khi thực hiện thủ tục. Đặc biệt, công chức không có cơ hội lơ là, chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính và không còn cơ hội tham nhũng. Các ưu điểm trong quản lý công của Hàn Quốc được bạn bè quốc tế đánh giá cao và coi là một chương trình chuẩn chống tham nhũng áp dụng cho các nước thành viên của Liên Hợp Quốc.
Chú ý các yếu tố kiến tạo và vận hành nền hành chính, tạo ra được cơ chế để kiểm soát hoạt động hành chính, áp dụng chính phủ điện tử rộng rãi là những kinh nghiệm quốc tế quý báu và đáng lưu ý cho Việt Nam khi xây dựng dự Luật hoạt động Hành chính công.
Mai Mai (tổng hợp)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/kinh-nghiem-quoc-te-khi-xay-dung-luat-hoat-dong-hanh-chinh-cong-a182140.html