Đó là những loại thuế không tên, cũng chẳng có thuế suất, nhưng hiện hữu khắp nơi và luôn ẩn chứa những bất công, bất hợp lý với mọi người. Thuế “vô hình” ở đâu ra?
Mọi người đang bàn về tăng thuế giá trị gia tăng, loại thuế tiêu dùng sát sườn, cứ mua hàng là chịu thuế, mức phổ biến là 10%. Dù thuế suất phổ biến được đề xuất tăng thêm 2% nhưng số tiền thuế phải nộp thêm lên đến 20% so với hiện nay là không nhỏ với nhiều người dân.
Chẳng ai muốn tăng thuế. Nhưng chưa thấy cách nào khác trong khi ngân sách nhà nước đang căng thẳng, nợ công đã đụng trần.
Tăng thuế tiêu dùng để cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước được Bộ Tài chính cho là “căn cơ” nhất. Hiểu nôm na rằng cứ mua hàng là đóng góp thêm, giúp ngân sách nhà nước thoát cảnh “co kéo” như hiện nay. Nhưng có tăng thuế, bao nhiêu, lúc nào, phải bàn nhiều và do Quốc hội quyết định.
Khi đã bàn đến tăng thuế, ngoài thuế suất, nhiều khả năng người dân còn phải chịu những loại thuế “vô hình”. Đó là những loại thuế không tên, cũng chẳng có thuế suất, nhưng hiện hữu khắp nơi và luôn ẩn chứa những bất công, bất hợp lý với mọi người.
Thuế “vô hình” ở đâu ra? Đó là những khoản ngân sách bị thất thoát, lãng phí hoặc do tham nhũng. Việc sử dụng ngân sách kém hiệu quả chính là loại thuế “vô hình” có “thuế suất” rất cao đánh vào mọi người dân. Đó cũng là bất công lớn nhất trong nghĩa vụ thuế đối với mọi công dân.
Đề xuất tăng thuế, như mục tiêu Bộ Tài chính nêu là nhằm bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, tạo nền tảng cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước. Dù có tăng thuế hay không, người dân vẫn đòi hỏi phải loại bỏ ngay thuế “vô hình” do sử dụng ngân sách lãng phí.
Và trong thời gian gần, quốc gia không còn bị sức ép phải chạy theo tăng trưởng kinh tế để giữ an toàn trần nợ công. Nợ công cũng không còn là mối đe dọa nền kinh tế... Có thế mọi người mới thấy khoản đóng góp của mình là đáng đồng tiền bát gạo.
Ngoài ra, còn có những loại thuế “vô hình” có thể phát sinh do triển khai thuế mới chưa tốt. Đó là giá cả leo thang kiểu té nước theo mưa khi tăng thuế.
Kinh nghiệm từ việc tăng thuế của nhiều nước, đặc biệt là triển khai thuế giá trị gia tăng tại Việt Nam từ 20 năm trước cho thấy nguy cơ giá tăng luôn rình rập. Hay đã gần 20 năm áp dụng thuế giá trị gia tăng nhưng vẫn tồn tại nhiều chiêu trò dùng thuế để tăng giá. Trong đó có “giá bán phải cộng thêm 10% thuế”, trong khi theo luật, giá bán đã bao gồm thuế.
Đây là thử thách cho ngành thuế, tài chính và các cơ quan quản lý thị trường khi triển khai sửa thuế.
Không chỉ vậy, khi giá cả tăng, người tiêu dùng chi tiêu dè sẻn, sản xuất kinh doanh khó khăn, ít việc làm hơn, thu nhập giảm, đó cũng là loại thuế “vô hình” đánh vào người tiêu dùng.
Giả sử đề xuất của Bộ Tài chính được Quốc hội thông qua, mức thuế tiêu dùng mới sẽ áp dụng từ năm 2019, còn hơn một năm để triển khai. Thời gian như vậy là không nhiều bởi việc sửa thuế luôn kèm theo rất nhiều việc phải làm. Vì thế không thể chủ quan với thuế “vô hình”.
Sửa năm loại thuế (giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, tiêu thụ đặc biệt và tài nguyên), nhìn ở góc độ tích cực nhất là góp phần tạo ra động lực, nền tảng mới cho đất nước. Nhưng một trong những thước đo thành công đó là đừng để người dân phải sợ thuế “vô hình” và dứt khoát phải loại bỏ cho được các loại thuế vô lý này.
Theo Tuoitre
Link nội dung: https://phaply.net.vn/thue-vo-hinh-a182098.html