(Pháp lý) - Sau khi đăng tải loạt bài góp ý xây dựng Dự Luật hoạt động hành chính công, mới đây, Ban Biên tập Tạp chí Pháp lý tiếp tục nhận được những ý kiến góp ý tâm huyết của chuyên gia, Luật sư góp ý cho Dự Luật này. Pháp lý trân trọng tiếp tục đăng tải tiếp 3 ý kiến góp ý của TS. Nguyễn Minh Phong; TS. Trần Văn Duy và LS. Vũ Lợi (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).
Bài 4: Luật cần tạo cơ chế cho dân giám sát hoạt động hành chính
Không nên duy trì cách đánh giá thủ tục hành chính truyền thống vì phương pháp này đã bộc lộ những bất cập, chưa phát huy được trách nhiệm của cán bộ, công chức. Trong kiểm soát hoạt động hành chính, cần bổ sung các quy định và cơ chế để người dân vận dụng giám sát cơ quan hành chính… Đó là những ý kiến tiếp tục góp ý xây dựng dự Luật hoạt động Hành chính công.
Cần thay đổi cách đánh giá thủ tục hành chính
Thủ tục hành chính được quy định tại các Luật chuyên ngành và các văn bản quy phạm pháp luật chi tiết, các hướng dẫn thi hành Luật. Tuy nhiên trên thực tế còn tồn tại sự tùy tiện trong ban hành thủ tục hành chính, nhiều thủ tục hành chính được ban hành không đúng thẩm quyền, còn nặng tính xin cho, cơ quan quản lý dành thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia từng cảnh báo, trong một số thủ tục hành chính cài cắm thêm các quy định về giấy phép con trong khi thực hiện. Có tình trạng trên là do thủ tục hành chính tăng thêm không được thống kê, công khai, công bố.
TS. Nguyễn Minh Phong, cho rằng: Nhiều năm qua chúng ta tiến hành cải cách hành chính. Đã tiến hành một công việc thì cần thiết phải kiểm tra, đánh giá từ đó mới rút ra được phương hướng hoạt động trong thời gian tiếp theo. Hiện nay việc đánh giá hiệu quả của thủ tục hành chính là có, nhưng còn hình thức, nhất là việc xử lý sau đánh giá còn hạn chế nên hiệu quả công tác đánh giá chưa tác động lại được vào nền hành chính. Nguyên nhân của tình trạng trên là do quyền giám sát và đánh giá, quyền phản ánh kiến nghị của người dân còn hạn chế. Đồng thời trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong khi thực hiện thủ tục hành chính còn chưa rõ ràng.
Ông Phong hoan nghênh dự thảo Luật hoạt động Hành chính công đã đưa ra quy định về đánh giá thủ tục hành chính. Cụ thể, thủ tục hành chính được tổ chức, cá nhân đánh giá về chất lượng, hiệu quả với các tiêu chí như sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý, đơn giản liên thông, thuận tiện, rõ ràng, minh bạch, linh hoạt, mức độ chi phí thực hiện… Tuy nhiên cũng theo TS. Phong, quy định như trong Dự Luật vẫn chưa thoát khỏi “bóng” của các phương thức đánh giá truyền thống.
Hiện nay hầu hết thủ tục hành chính được quy định cụ thể gồm các bước, nội dung và trình tự thực hiện trong các luật chuyên ngành. Nếu quy định như đánh giá hiện nay thì sẽ tồn tại những vụ việc như ở phường Văn Miếu (cấp giấy chứng tử đúng quy trình nhưng vẫn làm dân bức xúc). Bởi vậy để đánh giá thủ tục hành chính, theo vị chuyên gia này cần đưa ra các mức độ khác nhau như: Xuất sắc, Tốt, Trung Bình và Kém. Trong việc thực hiện thủ tục hành chính, được đánh giá là Xuất sắc nếu hoàn thành sớm hơn thời gian dự định, đáp ứng tất cả các tiêu chí và khiến người dân hài lòng. Được đánh giá là Tốt nếu hoàn thành trong đúng thời gian dự định và đáp ứng các tiêu chí, cũng như khiến dân hài lòng. Ngoài ra là xếp ở mức độ Trung Bình và Kém.
Việc xếp loại rõ ràng như thế là căn cứ để đánh giá cán bộ thực hiện thủ tục hành chính và yêu cầu sửa đổi thủ tục hành chính. Cần bổ sung quy định nghiêm cấm việc can thiệp vào kết quả đánh giá thủ tục hành chính trong những điều luật đầu tiên. Đồng thời luật nên quy định, với từng mức độ được quy định rõ ràng như vậy thì sẽ xác định được mức khen thưởng, động viên cũng như chế tài xử lý cán bộ, người đứng đầu nếu có vi phạm. Ông Phong tin tưởng: Nếu quy định đánh giá thủ tục hành chính được thực hiện ở tất cả các cơ quan hành chính và hậu đánh giá có hướng xử lý, rút kinh nghiệm thì chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh để làm khó dân khi thực hiện thủ tục hành chính.
Kiểm soát hành chính tốt nhất là tạo cơ chế cho người dân giám sát
Công tác kiểm soát hoạt động hành chính hiện nay còn nhiều nhược điểm. Có vụ việc cho thấy quá trình thanh tra, kiểm toán kéo dài dẫn đến việc cán bộ thực hiện công vụ khi bị phát hiện đã trốn chạy để thoát tội, hồ sơ công vụ bị thủ tiêu để thoát trách nhiệm. Vì vậy việc kiểm soát hành chính công quy định trong Dự Luật hoạt động Hành chính công là cần thiết để đảm bảo thủ tục hành chính và dịch vụ hành chính được thực hiện đúng pháp luật với chất lượng cao, hạn chế nhũng nhiễu người dân.
Luật sư Vũ Lợi cho rằng: Luật cần quy định về sự phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát để tránh tình trạng chồng chéo, gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân bị kiểm soát. Việc quy định rõ trong trường hợp nào các cơ quan thanh tra, kiểm tra cần phối hợp với nhau để tránh tình trạng bỏ lọt, chạy trốn, thủ tiêu hồ sơ là cần thiết. Đồng thời quy định giới hạn số lần kiểm tra/giám sát để tránh trường hợp gây phiền hà cho người/ cơ quan bị giám sát.
Từ những ví dụ khó trong xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm khi chưa hoàn thành công việc như vụ mất hồ sơ, giấy tờ bổ nhiệm cán bộ gần đây, Luật sư Vũ Lợi cho rằng trước những vụ việc nghiêm trọng như vậy đáng ra phải chỉ ra, kết luận trách nhiệm cá nhân trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu nhưng cơ quan chức năng lại hiếm khi truy trách nhiệm đến cùng của các cá nhân liên quan… Thanh tra, kiểm tra hay nói chung là kiểm soát mà không đi đến cùng sự việc, lơ lửng, thì cũng không có tác dụng răn đe những trường hợp khác.
Cũng theo Luật sư Vũ Lợi thì trong các biện pháp kiểm soát hoạt động hành chính thì biện pháp giám sát từ phía người dân rất quan trọng. Tuy nhiên từ trước đến nay ta chưa coi trọng biện pháp này. Trong dự Luật hoạt động Hành chính công quy định còn khá chung chung. Cụ thể là dự Luật ghi: Công dân có quyền thực hiện giám sát hành chính công thông qua các hoạt động như khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị, tham gia hoạt động của Thanh tra nhân dân, giám sát cộng đồng và các hình thức khác theo luật định… Trong các phương thức trên thì đều yêu cầu trách nhiệm ở người dân giám sát là cần đưa ra bằng chứng chứng minh vi phạm, nhận định, lập luận khẳng định thủ tục hành chính có vấn đề. Tuy nhiên thực tế, để thu thập được các chứng cứ chứng minh, đưa ra được các lập luận thì người dân phải vận dụng các biện pháp như ghi âm, ghi hình… Khâu đó rất khó khăn mà người dân chưa được hỗ trợ. Theo Luật sư Vũ Lợi: Các biện pháp trên mới quy định về hình thức thực hiện mà không quy định rõ về cách thức thực hiện. Cần quy định rõ các cách thức mà người dân có thể vận dụng như ghi âm, chụp ảnh nhằm có được bằng chứng để phản ánh về sự nhũng nhiễu, thiếu tích cực của cơ quan hành chính công. Đồng thời sau những phản ánh đó, cần có các biện pháp xử lý thích đáng với vi phạm đồng thời khen thưởng, động viên công dân có khiếu nại, tố cáo, phản ánh đúng.
Thay đổi nhận thức của người dân và nâng cao năng lực quản lý của nhà nước
Liên quan đến một thuật ngữ khá cơ bản của Dự Luật là chính phủ điện tử, Tiến sĩ Trần Văn Duy – Viện từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam tiếp cận dự luật dưới góc nhìn của một chuyên gia ngôn ngữ thì cho rằng, tại khoản 8 điều 3 của dự thảo quy định: Chính phủ điện tử là phương thức hoạt động của cơ quan nhà nước trung ương và địa phương sử dụng hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông để giải quyết công việc thuộc thẩm quyền trong mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với cá nhân, tổ chức trong hành chính công. Bởi vậy theo Tiến sĩ Duy thì dự thảo nên sử dụng khái niệm hành chính điện tử. Sử dụng khái niệm này sẽ tạo ra nhận thức toàn diện trong toàn bộ xã hội về vai trò của công nghệ thông tin và viễn thông trong quản lý hành chính.
Đồng tình với những quy định trong dự thảo về quản lý dịch vụ công, Tiến sĩ Duy cho rằng: Nhiều nước đã và đang áp dụng mô hình mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế trong hoạt động cung cấp dịch vụ công và giảm bớt sự tham gia trực tiếp của nhà nước trong lĩnh vực này. Mô hình tham gia của xã hội (công dân, các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, các tổ chức vì lợi nhuận trong nước cũng như có yếu tố nước ngoài) hay còn gọi là xã hội hóa cung ứng dịch vụ công đang trở thành một xu hướng phổ biến. Bởi vậy Tiến sĩ Duy cho rằng nên mở quy định theo hướng mở rộng phạm vi chủ thể tham gia.
Cụ thể công dân, tổ chức nước ngoài có thể được lựa chọn để cung ứng dịch vụ công. Nhà nước chỉ cần tạo ra môi trường pháp lý bình đẳng để các loại hình sở hữu khác (ngoài khu vực nhà nước) cung cấp dịch vụ dựa trên nguyên tắc cạnh tranh về chất lượng và chi phí phục vụ. Tiến sĩ Duy cũng lưu ý, mở rộng nhưng cũng cần đưa ra những ràng buộc chặt chẽ quy định ngay trong luật nếu cá nhân, tổ chức nước ngoài cung ứng dịch vụ công.
Phan Minh
Link nội dung: https://phaply.net.vn/du-luat-hoat-dong-hanh-chinh-cong-va-nhung-van-de-lon-can-nghien-cuu-them-ky-2-a182058.html