Ủy ban kiểm tra Trung ương và những tấm gương liêm chính, chí công vô tư

(Pháp lý) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác kiểm tra của Đảng. Ghi lời Bác, nhiều văn kiện của Đảng đã khẳng định: “Đã lãnh đạo thì phải kiểm tra, lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo”. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã và đang thực hiện nhiệm vụ làm trong sạch Đảng, đưa ra ánh sáng những đảng viên vi phạm kỷ luật đảng, đảng viên thoái hóa. Và đặc biệt, Ủy ban Kiểm tra T.W còn có nhiệm vụ quan trọng cùng các cơ quan chức năng khác phát hiện, xử lý kịp thời nghiêm minh, công khai cán bộ đảng viên sai phạm tham nhũng.

Nơi xem xét sinh mệnh chính trị đảng viên

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương là một người có kinh nghiệm hơn 20 năm làm công tác kiểm tra. Nghỉ hưu đã lâu nhưng ông vẫn giữ những nét tính cách của người làm công tác kiểm tra như tỉ mỉ, thận trọng, ân cần lắng nghe. Ông vẫn luôn dõi theo dòng thời sự, thường xuyên góp ý xây dựng Đảng nhất là góp ý hoạt động thanh kiểm tra và không ngần ngại chia sẻ với báo giới những góc nhìn thẳng thắn của mình.

 Ông Vũ Quốc Hùng kể lại hồi ức khi làm công tác kiểm tra với Phóng viên Pháp lý
Ông Vũ Quốc Hùng kể lại hồi ức khi làm công tác kiểm tra với Phóng viên Pháp lý)

Nói về công tác kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông chia sẻ: Ủy ban chúng tôi làm việc theo chế độ tập thể. Để đi đến kết luận một vụ việc, các thành viên của Ủy ban sẽ cùng ngồi với nhau xem xét, thảo luận rất kĩ càng về từng vụ việc liên quan đến đảng viên sau đó đi đến biểu quyết, kết luận. Kiểm tra của Đảng liên quan đến sinh mạng chính trị của Đảng viên, nên phải bàn bạc, cân nhắc rất kĩ càng.

Cũng bởi đặc thù riêng và tầm quan trọng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nên hoạt động kiểm tra của Ủy ban này thường được nhân dân quan tâm đặc biệt.

Trong quá trình làm công tác kiểm tra Đảng, ông Hùng còn giữ nguyên ấn tượng nhất là những cuộc kiểm tra về việc đoàn kết nội bộ của Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Tiếp đến là kiểm tra việc vi phạm đạo đức lối sống của các Đảng viên ở các vị trí, chức vụ cao từ Thiếu tướng, Bí thư tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch HĐND, Thứ trưởng…

Ông Hùng còn giữ nguyên những ấn tượng về cuộc kiểm tra đối với lãnh đạo tỉnh Hà Nam sau khi mới tách khỏi tỉnh Hà Nam Ninh. “Thời kì đầu thành lập tỉnh Hà Nam, Bí thư và Chủ tịch tỉnh này có những biểu hiện mất đoàn kết nội bộ sâu sắc. Sau kiểm tra chúng tôi quyết định cắt chức Bí thư và đưa cán bộ khác ở Trung ương về làm Bí thư tỉnh này. Tuy nhiên, sau đó vị cán bộ mới này tiếp tục bị những đảng viên “phe cánh” phá hoại, gây mất đoàn kết do sự xúi giục của Bí thư cũ đã bị cắt chức. Khi đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải đưa đến quyết định kiên quyết hơn, khai trừ khỏi Đảng đồng chí Bí thư tỉnh trước đó đã bị cắt chức để giải quyết triệt để việc mất đoàn kết nội bộ. Đó là những quyết định kiên quyết với Đảng viên cấp cao, một quyết định khó khăn với Ủy ban Kiểm tra nhưng không thể đừng. Tất cả vì sự ổn định trong Đảng. Kết luận kiểm tra và thi hành kỉ luật cán bộ mạnh mẽ đó đã giải quyết triệt để tình trạng mất đoàn kết nội bộ giữa lãnh đạo tỉnh đó, tạo sự ổn định, phát triển của tỉnh. Từ nền tảng đó, người dân tin tưởng, được lợi từ các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Theo ông Hùng, để xử lý kỉ luật một đảng viên, cán bộ kiểm tra phải rất khách quan, vô tư. Trong một cuộc kiểm tra, bao giờ chúng tôi cũng yêu cầu cán bộ giải trình, rồi trao đổi hoặc viết thư tới từng Tỉnh ủy viên để hỏi về đồng chí bị kiểm tra, tiến hành thẩm tra, kiểm tra các vụ việc, xem xét chứng cứ để có những nhìn nhận đúng đắn nhất. Chúng tôi không được đưa ra quyết định cảm tính mà phải cân nhắc kĩ lưỡng để có được những quyết định thấu tình, đạt lý.

Tấm gương cuộc sống đến tấm gương kiểm tra…

Trong kí ức của nhiều người từng làm công tác kiểm tra Đảng thì hình ảnh, phong cách, đạo đức, phẩm chất của ông Trần Kiên luôn tỏa sáng. Ông là người đứng đầu cơ quan kiểm tra của Đảng liên tiếp 2 nhiệm kỳ, là đảng viên tiêu biểu về đạo đức, lối sống, phong cách cộng sản chủ nghĩa trong cả đời thường lẫn khi làm công tác kiểm tra của Đảng.

Sinh ra ở Quảng Ngãi, nhưng cả cuộc đời trai trẻ của ông gắn liền với cuộc chiến đấu ở miền Trung và Tây nguyên. Sau khi đất nước thống nhất, ông làm Bí thư tỉnh ủy một loạt tỉnh Quảng Ngãi, Nghĩa Bình, Gia Lai, Kontum, Đắc Lắc và làm Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp. Tại Đại hội VI lịch sử, ông được bầu vào Ban bí thư Trung ương Đảng và giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Trong cuốn sách về đồng chí Trần Kiên có ghi lại rất nhiều giai thoại sáng lên phẩm chất quý báu của người cán bộ kiểm tra.

Đồng chí Trần Kiên (bên trái) chụp cùng đồng chí Phạm Văn Đồng (Ảnh chụp từ cuốn sách Đồng chí Trần Kiên)
Đồng chí Trần Kiên (bên trái) chụp cùng đồng chí Phạm Văn Đồng (Ảnh chụp từ cuốn sách Đồng chí Trần Kiên))

Khi nghe tình hình bạo loạn ở Tây Nguyên, ông Trần Kiên khóc. Đi công tác thì mang theo cơm nắm để ăn ở đường. Nhờ người bạn đi công tác cùng chép bài hát “Vì nhân dân quên mình” để nhắc mình không quên lý tưởng. Thích nhân vật Paven trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của Nhà văn Xô Viết với lòng dạ gang thép và lý tưởng mãnh liệt. Ăn cây môn thục nấu canh, răn người phục vụ, chỉ được hái cành và lá để lại gốc, gốc sẽ mọc lại thân để người sau có cái mà ăn. Đi họp, được phân phòng sang trọng để ở, ông tự dọn phòng ra hành lang ở, ngụ ý nhắc người tổ chức cuộc họp gọn nhẹ và tiết kiệm.

Trong kháng chiến, không cho lính bắn chết một con nai vì sợ chỉ ăn hết một cái đùi còn lãng phí…

Cũng bởi những phẩm chất đáng quý ấy, ông Trần Kiên được rất nhiều người nể phục, thương nhớ. Trong cuốn sách viết về ông, đồng chí Phạm Thế Duyệt (Nguyên Ủy viên Thường vụ, Nguyên Thường Trực Bộ chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQVN) hồi nhớ: Trong Ban Bí thư hồi đó anh Trần Kiên hơn tôi 14 tuổi, khi hết nhiệm kì Đại hội VI (năm 1991) mặc dù được nhiều đồng chí giới thiệu, anh vẫn kiên quyết xin nghỉ vì tuổi cao, sau Đại hội VII, anh và gia đình về Quảng Ngãi, quê hương anh để sống những năm tháng cuối của cuộc đời. Anh trả lại nhà mà không hề suy nghĩ về ngôi nhà biệt thự mà Trung ương bố trí cho gia đình anh ở phường Trung Tự, TP HN từ nhiều năm...

Trong những năm giữ chức vụ quan trọng trong Đảng, ông Trần Kiên cũng dành phần lớn tiền lương của mình, nhường lại sự chia sẻ của mọi người cho mình để mua cây giống cho người dân Miền Trung, Tây Nguyên. Đồng chí Nguyễn Thị Xuân Mỹ - Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chia sẻ: Nhớ về ông, tôi cũng không thể quên những lần được ăn những quả chuối ngọt, những quả táo nhỏ có cả vị ngọt lẫn vị chua mà ông đã từng hái từ cây nhà ông ở Trung Tự, do bàn tay chăm bón của ông bà, mang đến cho chúng tôi trong một túi vải mộc đơn sơ. … Nhớ có lần ông phải vào điều trị ở Bệnh viện 108, tôi chuẩn bị đến thăm thì có một đồng chí lão thành đã đến thăm ông gọi điện dặn nếu đến thăm thì mua thuốc hoặc đường sữa đừng đưa tiền vì ông sẽ không dùng tiền đó để bồi dưỡng sức khỏe đâu mà lại mua giống cây đem lên rẫy cho bà con trồng đấy… Và đúng là ông làm thế thật. Đồng chí Phó văn phòng Ủy ban kiểm tra Trung ương cho tôi biết ông đã đưa hết tiền thăm nom, “bắt” phải đi mua cây để khi ông xuất viện sẽ mang về Quảng Ngãi…

Nhớ về những kỷ niệm với đồng chí Trần Kiên, ông Vũ Quốc Hùng không khỏi bồi hồi: “Trần Kiên là sếp đầu tiên của tôi trong Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Trong thời gian làm nhiệm vụ kiểm tra của Đảng, ông Trần Kiên được biết đến là người làm công tác kiểm tra khách quan, trung thực và luôn sâu sát với hoạt động kiểm tra. Mỗi khi có tiêu cực cần kiểm tra, giám sát ông luôn xuống tận nơi để kiểm tra chứ không ngồi nghe báo cáo.

Sau ông Trần Kiên, Ủy ban kiểm tra Trung ương có nhiều lãnh đạo mới. Gần đây nhất, trọng trách đặt trên vai ông Trần Quốc Vượng. Thời gian này, trọng trách của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày càng nặng nề, khi nhiệm vụ chống tham nhũng ngày càng trở nên cấp bách ở giai đoạn hiện nay.

Nhiều Phóng viên được trực tiếp làm việc cùng ông Trần Quốc Vượng đã chia sẻ, nhìn ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương rất nho nhã, điềm đạm với những kết luận sắc sảo, cương quyết gần đây khiến nhân dân càng thêm tin tưởng vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng. Các thông báo và kết luận của Ủy ban KTTW về vi phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa (Thứ trưởng Bộ Công thương); Phan Thị Mỹ Thanh (Phó Bí Thư tỉnh Đồng Nai), Trịnh Xuân Thanh (Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang); Vũ Huy Hoàng (Cựu Bộ Trưởng Bộ Công thương); Sai phạm trong vụ Formosa; Vi phạm ở Tập đoàn Dầu khí; Kết luận vi phạm của lãnh đạo nhiều tỉnh như Bình Định, Hải Phòng, Huế… đã giải tỏa những nghi ngờ của dư luận, tạo thêm niềm tin của nhân dân vào công cuộc PCTN của Đảng và làm các đối tượng có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực run sợ.

Thuận lợi và thách thức

Nói về những thuận lợi trong công tác kiểm tra của Đảng hiện nay, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, sự hoàn thiện của các quy định liên quan đến công tác đảng, các quy định pháp luật đã giúp những người làm công tác kiểm tra có cẩm nang và “bảo bối” để hành động. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã nảy sinh những vi phạm kinh tế lớn, tinh vi và phức tạp hơn, thì người làm công tác kiểm tra sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức hơn.

Ông Trần Quốc Vượng (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương hiện nay).
Ông Trần Quốc Vượng (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương hiện nay).)

Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII một lần nữa nhìn nhận lại những hạn chế, khuyết điểm của công tác đảng, đảng viên. Lúc này, chỉ đạo của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng với công tác kiểm tra của Đảng trước đó còn vẹn nguyên giá trị: Chỉ đạo Ủy ban kiểm tra các cấp của Đảng kiểm tra, xử lý kịp thời đảng viên có dấu hiệu tham nhũng; Có hình thức xử lý các tổ chức đảng và đảng viên không chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng như: Vi phạm thời gian, quy định hoặc không thực hiện việc kê khai tài sản, công khai, minh bạch, chuyển đổi vị trí công tác.. Tùy tính chất vi phạm mà có hình thức xử lý phù hợp. Đưa công tác PCTN thành một trong những trọng tâm công tác và một nội dung quan trọng để kiểm điểm theo định kỳ của cấp ủy các cấp. Đặc biệt, Cơ quan kiểm tra, nội chính của Đảng phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng của nhà nước để kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý kịp thời và công khai kết quả xử lý những tổ chức, cán bộ, Đảng viên có vi phạm. Gần đây khi tiếp xúc cử tri, TBT Nguyễn Phú Trọng cũng phát biểu: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công.

Người dân cũng bày tỏ mong mỏi, cơ quan kiểm tra của Đảng không chỉ dừng lại ở kiểm tra, thi hành kỉ luật trong đảng mà cần chuyển những vi phạm trên sang cơ quan điều tra để truy tố, xét xử với những vi phạm làm bức xúc trong nhân dân. Làm tốt công tác kiểm tra sẽ có ý nghĩa lớn trong phòng ngừa, khắc phục những sai phạm, khuyết điểm của cán bộ đảng viên. Nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cấp rất vinh quang nhưng trọng trách cũng rất nặng nề….

Tham nhũng nhất định phải được ngăn chặn

“Một khi đã xảy ra tham nhũng thì nhất thiết phải xử lý kiên quyết, xử lý thật nghiêm, đúng quy định của luật pháp, không có vùng cấm. Chúng ta phải nghiêm túc tuân thủ sự bình đẳng trước pháp luật, không có đặc quyền, không có ngoại lệ. Một mặt trừng phạt nghiêm khắc những phần tử tham nhũng mặt khác cần có chính sách khoan hồng đối với những người có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả trước khi bị phát giác, tạo môi trường tích cực nhằm ngăn chặn tham nhũng.

Trước mắt cần đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp theo đúng quy định của pháp luật. Cần tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, tập trung xử lý những vụ tham nhũng có tính tập thể, có tổ chức. Kiên quyết xử lý kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng; tịch thu, sung công tài sản tham nhũng; tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng.

Quán triệt và thực hiện nguyên tắc: Có vụ việc thì phải được xác minh làm rõ; có dấu hiệu phạm tội thì phải được tiến hành điều tra; có kết luận điều tra thì phải xem xét truy tố; có cáo trạng thì phải được nghiên cứu đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời.

(Nội dung trích trong bài “Tham nhũng nhất định phải được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi, xây dựng Đảng ta, nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”.

Cuốn “Xây dựng chỉnh đốn đảng là nhiệm vụ then chốt” do Đồng chí Nguyễn Phú Trọng viết).

Phan Tĩnh

Link nội dung: https://phaply.net.vn/uy-ban-kiem-tra-trung-uong-va-nhung-tam-guong-liem-chinh-chi-cong-vo-tu-a181988.html