Nộp tiền khắc phục hậu quả, sếp của Giang Kim Đạt không thoát án tử

Chiều muộn 18.8, sau hai ngày xét xử và nghị án, Tòa phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Giang Kim Đạt và các đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản, rửa tiền ở Vinashinlines.

Bị cáo Giang Kim Đạt, Trần Văn Liêm và Trần Văn Khương (từ bên trái ảnh sang).
Bị cáo Giang Kim Đạt, Trần Văn Liêm và Trần Văn Khương (từ bên trái ảnh sang).)

Một tình tiết mới trong vụ án này là bị cáo Trần Văn Liêm, nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines, người bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án tử hình về tội Tham ô tài sản với số tiền chiếm đoạt hơn 3,1 tỷ đồng đã nộp lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt.

Đánh giá về tình tiết này, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cho rằng: Hành vi của bị cáo Liêm là đặc biệt nghiêm trọng, bởi bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Tổng giám đốc Vinashinlines chỉ đạo Giang Kim Đạt thỏa thuận giữa chủ tàu và công ty môi giới trích tiền hoa hồng khi mua tàu. Bị cáo đã chỉ đạo Trần Văn Khương không nhập số tiền mình đưa cho Khương vào sổ sách kế toán chi tiêu. Đáng lẽ khoản tiền này phải được hạch toán vào khoản thu nhập khác của doanh nghiệp.

“Cấp sơ thẩm đã xác định, chỉ trong 2 năm, bị cáo đã chiếm đoạt số tiền rất lớn hơn 260 tỷ đồng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thậm chí có đơn xin phá sản như đại diện của doanh nghiệp đã trình bày” - Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn chủ tọa phiên tòa nói.

Vẫn theo Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm, việc bị cáo Liêm trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt trước và sau khi xét xử cũng chỉ là số tiền rất nhỏ trong tổng số với thiệt hại của vụ án, tức là 3,1 tỷ đồng/260 tỷ đồng. Có áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như có thành tích trong quá trình công tác, gia đình bị cáo có công với cách mạng thì vẫn phải áp dụng hình phạt cao nhất với bị cáo như cấp sơ thẩm đã tuyên mới đáp ứng được yêu cầu đấu tranh với tội phạm tham nhũng trong tình hình hiện nay. Do đó kháng cáo của bị cáo Liêm không có cơ sở để chấp nhận.

Trên cơ sở nhận định đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm tuyên phạt bị cáo Trần Liêm án tử hình về tội Tham ô tài sản, y như mức án cấp tòa sơ thẩm đã tuyên.

Đối với bị cáo Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines, Hội đồng xét xử thấy không có căn cứ để chấp nhận nên cũng tuyên án tử hình về tội Tham ô tài sản, với số tiền chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng (bằng án cấp sơ thẩm tuyên). Bị cáo Trần Văn Khương, nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines, cũng không được Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo, bị cáo bị tuyên phạt mức án tù chung thân vì tội Tham ô tài sản, với số tiền chiếm đoạt 110.000USD (y án sơ thẩm).

Trong vụ án này bị cáo Giang Văn Hiển (67 tuổi, bố của Giang Kim Đạt, bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 12 năm tù về tội Rửa tiền) ngoài đơn kháng cáo kêu oan, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Hiển có đơn xin xét xử vắng mặt. Lý do bị cáo Hiển bị tiểu đường, huyết áp cao, không đi lại bình thường được. Đề nghị trên của bị cáo Hiển được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử thấy không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của Giang Văn Hiển nên đã tuyên phạt bị cáo này 12 năm tù về tội Rửa tiền (y án sơ thẩm).

Hội đồng xét xử cũng tuyên tiếp tục kê biên hơn 40 tài sản là nhà đất do người thân của Giang Kim Đạt đứng tên để đảm bảo việc thi hành án. Đây là tài sản từ nguồn tiền do Giang Kim Đạt phạm tội mà có.

Theo bản án, từ tháng 7.2006 đến tháng 3.2007, Trần Văn Liêm ký hợp đồng mua 3 tàu Vinashin Summer, Vinashin Island, Vinashin Phoenix và giao Giang Kim Đạt đàm phán mua tàu.

Bị cáo Đạt đã đàm phán với công ty môi giới là Marvin Shipping LTD mua tàu Vinashin Summer của Panama với giá 6,25 triệu USD, được hưởng 2% trên tổng giá trị hợp đồng mua tàu; tàu Vinashin Island mua từ Croatia, giá 5,95 triệu USD, hoa hồng 3,75%; tàu Vinashin Phoenix mua từ Hy Lạp, giá 21,55 triệu USD, hoa hồng 2%.

Trong các mức hoa hồng được hưởng trên, Đạt thỏa thuận trích lại cho công ty môi giới 10%. Tính chung tổng số tiền hoa hồng mua 3 con tàu trên trích lại cho công ty môi giới gần 11,5 tỷ đồng và đều được chuyển khoản vào tài khoản mang tên Giang Văn Hiển.

Các bị cáo còn có hành vi chiếm đoạt tiền cho thuê ngoài hợp đồng đối với 9 con tàu. Cụ thể, trong thời gian từ tháng 5.2006 đến tháng 6.2008, thông qua các công ty môi giới, các bị cáo Liêm, Đạt và Khương thỏa thuận với các chủ tàu, gửi giá cước cho thuê ngoài hợp đồng 9 con tàu để chiếm đoạt của Vinashinlines trên 249 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, các bị cáo Liêm, Đạt và Khương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt Vinashinlines tổng số tiền hơn 260 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Liêm chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng, bị cáo Đạt chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng, bị cáo Khương chiếm đoạt 110.000USD.

Theo Danviet

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nop-tien-khac-phuc-hau-qua-sep-cua-giang-kim-dat-khong-thoat-an-tu-a181971.html