Khi được hỏi rằng tới đây, Bộ sẽ xử lý thế nào với những sai phạm tại dự án BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: Sai đến đâu xử lý đến đấy, kể cả ở mức hình sự cũng đề nghị xử lý. Tuy nhiên chưa phát hiện sai phạm ở mức hình sự tại dự án này.
Nhà nước không mua lại các dự án BOT!
Cũng trong buổi họp báo chiều nay, nhiều PV đã đặt câu hỏi tới đây, Bộ GTVT sẽ xử lý thế nào với những sai phạm tại dự án BOT Cai Lậy. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, nếu có sai phạm đến đâu xử lý đến đấy, kể cả ở mức hình sự cũng sẽ xử lý. Tuy nhiên, theo ông Đông, chưa phát hiện sai phạm hình sự tại dự án này.
Lãnh đạo Bộ GTVT giải thích thêm: Để nói có sai phạm hay không phải căn cứ vào hợp đồng để xử lý. Trách nhiệm đầu tiên là nhà đầu tư, sau đó là Tổng cục Đường bộ. Tiếp đến là trách nhiệm của địa phương. Hiện nay dự án vẫn đang tiếp tục xem xét, điều chỉnh. Do đây là hợp đồng kinh tế được ký kết giữa các bên nên không thể sử dụng biện pháp hành chính để yêu cầu mà chỉ có thể trao đổi, thẩm định.
Ông Đông cũng thừa nhận, các lùm xùm quanh trạm thu phí BOT Cai Lậy không phải là trường hợp đầu tiên. Đã có chỗ này, chỗ kia chưa nhận được đồng thuận của người sử dụng, người trả phí.
"Hiện Bộ GTVT đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ rà soát toàn bộ các trạm trên toàn quốc để điều chỉnh phương án cho hợp lý. Nếu kéo dài thời gian triển khai quá cũng sẽ ảnh hưởng tới nguồn vốn của nhà đầu tư cũng như tổ chức tín dụng, tài chính ngân hàng. Vì thế, nhà đầu tư phải trao đổi lại để khớp lại phương án, mức lãi phải tính toán, công bằng với các trường hợp khác", ông Đông nói.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Đông, nếu phải kéo dài dự án thì phải điều chỉnh mức lãi vay theo quy định và xem xét đầu vào, tính toán phương án tài chính.
Còn về vấn đề chuyển trạm thu phí khỏi vị trí hiện tại, ông Đông cho rằng vấn đề thuộc phạm vi của dự án. Về câu hỏi liệu Nhà nước có bỏ tiền mua lại các dự án BOT hay không, ông Đông khẳng định chủ trương BOT là để thu hút nguồn lực của tư nhân nên Nhà nước sẽ không mua lại…
"Ở đâu có bất cập, có phát sinh thì phải cùng nhau xử lý bất cập. Không chỉ có đường bộ, hàng không, bến cảng, đường sắt…, Nhà nước cũng phải yêu cầu BOT nên không thể bỏ tiền ra mua lại dự án này được", ông Đông nhấn mạnh.
Thời gian thu phí trạm BOT Cai Lậy dự kiến từ 12- 14 năm
Với câu hỏi: Bộ có lường hết được sự việc ở Cai Lậy không và hợp đồng BOT có được công khai không, Thứ trưởng Bộ GTVT chia sẻ: Sự việc xảy ra là điều rất khó lường trước. Bộ đang cùng các cơ quan liên quan giải quyết làm sao cho hài hòa.
Về hợp đồng kinh tế, ông Đông khẳng định không phải tài liệu mật nhưng việc công khai như thế nào cũng là vấn đề phải tính. Trong quy định mới cũng không bắt buộc phải đưa tất cả lên mạng, kể cả không đóng dấu mật đi chăng nữa.
"Việc ký hợp đồng giữa cơ quan này với cơ quan kia, tổ chức này với tổ chức kia mà cứ đưa lên mạng thì sẽ rất khó. Người dân có thể chỉ quan tâm tới phí, giá phải đóng bao nhiêu để giám sát thôi. Còn tôi khẳng định hợp đồng không phải tài liệu mật", Thứ trưởng chốt lại.
Về tính toán thời gian của trạm thu phí BOT Cai Lậy, ông Nguyễn Danh Huy – Vụ trưởng Vụ Đối tác Công tư cho biết: Thời gian thu phí kéo dài bao nhiêu năm phụ thuộc vào nhiều yếu tố đầu vào và cả lưu lượng xe. Ông Huy cho biết đang chỉ đạo các đơn vị ra soát các cơ quan liên quan kiểm đếm để tính toán cụ thể, tuy nhiên thời gian dự kiến khoảng từ 12- 14 năm.
Ông Đông cũng cho biết thêm, cũng có thể thu ngắn thời gian nếu thu mức giá cao hơn. Đây là bài toán phải tính kỹ vì có nhiều yếu tố tác động.
"Cứ khoảng 2 năm chủ đầu tư và cơ quan chức năng phải rà lại lưu lượng xe để chốt lại mức phí và thời gian thu. Không phải dự án nào giống với dự án nào vì còn liên quan tới tổ chức cấp vốn cũng như lưu lượng xe thực tế", ông Đông khẳng định.
Về vấn đề người dân sử dụng tiền lẻ qua trạm để phản đối trạm thu phí BOT Cai Lậy, ông Đông cho rằng, trong thời gian tới tại đây sẽ áp dụng đặt hệ thống thu phí tự động để thuận tiện cho người dân và cả chủ đầu tư.
Sẽ không di dời trạm thu phí Cai Lậy
Trả lời câu hỏi vì sao trạm Cai Lậy lại đặt ở vị trí không phải trên tuyến đường tránh, gây bức xúc cho người dân, Thứ trưởng Đông cho biết: Trạm thu phí BOT Cai Lậy hoàn toàn nằm trong phạm vi dự án và được Bộ GTVT, Bộ Tài Chính, chính quyền địa phương đồng ý.
“Quá trình lập dự án, phê duyệt dự án, đầu tư trạm thu phí Cai Lậy đều được sự đồng ý của lãnh đạo địa phương, Bộ Tài Chính, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh", ông Đông nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định: Do trạm thu phí Cai Lậy nằm trong phạm vi dự án nên sẽ không di dời trạm. Tuy nhiên, Bộ GTVT sẽ họp thêm với chủ đầu tư, các cơ quan liên quan, điều chỉnh phương án tài chính nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa chủ đầu tư và người dân.
Theo ông Đông, năm 2017, Bộ GTVT chỉ được phân bổ kinh phí 39.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông. Tuy nhiên, hiện nay Bộ đang phải hoàn trả khoảng 20.000 tỷ đồng cho các khoản nợ trước đó.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc người dân không được quyền lựa chọn đi các tuyến không bị thu phí, ông Đông cho biết, chỉ có nước phát triển mới đủ ngân sách để xây dựng các tuyến đường. Còn một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước đang phát triển đều sử dụng phương án đầu tư công tư (BOT). Ở nước ta, tính đến năm 2020 ngân sách được duyệt cho xây dựng các công trình giao thông của Bộ GTVT chỉ đáp ứng 30% nhu cầu, 70% còn lại là phải huy động từ các nguồn lực khác...
Sau khoảng hơn 1 giờ 30 phút trả lời các câu hỏi của báo giới, cuộc họp báo kết thúc vào lúc 16h30 chiều.
Với câu hỏi "Thứ trưởng khi đi qua tuyến đường này có phải trả phí hay không và thấy rằng mức phí như vậy là quá cao?", Thứ trưởng Đông cho biết: Chính tôi chỉ đạo xây dựng dự án này, sau đó mới bàn giao cho lãnh đạo khác của Bộ phụ trách nên việc đi lại qua trạm này là chuyện tất nhiên. Tôi đi qua trạm cũng phải trả phí như bao công dân khác, không được miễn. Còn mức phí cao hay thấp, có xót hay không thì phải làm so sánh mới rõ.
Theo Danviet
Link nội dung: https://phaply.net.vn/hop-bao-ve-bot-cai-lay-chua-phat-hien-sai-pham-hinh-su-a181898.html