Những “lỗ hổng” pháp luật tạo “môi trường” cho tội phạm rửa tiền

(Pháp lý) - Hiểu một cách khái quát, rửa tiền là hành vi xử lý (bằng các phương thức khác nhau) tiền, tài sản do phạm tội mà có nhằm che đậy nguồn gốc bất hợp pháp của chúng.

Trong ấn phẩm TCPL kỳ phát hành đầu tháng 3/2017, tác giả đã có bài viết “Vì sao ít phanh phui được tội phạm rửa tiền?”. Theo đó đã chỉ rõ tội phạm rửa tiền rất khó chứng minh do quy định của Bộ luật Hình sự đòi hỏi chủ thể của tội này phải biết rõ tiền là do phạm tội mà có.

Trong khi việc chứng minh và xử lý tội phạm rửa tiền khó khăn thì các hành vi rửa tiền lại đang có “môi trường phát triển” bởi những “lỗ hổng” trong nhiều văn bản pháp luật hiện hành.

Chưa có kênh giám sát thu nhập của công dân và quản lý dòng tiền trên thị trường

Nắm bắt và kiểm soát được thu nhập, tài sản của công dân để có thể phát hiện sự tăng lên bất thường của thu nhập là một tiền đề quan trọng cho việc phát hiện ra những khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp – là “nguồn cung” của các hành vi rửa tiền. Tuy nhiên, có thể thấy hiện nay Việt Nam chưa có cơ chế này.

Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

Pháp luật nước ta chỉ yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức mới có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 (sửa đổi bổ sung 2012), Nghị định 78/2013 Về minh bạch tài sản, thu nhập. Thế nhưng tài sản tham nhũng chỉ là một trong số các “nguồn” của tội phạm rửa tiền, nói chung nguồn tiền “bẩn” của tội phạm rửa tiền còn có thể có được từ các hoạt động bất hợp pháp khác như: Buôn lậu, mua bán chất ma túy, vũ khí và các loại hàng hoá bị cấm mua bán, trao đổi; tiền của các tổ chức tội phạm có được do làm tiền giả, tổ chức đánh bạc; trốn thuế; tội phạm tài chính ngân hàng, chứng khoán…

Thực tế thì việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức của ta hiện nay vẫn phụ thuộc vào tính tự giác của người kê khai; đa số các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh việc kê khai có trung thực hay không. Công tác quản lý, theo dõi việc kê khai, xác minh về tài sản, thu nhập chưa có tính hệ thống. Nhất là chưa có cơ chế kiểm soát thu nhập ngoài lương của cán bộ, công chức... Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức là những đối tượng phải có trách nhiệm kê khai tài sản, thu nhập mà còn chưa có cơ chế kiểm tra tính trung thực của việc kê khai thì không thể hy vọng vào việc có thể kiểm soát được thu nhập, tài sản của đại bộ phận công dân làm các ngành nghề khác trong xã hội – những đối tượng không bị pháp luật quy định nghĩa vụ kê khai tài sản.

Rõ ràng, khi việc kê khai tài sản, thu nhập chưa thể áp dụng với tất cả mọi ngành nghề, vị trí trong xã hội thì việc theo dõi, kiểm soát được sự dịch chuyển của dòng tiền trên thị trường sẽ là điều rất cần thiết.

Theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 và theo Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg Quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo thì: Tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan (là tổ chức, cá nhân thực hiện một hoặc một số hoạt động: Kinh doanh trò chơi có thưởng, casino; Kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản; sàn giao dịch bất động sản; Kinh doanh kim loại quý và đá quý; Cung ứng dịch vụ công chứng, kế toán; dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư) phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi thực hiện các giao dịch có giá trị 300.000.000 (ba trăm triệu) đồng trở lên.

Thế nhưng, với mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo như trên, tội phạm rửa tiền vẫn có thể giở “chiêu trò” trong cơ cấu các giao dịch để tránh bị báo cáo, bị nghi ngờ. Liên quan đến phương thức này, tội phạm có thể chia số tiền lớn thành nhiều phần nhỏ dưới mức phải báo cáo để gửi vào các định chế tài chính hoặc mở nhiều tài khoản ở nhiều các định chế tài chính khác nhau và gửi số tiền dưới mức phải báo cáo hoặc có thể thuê những người khác gửi tiền mặt do phạm tội mà có vào tài khoản của họ sau đó chuyển khoản về tài khoản của tội phạm.

Ngoài ra, theo quy định về phòng chống rửa tiền, tại Thông tư 31/2014 của NHNN, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2013 về một số quy định về phòng, chống rửa tiền: Các tổ chức tín dụng phải báo cáo Cục Phòng chống rửa tiền từng giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước có mức giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương và giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế ra vào Việt Nam có mức giá trị từ 1.000 USD trở lên hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương. Tương tự, việc người gửi có thể chia nhỏ số tiền cần gửi và tiến hành gửi nhiều lần hoặc gửi qua các mạng lưới ngầm, không qua ngân hàng sẽ không thể được báo cáo trên bất cứ hệ thống kiểm soát thông tin phòng chống rửa tiền nào. Và để kiểm soát hoạt động “lách luật” này cũng không dễ dàng.

Đầu tư kinh doanh, thành lập doanh nghiệp không cần giải trình nguồn gốc vốn

Theo Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, tình hình tội phạm ở Việt Nam diễn biến phức tạp với chiều hướng ngày càng gia tăng về cả số lượng và quy mô hoạt động, nhất là các tội phạm về ma túy, tội phạm tham nhũng, tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, chứng khoán v.v…thì lượng tiền do phạm tội mà có sẽ càng lớn. Để che đậy nguồn thu nhập bất hợp pháp đó buộc các đối tượng phạm tội phải tạo ra những vỏ bọc hợp pháp dưới các hình thức kinh doanh, đầu tư, buôn bán bất động sản, kinh doanh vàng bạc, đá quý, lập trang trại, đầu tư vào thị trường chứng khoán…

Luật Doanh nghiệp 2014, Nghị định 78/2015 về đăng ký doanh nghiệp khi quy định về điều kiện thành lập doanh nghiệp không hề có bất kỳ quy định nào về việc người thành lập doanh nghiệp phải giải trình về nguồn gốc của vốn (việc mua cổ phần cũng tương tự). Theo đó, ngoài các điều kiện về chủ thể, về chứng chỉ hành nghề (đối với một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện)…thì chỉ cần đáp ứng mức vốn pháp định đối với một số ngành nghề kinh doanh mà pháp luật có quy định về mức vốn tối thiểu phải có khi thành lập doanh nghiệp hoặc đảm bảo vốn điều lệ của doanh nghiệp khi đăng ký thành lập đối với những ngành nghề pháp luật không có quy định về mức vốn pháp định, là bất cứ ai cũng có thể thành lập doanh nghiệp. Chính vì điều kiện thành lập doanh nghiệp quá dễ dàng như vậy, sẽ tạo cơ hội cho nhiều công ty “bình phong”, công ty “vỏ bọc” được ra đời.

 Bị cáo Giang Văn Hiển được CQTT xác định giúp con Giang Kim Đạt rửa tiền
Bị cáo Giang Văn Hiển được CQTT xác định giúp con Giang Kim Đạt rửa tiền)

Công ty “bình phong”, công ty “vỏ bọc” là những thực thể được thành lập hợp pháp, nhưng hoạt động của công ty không nhằm thực hiện các chức năng vốn có mà nhằm mục đích rửa các nguồn tiền bất chính.Tội phạm sử dụng các công ty này để trộn lẫn các nguồn tiền phi pháp với tiền hợp pháp của công ty hoặc sử dụng công ty để chuyển tiền qua lại với nhau nhằm tách số tiền có được từ hoạt động bất hợp pháp ra xa nơi chúng thực hiện hành vi phạm tội và nhằm gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật trong việc dựng lại các giao dịch tài chính hoặc thu hồi tài sản phạm tội.

Khi đi vào các hoạt động đầu tư, kinh doanh trong từng lĩnh vực cụ thể, cũng không có bất kỳ quy định pháp luật nào cho thấy người đầu tư, người kinh doanh phải giải trình được nguồn gốc hợp pháp của tiền dùng làm vốn đầu tư, kinh doanh thì mới đủ điều kiện đầu tư, kinh doanh. “Từ Luật đầu tư 2014, Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi, bổ sung 2010), Luật kinh doanh bất động sản 2014, Luật chứng khoán 2006 (sửa đổi, bổ sung 2010, Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng (quy định về các loại hình kinh doanh như quán bar, vũ trường, karaoke…) và rất nhiều các văn bản pháp luật điều chỉnh các ngành nghề khác nhau… đều “bỏ trống” vấn đề này”, LS. Bùi Đình Ứng khẳng định.

Cũng theo LS. Bùi Đình Ứng, pháp luật hình sự Việt Nam đang theo nguyên tắc trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tố tụng (CQTT). Chỉ khi nào CQTT chứng minh được tiền dùng vào việc đầu tư, kinh doanh của một người có nguồn gốc từ tội phạm thì CQTT mới có thể tịch thu và xử lý hình sự về hành vi rửa tiền và về hành vi tội phạm nguồn của tội rửa tiền. Trong khi đó, ở một số nước đã quy định hành vi “làm giàu bất chính” – thu nhập của một người tăng lên đáng kể mà không lý giải được một cách hợp lý về sự tăng lên đó thì mặc nhiên bị xác định là tài sản có nguồn gốc tội phạm. Đây là tiền đề rất thuận lợi để xử lý tội rửa tiền, theo đó tiền dùng vào đầu tư, kinh doanh mà không lý giải được nguồn gốc hợp pháp thì sẽ bị xác định là rửa tiền.

“Rõ ràng rằng, chỉ với việc thừa nhận tội “làm giàu bất chính” là sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề: có thể tịch thu tài sản có nguồn gốc không minh bạch và có thể xử lý về tội rửa tiền đối với các hành vi đầu tư, kinh doanh bằng vốn có nguồn gốc bất minh. Còn ở nước ta, hiện tại chúng ta phải chấp nhận một thực trạng: “Tôi” có tiền “tôi” có quyền đầu tư, kinh doanh vào đâu mà “tôi’ thích và cũng chẳng cần giải trình vì sao lại có số tiền đó để làm ăn trừ khi CQTT chứng minh được tiền đó có nguồn gốc tội phạm”, Ls. Bùi Đình Ứng trăn trở.

Pháp luật về ngoại hối: có thể “lách” để rửa tiền ở nước ngoài

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, PGS. TS. Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an cho biết: Theo Pháp lệnh ngoại hối 2005 (sửa đổi, bổ sung 2013), Nghị định số 70/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối, Luật Ngân hàng, Luật đầu tư, Nghị định 83/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài thì việc chuyển tiền ra nước ngoài mới chỉ yêu cầu mục đích chuyển tiền phải hợp pháp chứ chưa đòi hỏi rằng nguồn gốc tiền để chuyển ra nước ngoài phải rõ ràng, hợp pháp. (Các mục đích này quy định tại Điều 7 Nghị định số 70/2014/NĐ-CP: học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài; trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài; trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài; chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài; chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài; chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác).

Bên cạnh đó, để kiểm soát được việc chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài thì cần thiết phải kiểm soát thông qua các tài khoản ngoại tệ mở tại các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, hiện nay, các văn bản pháp luật nói trên mới chỉ quy định vấn đề này đối với hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, Pháp lệnh ngoại hối yêu cầu tổ chức kinh tế, cá nhân được phép đầu tư ra nước ngoài thì phải mở một tài khoản ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng được phép và đăng ký với NHNN Việt Nam. Việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để đầu tư phải được thực hiện thông qua tài khoản này.

Ngoài ra, việc chuyển tiền ra nước ngoài phải nằm trong số lượng giới hạn quy định. Khoản 4 Điều 19 Nghị định 83/2015/NĐ-CP quy định hạn mức chuyển ngoại tệ không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 300.000 USD, được tính vào tổng vốn đầu tư ra nước ngoài.

Có thể thấy, những yêu cầu trên chỉ là quy định cho hoạt động đầu tư (có đăng ký, được cấp phép), còn việc mua nhà ở với mục đích cá nhân thì chưa có quy định chặt chẽ như vậy mà về cơ bản sẽ tuân thủ các quy định về chuyển tiền một chiều phục vụ cho các mục đích cá nhân quy định tại Điều 7 Nghị định 70/2017/NĐ-CP. Đây là kẽ hở có thể tạo ra những hoạt động chuyển tiền không minh bạch được thực hiện núp dưới giao dịch mua nhà nhưng thực chất lại là để đầu tư bất động sản.

Một kẽ hở khác của pháp luật về ngoại hối, đó là chưa có quy định điều chỉnh việc thực hiện chuyển tiền qua nước ngoài bằng tài khoản ngoại tệ được lập ở nước khác (ngoài Việt Nam), hoặc qua bên thứ ba.

Từ những phân tích trên, hoàn toàn có thể nghi ngại rằng, “lỗ hổng” trong pháp luật về ngoại hối là một trong những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động rửa tiền ra nước ngoài.

Còn nhớ trong vụ án Giang Kim Đạt tham ô tài sản, Giang Văn Hiển rửa tiền, Cơ quan tố tụng đã xác định Giang Kim Đạt có nhiều bất động sản có giá trị ở nước ngoài trong đó có một căn hộ cao cấp đặt mua ở Singapore trị giá nhiều triệu USD. Cũng trong thời gian lẩn trốn tại Singapore, Giang Kim Đạt còn tham gia chứng khoán thu lời cả triệu USD. Ngoài ra, Đạt còn mua đi bán lại 4 buồng ngủ khá sang trọng ở Anh (mỗi buồng ngủ này trị giá khoảng 1 triệu bảng Anh)…Có lẽ chính những “kẽ hở” nói trên trong pháp luật về ngoại hối và chuyển tiền ra nước ngoài đã tạo cơ hội cho Giang Kim Đạt cùng cha đẻ “rửa tiền” cả ở nước ngoài.

“Ngoài ra, sự táo tợn của các đường dây vận chuyển tiền mặt qua biên giới, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các hệ thống chuyển tiền thay thế (hệ thống ngân hàng “ngầm”) cũng là những “kênh hỗ trợ” đắc lực cho hoạt động rửa tiền của tội phạm trong nước”, PGS.TS. Hoàng Mạnh Hùng cho biết.

Casino được hợp pháp hóa: mảnh đất màu mỡ cho “rửa tiền”?

Sau một thời gian dài cân nhắc, Nhà nước đã cho phép hợp pháp hóa loại hình kinh doanh casino tại Việt Nam. Theo đó, ngày 16/01/2017, Chính phủ đã ban hành nghị định số 03/2017/NĐ-CP Về kinh doanh casino và Nghị định này chính thức có hiệu lực từ 15/3/2017.

Trước sự kiện này, không ít người bày tỏ lo ngại rằng, casino được hợp pháp hóa sẽ phần nào “tạo cơ hội” cho tội phạm thực hiện hành vi rửa tiền một cách dễ dàng hơn rất nhiều so với các phương thức khác.

 PGS. TS. Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an trao đổi với Phóng viên Pháp lý
PGS. TS. Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự,
Bộ Công an trao đổi với Phóng viên Pháp lý)

PGS. TS. Hoàng Mạnh Hùng nhận định: Theo nhiều nghiên cứu quốc tế, hàng năm lượng “tiền bẩn” chảy qua các tụ điểm kinh doanh casino tại Macao (Trung Quốc) lên tới 202 tỷ đô la Mỹ. Cách rửa tiền phổ biến của giới nhà giàu tại đây chủ yếu qua phương thức ký quỹ với các đại lý tại Trung Quốc và sử dụng tiền đó ở Macao, hoặc họ có thể mượn tiền từ các đại lý này. Nếu họ ký quỹ, các đại lý sẽ chuyển tiền qua biên giới và người chơi sẽ dùng tiền này ở Macao…. Theo một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 3/2017, hoạt động của các sòng bạc đang làm gia tăng nguy cơ rửa tiền. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ rõ, các tổ chức tội phạm đã lợi dụng hoạt động của những sòng bạc tại những nước buông lỏng quản lý loại hình này (như Philippin) để chuyển số tiền bất hợp pháp từ các sòng bạc tới các tài khoản tại nước ngoài. Hoạt động của casino đã gây nên rủi ro lớn đối với việc kiểm soát rửa tiền.

Casino là một trong những lĩnh vực kinh doanh có tỉ lệ thanh toán tiền mặt cao. Bọn tội phạm đã lợi dụng các casino, sòng bạc để tổ chức đánh bạc, song tội phạm rửa tiền thường không coi trọng việc thắng thua bởi mục đích của chúng là sau khi ra khỏi casino, chúng sẽ có giấy chứng nhận đã thắng với một khoản tiền lớn hợp pháp chứng minh cho nguồn thu nhập của mình là những đồng “tiền sạch”.

Thông thường, tội phạm rửa tiền lợi dụng cơ chế của tổ chức casino để rửa tiền. Người chơi tại tổ chức casino không dùng tiền thật để chơi mà dùng thẻ đánh bạc ghi dấu hiệu giá trị để chơi. Theo đó, người chơi sẽ đổi tiền thật lấy thẻ đánh bạc để chơi, khi kết thúc họ có thể đổi thẻ đánh bạc lấy tiền mặt hoặc séc. Lợi dụng cơ chế này, tội phạm rửa tiền dùng tiền mặt có được từ hoạt động bất hợp pháp để mua một số lượng lớn thẻ đánh bạc, nhưng chỉ đánh bạc hoặc đặt cược một số tiền không đáng kể. Sau đó hắn trả lại thẻ và đề nghị được nhận lại tiền dưới dạng séc và tuyên bố đó là tiền được bạc.

Trong chiến lược phát triển kinh tế từ nay tới năm 2020, Việt Nam sẽ có một số đặc khu kinh tế, ở đó sẽ cho phép kinh doanh casino nên số lượng casino sẽ tăng lên và là một thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý.

Theo quy định của Luật phòng, chống rửa tiền, các tổ chức có hoạt động casino phải thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền và phải báo cáo đối với những trường hợp người chơi có dấu hiệu đáng ngờ của hành vi rửa tiền. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Mạnh Hùng, khó có thể đảm bảo rằng các cơ sở kinh doanh casino sẽ thực hiện đúng nghĩa vụ và trách nhiệm báo cáo này của mình, khi mà casino vốn dĩ là một loại hình nhạy cảm, ẩn chứa nhiều “lợi ích nhóm” và “vùng tối” khó kiểm soát.

Lan Hương

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-lo-hong-phap-luat-tao-moi-truong-cho-toi-pham-rua-tien-a181822.html