Để nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao trong bối cảnh toàn cầu hóa, từ đầu tháng 8-2017, Bộ Thông tin và truyền thông đã phê duyệt Đề án “Tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng internet”, mục tiêu của Đề án là nhằm triển khai hệ thống cảnh báo, cổng kiểm soát chặn lọc thông tin, bảo vệ người sử dụng mạng internet.
Có thể thấy rằng, thời gian vừa qua, cơ quan chức năng đã tăng cường xử lý rất nhiều chủ tài khoản, cá nhân vi phạm pháp luật khi “tung” những thông tin thất thiệt, sai sự thật làm ảnh hưởng, thiệt hại đến tổ chức, cá nhân.
Điển hình là hiện tượng trên địa bàn nhiều tỉnh thời gian qua rộ lên tin đồn không có kiểm chứng về tình trạng trẻ em bị bắt cóc, trộm nội tạng. Những thông tin đó thường xuất phát từ các trang facebook cá nhân và dù không đúng sự thật, nhưng đã tạo hiệu ứng xã hội rất lớn, gây hoang mang cho nhiều người, thậm chí dẫn đến những hành vi kích động, tiêu cực.
Cũng có rất nhiều vi phạm đưa thông tin, clip lên mạng có nội dung sai sự thật, bịa đặt nhằm bôi nhọ cá nhân, tổ chức. Sau khi xác minh, cơ quan chức năng đã yêu cầu các đơn vị quản lý mạng xã hội như Google (Youtube), Facebook tăng cường quản lý và gỡ bỏ hàng nghìn clip có nội dung xấu, độc.
Ngoài ra, còn xảy ra hiện tượng lợi dụng kẽ hở từ môi trường mạng, các đối tượng tội phạm đã gia tăng hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản, tống tiền. Gần đây nhất, các đối tượng xấu ở nước ngoài dùng tài khoản facebook làm quen, kết bạn, dụ dỗ mượn tài khoản, chuyển tiền và chiếm đoạt tiền của nạn nhân lên tới hàng trăm triệu đồng.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, theo đại diện Thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông cho biết, một trong những mục tiêu cụ thể của Đề án “Tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng internet” là nhằm phát hiện các hành vi vi phạm, tổ chức thanh tra, xử lý 100% số vụ vi phạm về thông tin và truyền thông.
Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng hệ thống kiểm duyệt và triển khai phần mềm chặn lọc, phát hiện, thu thập, xử lý thông tin sai phạm trên môi trường mạng.
Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ sử dụng công cụ để phát hiện kịp thời và có giải pháp xử lý với những thông tin sai sự thật, thông tin độc hại, phản động trên mạng ngay lập tức, từ đó có thể kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả.
Việc xây dựng chính sách quản lý thông tin trên mạng theo sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là mạng viễn thông di động khi số lượng người sử dụng ngày càng tăng; hình thành bộ máy tiếp nhận, xử lý các phản ánh về thông tin sai phạm trên mạng từ cộng đồng. Nghiên cứu hình thành đội ngũ tuần hành, giám sát mạng hoạt động theo cơ chế, quy chế riêng. Đầu tư, xây dựng hệ thống thiết bị có khả năng phân tích hành vi, phương thức, thủ đoạn mà tội phạm mạng sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm.
Cùng với đó, Bộ TT-TT triển khai hệ thống cảnh báo, cổng kiểm soát quốc gia chặn lọc các truy cập thông tin sai phạm từ người dùng. Đặc biệt, thực hiện xây dựng phần mềm bảo vệ an ninh máy tính cá nhân khi truy cập internet, cho phép bảo vệ người sử dụng mạng internet tránh được sự cố mất an toàn khi truy cập nhầm vào các trang thông tin có nội dung độc hại.
Cùng với đó còn có các hoạt động: Hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng internet; tăng cường các chế tài xử lý sai phạm nghiêm khắc hơn; xây dựng chính sách quản lý thông tin trên mạng; tạo cơ chế ưu đãi đặc thù và chính sách phù hợp khuyến khích, thúc đẩy phát triển các dịch vụ Internet hấp dẫn của các DN Việt Nam; hỗ trợ phát triển mạng xã hội và công cụ tìm kiếm của Việt Nam...
Bên cạnh các biện pháp hành chính, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức người dân về phòng chống, vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng cũng cần được chú ý tăng cường, bởi khi người dân nâng cao nhận thức, thì việc ngăn chặn, xử lý thông tin sai phạm, độc hại sẽ đạt được hiệu quả cao hơn rất nhiều.
Đề án “Tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng internet” nằm trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet, góp phần kéo giảm tội phạm, vi phạm pháp luật trên mạng internet.
Bên cạnh đó, đề án cũng nâng cao năng lực công tác thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng internet tại Việt Nam trong giai đoạn mới; nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên internet và toàn xã hội về vấn đề này.
Theo PL&XH
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tang-cuong-chan-loc-xu-ly-thong-tin-sai-pham-tren-mang-a181796.html