Tổ soạn thảo Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật (THPL) vừa có cuộc họp lần thứ hai tại trụ sở Bộ Tư pháp dưới sự chủ trì của Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL Đặng Thanh Sơn. Đây là Đề án được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong tổ chức THPL để hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ trong giai đoạn trung hạn và lâu dài.
Đánh giá hiệu quả THPL dựa trên kết quả
Trình bày Dự thảo Đề án, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL Hồ Quang Huy đã chia sẻ sự cần thiết xây dựng Đề án này nhằm cụ thể hóa một bước quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… và các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) khác có liên quan về tổ chức THPL.
Trên cơ sở đó, Đề án chú trọng tới nội dung “thực hiện bước chuyển hướng chỉ đạo chiến lược từ việc đặt trọng tâm vào việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật sang hoàn thiện và tổ chức thực thi pháp luật, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tính liên thông, gắn kết mật thiết giữa công tác xây dựng và tổ chức THPL”.
Với quan điểm phải tạo sự chuyển biến thật sự mạnh mẽ, đột phá trong hoạt động tổ chức THPL, Dự thảo Đề án đặt ra mục tiêu có được sự nhìn nhận, đánh giá tổng quan về công tác tổ chức THPL trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước; đưa ra giải pháp bảo đảm pháp luật được thi hành đầy đủ, chính xác, nghiêm minh, góp phần khắc phục tình trạng nhờn luật đang diễn ra trong giai đoạn ngắn hạn; có được những thay đổi mạnh mẽ trong tổ chức THPL hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ trong giai đoạn trung hạn và lâu dài.
Cùng với đó là những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn 2018 – 2021 và 2021 – 2023 như rà soát, đánh giá, tổng hợp các quy định hiện hành về tổ chức, bộ máy liên quan đến hoạt động tổ chức THPL; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nghiên cứu xây dựng Luật về tổ chức THPL khi được Chính phủ cho phép thực hiện…
Ông Huy cũng nêu nhiều vấn đề cần xin ý kiến các thành viên tổ soạn thảo như xác định phạm vi đối tượng của Đề án, xác định phạm vi thời gian, trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong tổ chức THPL... và đặc biệt dự kiến sẽ thay đổi phương pháp đánh giá hiệu quả THPL từ tiếp cận theo cách quản lý công việc sang tiếp cận dựa trên kết quả. Riêng vấn đề xác định các hoạt động về tổ chức THPL, hiện có một số ý kiến khác nhau.
Ý kiến thứ nhất cho rằng nội hàm tổ chức THPL tại Đề án cần bao gồm tất cả các hoạt động THPL của hệ thống hành pháp. Ý kiến thứ hai cho rằng, THPL gồm có 6 hoạt động cơ bản. Ý kiến thứ ba cho rằng có thể quy định theo Điều 183 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Ban hành VBQPPL.
Tạo đột phá trong công tác tổ chức THPL
Góp ý vào Dự thảo Đề án về phạm vi nội dung, nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho rằng nên bám sát quy định tại Điều 183 Nghị định 34 hướng dẫn Luật Ban hành VBQPPL. Theo đó, sẽ bao gồm 10 hoạt động như xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành VBQPPL; tổ chức thực hiện chính sách, biện pháp trong VBQPPL; phổ biến VBQPPL; sơ kết, tổng kết việc thi hành VBQPPL...
Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung thêm hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đối với hoạt động tổ chức thực hiện các chính sách, biện pháp trong VBQPPL, theo ông Tụng đây là biện pháp thi hành nên cần làm rõ thêm hoặc lồng ghép vào văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Đối với trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, ông Tụng nhấn mạnh, có thể xác định rõ cơ quan giúp Chính phủ quản lý thống nhất công tác theo dõi THPL là Bộ Tư pháp, còn với các bộ, ngành, địa phương thì nên tận dụng các thiết chế hiện nay, giao thêm nhiệm vụ song song với tăng thêm nguồn lực, nhân lực.
Quan niệm hiệu quả trong công tác tổ chức THPL là tiết kiệm được nguồn lực, chuyên gia Dương Thị Thanh Mai cũng cho rằng, trong công tác này Bộ Tư pháp không làm thay các bộ, ngành mà xây dựng tiêu chuẩn, phương pháp để giúp các bộ, ngành sử dụng công cụ thực hiện nhiệm vụ của mình. Kỳ vọng Đề án sẽ tạo đột phá trong công tác tổ chức THPL, bà Mai chỉ ra đó là khắc phục tình trạng “cắt rời” giữa xây dựng và THPL, làm sao để mục tiêu chính sách trong VBQPPL trở thành kết quả, tác động đến phát triển trong lĩnh vực mà văn bản điều chỉnh.
Một đột phá khác của Đề án là sự tham gia của cá nhân, tổ chức trong THPL mà trách nhiệm của Nhà nước là tạo điều kiện cho họ tham gia. Việc “nhờn luật” cũng xuất phát từ khâu không nghiêm chỉnh của các cơ quan nhà nước, muốn khắc phục thì phải đề cao trách nhiệm giải trình, tính kỷ luật hành chính.
Đề xuất về phạm vi đối tượng của Đề án, đa số ý kiến nhất trí nên giới hạn đối với các cơ quan hành chính nhà nước, song một số ý kiến vẫn đề nghị cân nhắc đến thiết chế khác như lập pháp, tư pháp, sự tham gia của người dân. Trước băn khoăn liệu có phải Dự thảo Đề án giao nhiệm vụ tổ chức THPL cho Quốc hội, cơ quan Tòa án, ông Phùng Văn Việt (TANDTC) lại cho rằng, nếu Đề án quy định được cơ chế phối hợp giữa hệ thống cơ quan hành chính với các cơ quan Quốc hội, TAND thì rất hay và cần thiết, bởi việc công bố án lệ hiện nay liên quan đến khá mật thiết đến các hoạt động tổ chức THPL.
Theo Bao Phapluat
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tao-dot-pha-trong-cong-tac-to-chuc-thi-hanh-phap-luat-a181685.html