Nghị quyết 42 có hiệu lực: Ai sẽ là chủ nhân của 230.000 tỷ đồng nợ xấu?

Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/8/2017, thực thi tới năm 2022, được dự đoán sẽ làm “tan cục máu đông” và nợ xấu sẽ là nguồn hàng dồi dào cho M&A.

7
Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Tài chính – Ngân sách của Quốc Hội, cho biết tại Diễn đàn Mua bán – Sáp nhập (M&A) 2017, sau hơn 3,5 năm thực hiện xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) thông qua Công ty Quản lý Tài sản quốc gia (VAMC) đã mua được hơn 280.000 tỷ đồng nợ xấu, với hơn 42.000 món nợ của gần 50 TCTD.

Thực tế, kết quả xử lý nợ xấu đến nay được 50.000 tỷ đồng, chiếm 15% nợ xấu đã mua vì có quá nhiều rào cản về xử lý tài sản đảm bảo. Thực chất nợ xấu vẫn nằm ở ngân hàng.

Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu (Nghị quyết 42) vừa được Quốc Hội thông qua, bắt đầu thực thi từ ngày 15/8/2017 (hiệu lực trong 5 năm), có nội dung cơ bản là xử lý tài sản đảm bảo giữa người vay và người cho vay, trong đó người cho vay có quyền xử lý tài sản đảm bảo nếu bên vay không hợp tác xử lý nợ xấu...

Ngoài ra, Nghị quyết 42 cho phép các tổ chức có khả năng về mua bán nợ xấu có thể tham gia (trước kia chỉ cho phép những cơ quan có chức năng mua bán nợ xấu mới được mua bán nợ xấu), hoặc cho bán nợ xấu dưới giá sổ sách... Điều này dẫn giải nội dung quan trọng là tài sản đảm bảo cho nợ xấu của các ngân hàng không phải là tài sản xấu, đây là cơ hội cho thị trường M&A cực kỳ sôi động trong thời gian ít nhất 5 năm tới.

Đồng ý với quan điểm này, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết xử lý nợ xấu là cấu phần quan trọng trong tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Nghị quyết 42 của Chính phủ về xử lý nợ xấu được xem là giải quyết những “ách tắc” trong xử lý nợ xấu thời gian qua, đó là nhiều khi con nợ có quyền hơn chủ nợ. Cho phép bán nợ xấu dưới giá sổ sách sẽ giúp việc xử lý tốt hơn, tạo nguồn hàng dồi dào cho thị trường M&A.

Ngoài ra, vị này cũng cho rằng ngân hàng đang bị vướng trong việc phát hành thêm cổ phần cho cổ đông khi chưa được quy định rõ ràng. Chẳng hạn, thị giá của một cổ phiếu ngân hàng rất cao, nhưng trong khi đó tất cả các công ty định giá lại xác định giá của cổ phiếu ngân hàng này dưới giá thị trường. Nếu ngân hàng thực hiện bán cổ phần cho nhà đàu tư nước ngoài sẽ tiềm ẩn rủi ro làm thất thoát vốn của Nhà nước, vì bán dưới giá thị trường. Điều 125, Luật Doanh nghiệp quy định: “Giá thị trường là giá theo thị trường, giá theo thỏa thuận, giá giao dịch trên thị trường” nên rất khó khăn xác định giá thị trường cho cổ phiếu của ngân hàng.

Gần đây Chính phủ đang khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng thương mại yếu kém. Do đó, Chính phủ đang xem xét nới room.

Hiện theo quy định tổng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ) tại một ngân hàng thương mại Việt Nam là 30%, trong đó một nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 20% vốn của ngân hàng đó.

Ông Nguyễn Hữu Quang cũng cho biết thêm khởi thủy của việc tái cấu trúc các ngân hàng không có ý định ra đời riêng một Nghị quyết về xử lý nợ xấu như Nghị quyết 42, mà Chính phủ muốn sửa đổi Luật Các Tổ chức tín dụng. Thời gian tới, sẽ có dự án sửa đổi Luật Các Tổ chức tín dụng và các nội dung trong Nghị quyết 42 sẽ được chuyển tải trong Luật này nếu có hiệu quả trong thực tế.

Theo Bizlive

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nghi-quyet-42-co-hieu-luc-ai-se-la-chu-nhan-cua-230-000-ty-dong-no-xau-a181618.html