Tổng thống Donald Trump sẽ phải đối mặt với những vấn đề vầ luật pháp trong nước khi muốn tuyên chiến và tấn công Triều Tiên.
Vào ngày 8/8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra lời đe dọa rằng Triều Tiên sẽ phải chịu một cuộc tấn công với đầy "hỏa lực và sự thịnh nộ" nếu Bình Nhưỡng không ngừng các hành động đe dọa Mỹ. Tuy nhiên, một Tổng thống Mỹ có thể tự ý phát động một cuộc tấn công quân sự?
Theo Hiến pháp Mỹ, Quốc hội được trao quyền tuyên chiến, nhưng trong thực tế Quốc hội Mỹ lại có rất ít thẩm quyền để ngăn cản Tổng thống Trump nếu ông quyết tâm tấn công Triều Tiên.
Đó là vì bản thân Tổng thống lại có thẩm quyền của một tổng tư lệnh quân đội để bảo vệ đất nước khỏi các mối đe dọa. Thực tế cho thấy, nhánh hành pháp đã sử dụng quyền này trong nhiều lần hành động quân sự trước đây.
Các nhà phân tích an ninh quốc gia và luật pháp cho biết, Nhánh lập pháp (Quốc hội) có thể ngăn cản Tổng thống Trump bằng cách thông qua một đạo luật cấm sử dụng vũ lực, hoặc ngăn cản việc cấp ngân sách cho hành động quân sự tại Triều Tiên.
Nhưng trước khi bị cấm hoàn toàn, chính quyền ông Trump vẫn có thẩm quyền hành động quân sự theo ý mình trong ít nhất 60 ngày theo ý mình nếu họ cho rằng nước Mỹ đang bị đe dọa.
"Hiến pháp Mỹ trao quyền rất lớn cho Tổng thống tự do hành động", cựu trợ lý Roger Zakheim tại Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Mỹ cho biết, "Theo cả Hiến pháp và trong thực tế, đã có rất nhiều Tổng thống tiền nhiệm quyết định hành động quân sự khi họ xác an ninh quốc gia Mỹ bị đe dọa.
Hiến pháp trao quyền tuyên chiến cho Quốc hội
Ngay sau khi Tổng thống Trump đe dọa Triều Tiên sẽ phải hứng chịu sự "thịnh nộ", các nghị sỹ Mỹ đã bắt đầu kêu gọi rằng Quốc hội sẽ cần phải thông qua bất cứ hành động quân sự nào chống lại Bình Nhưỡng.
Trả lời CNN, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Dan Sullivan của bang Alaska nhấn mạnh rằng một cuộc tấn công phủ đầu Triều Tiên sẽ cần được Quốc hội chấp thuận.
"Cho tới nay chính quyền Mỹ đã làm tốt nhiệm vụ của mình trong việc phối hợp với Quốc hội trong chiến lược lớn [về Triều Tiên]. Nhưng Quốc hội sẽ phải đóng một vai trò quan trọng trong việc này", Sullivan nói.
Nghị sĩ Dân chủ Dan Kildee bang Michigan cũng cho rằng Quốc hội nên được hỏi ý kiến trước, đặc biệt khi người chủ Phòng Bầu dục lại là ông Trump. Theo Kildee, thẩm quyền của Quốc hội cần được khẳng định, vì Tổng thống Trump là người khó đoán trong vấn đề đối ngoại của Mỹ.
Tuy nhiên, dường như Nhà Trắng hiện tại lại có quan điểm khác về vai trò của Quốc hội và chính quyền Trump cũng đã không hỏi ý kiến Quốc hội khi họ quyết định và thực hiện tấn công quân sự ở Syria.
Những lỗ hổng trong Hiến pháp
Tháng 4 vừa qua, sau sự kiện Mỹ bắn tên lửa vào Syria mà Quốc hội Mỹ không được thông báo trước, ông Sean Spicer – lúc đó còn đương chức Thư ký báo chí của Nhà Trắng, đã nhận được câu hỏi rằng liệu ông Trump có sẵn sàng hành động một mình như vậy đối với Triều Tiên hay không?
Ông Sean Spicer đã trả lời rằng Quốc hội sẽ được thông báo về các cuộc tấn công, nhưng Tổng thống sẽ "sử dụng các thẩm quyền được quy định tại Điều II của Hiến pháp". Điều II của Hiến pháp Mỹ là các quy định về Nhánh Hành pháp.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn Quốc hội về các vấn đề chính sách nói chung và đảm bảo rằng Quộc hội luôn nhận được thông báo", Spicer nói.
Sự thiếu kết nối giữa Quốc hội và Nhà Trắng nằm ở việc bất đồng trong xác định thế nào là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia Mỹ. Đây là một câu hỏi có đi kèm theo rất nhiều điều chưa rõ ràng về mặt pháp lý, mà nhờ đó cơ quan hành pháp lại có phạm vi hành động lớn.
Chuyên gia luật của CNN, giáo sư trường Luật của ĐH Texas, ông Steve Vladeck, phân tích rằng Hiến pháp Mỹ có phân biệt rõ các hành động chủ động tấn công quân sự (cần sự thông qua của Quốc hội) và hành động phòng vệ quân sự (không cần Quốc hộc thông qua). Tuy nhiên, câu hỏi về hành động quân sự thực ra lại là về vấn đề chính trị hơn là luật pháp, vì theo Vladeck, ranh giới phân biệt tấn công và phòng vệ rất mong manh.
Mỗi thời, các chính quyền khác nhau ở Mỹ lại có quan điểm khác nhau.
Thời ông Barack Obama, ông cũng đã thực hiện tấn công quân sự tại Libya mà không hỏi ý kiến Quốc hội trước. Nhưng vẫn chính ông Obama lại đã chờ sự phê chuẩn của cơ quan lập pháp khi có ý định sử dụng vũ lực đối với Syria năm 2013. Việc chờ đợi này đã khiến chính quyền Obama rốt cuộc không tiến hành hành động quân sự ở Syria.
"Trong thực tế, thẩm quyền có hiệu quả nhất của Quốc hội chính là vai trò công khai của nó. Chính vai trò này đã là lý do chính cho việc dập tắt các tham vọng của ông Obama trong việc nhận được câu trả lời đồng ý của Quốc hội để tấn công Syria", nhà phân tích quân sự Katherine Blakeley từ Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Ngân sách (Center for Strategic and Budgetary Assessments) cho biết.
Đạo luật từ năm 1973 có thể hạn chế Tổng thống phát động chiến tranh?
Quốc hội Mỹ thực tế đã thông qua một số ràng buộc đối với quyền lực của Tổng thống đối với quân đội.
Năm 1973, Luật về Quyền hạn chiến tranh (War Powers Act) đã được Quốc hội Mỹ thông qua bất chấp sự phủ quyết của Tổng thống Richard Nixon. Luật này có yêu cầu rằng Tổng thống phải nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội đối với bất cứ hành động thù địch nào kéo dài hơn 60 ngày.
Tất cả các chính quyền của Mỹ từ thời điểm sau 1973 đều cho rằng rất nhiều quy định của Luật về Quyền hạn Chiến tranh là vi hiến. Dù thế nào, đối với Mỹ thì hiện tại, 60 ngày có lẽ là quá dài cho một cuộc xung đột với Triều Tiên.
"Với tình hình hiện tại, quyền lực của Tổng thống đang ở mức cao nhất. Mặc dù Hiến pháp nói rằng trách nhiệm tuyên bố chiến tranh là của Quốc hội, nhưng một Tổng – trong diễn biến rất nhanh của các xung đột – có thể thay đổi mọi thứ thậm chí trước khi Quốc hội có thời gian mà kêu gọi bỏ phiếu", Mieke – một nhà phân tích an ninh quốc gia đồng thời là cựu trợ lý tại Quốc hội Mỹ cho biết.
Cựu quan chức Đoàn luật sư của Văn phòng Bộ Tư pháp Mỹ Giáo sư Marty Lederman, trường Đại học Luật Georgetown, thì cho rằng Tổng thống thực sự cần hỏi ý kiến Quốc hội trước khi tấn công Triều Tiên – trừ trường hợp có một mối đe dọa trực tiếp thực sự – vì hành động quân sự của Mỹ có thể châm ngòi một cuộc xung đột lớn.
"Hành động quân sự với Triều Tiên sẽ là một hành động gây hậu quả lớn và mạo hiểm lớn chưa từng thấy trong nửa thế kỷ qua"" giáo Sư Lederman nói.
Có một số việc mà Quốc hội có thể làm trước khi một hành động quân sự với Triều Tiên xảy ra. Đó là ngăn cản việc cấp ngân sách cho các cuộc tấn công chống Bình Nhưỡng. Ý tưởng cắt ngân sách từng được thảo luận trong cuộc chiến tranh Iraq, khi Đảng Dân chủ lên nắm quyền kiểm soát Quốc hội năm 2007.
Một số nghị sỹ Mỹ, cả từ phía Dân chủ và Cộng hòa, cùng muốn giảm bớt quyền hạn sử dụng vũ khí hạt nhân của ông Trump và họ đã đưa ra miith dự luật hồi tháng 1.2017 về việc cấm Tổng thống phát động chiến tranh hạt nhân khi Quốc hội chưa tuyên chiến.
Quốc hội Mỹ cũng có thể thông qua một lệnh cấm hoàn toàn sự khai mào chiến tranh của Tổng thống, tuy nhiên chắc chắn là sẽ vấp phải lá phiếu phủ quyết của chính Tổng thống đối với lệnh cấm đó. Thực tế thì Quốc hội Mỹ chưa từng có hành động như vậy trước việc một Tổng thống ra quyết định tấn công quân sự.
Giới học giả Mỹ cho rằng nếu việc đó [Quốc hội cấm hoàn toàn một quyết định tấn công quân sự của Tổng thống] xảy ra, đó sẽ là một việc chưa từng có tiền lệ!
Theo Soha
Link nội dung: https://phaply.net.vn/vuong-dao-luat-tu-1973-nen-ong-trump-khong-de-tan-cong-trieu-tien-a179065.html