Đầu tư theo hình thức đối tác công tư: Để BT không còn là “mảnh đất màu mỡ” cho tiêu cực...

(Pháp lý) - Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) bao gồm nhiều loại như BOT, BTO, BT, BOO, BTL…trong đó BT là hình thức xây dựng – chuyển giao được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện dự án khác.

Dự án nhà máy nước Yên Sở đội vốn lên hàng chục triệu USD nhưng không xử lý nước thải đúng yêu cầu
Dự án nhà máy nước Yên Sở đội vốn lên hàng chục triệu USD nhưng không xử lý nước thải đúng yêu cầu)

BT thật sự cần thiết khi ngân sách Nhà nước khó khăn, Nhà nước cần Doanh nghiệp (DN) “tạm ứng vốn” để phát triển hạ tầng đất nước nhưng nó phải đi kèm với sự kín kẽ và hợp lý của các quy định pháp luật, để hình thức “đổi đất lấy hạ tầng” này không bị lợi dụng.

Chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật kỳ này, Pháp lý sẽ cùng các chuyên gia đi sâu phân tích chỉ rõ những “góc khuất” khi thực thi các quy định pháp luật về BT. Đồng thời kiến nghị bít những lỗ hổng pháp luật.

Bài 1. Những dự án BT bị “phanh phui” sai phạm…

Tháng 7/2017, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố Kết luận thanh tra tại 7 dự án BT (xây dựng – chuyển giao) về giao thông, môi trường của Hà Nội giai đoạn 2008 – 2012, bao gồm: Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; Dự án Đầu tư xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài; Dự án Đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương; Dự án nút giao thông Long Biên; Dự án Đầu tư xây dựng đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An; Dự án Đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên đoạn qua địa phận Hà Nội.

Theo đó, hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của các dự án BT nói trên đã bị “phanh phui”…

Đấu thầu công khai: chỉ 1/15 dự án

Theo kết luận TTCP, trong giai đoạn 2008 – 2012, UBND TP. Hà Nội chưa thực hiện đúng việc lập, phê duyệt, công bố danh mục các dự án theo quy định gây ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà đầu tư. Việc không tuân thủ quy định dẫn đến các thông tin cần thiết về chủ trương đầu tư, các lĩnh vực, dự án kêu gọi đầu tư không được công bố rộng rãi, dẫn đến hạn chế số lượng nhà đầu tư, giảm tính minh bạch và cạnh tranh công bằng.

Đến thời điểm thanh tra, trong số 15 dự án BT về giao thông, môi trường của Hà Nội chỉ có 1 dự án được lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu, còn 14 dự án được UBND TP. Hà Nội chỉ định nhà thầu vì lý do dự án “cấp bách”, “cấp thiết” song không thực hiện đúng quy trình quy định và không có hồ sơ tài liệu chứng minh mức độ cấp bách, cấp thiết này.

UBND TP. Hà Nội không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định đánh giá năng lực đối với một số nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ, lựa chọn ký hợp đồng để thực hiện dự án đối với một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực theo quy định.

Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ sau 10 năm “ì ạch” triển khai vẫn chưa hoàn thiện. Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP. Hà Nội yêu cầu Cienco 5 nộp ngay vào NSNN 1.428 tỷ đồng.
Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ sau 10 năm “ì ạch” triển khai vẫn chưa hoàn thiện. Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP. Hà Nội yêu cầu Cienco 5 nộp ngay vào NSNN 1.428 tỷ đồng.)

Kết luận thanh tra nêu nhiều nhà đầu tư được lựa chọn “có năng lực tài chính hạn chế, không đảm bảo như Công ty CP Tasco đối với dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương; Công ty Bitexco với dự án đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An”.

Hầu hết dự án bị chậm tiến độ và nguyên nhân được xác định do chủ đầu tư không đủ năng lực huy động vốn, vốn chủ sở hữu không đảm bảo giải ngân theo tiến độ cam kết như Dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ…

Kết luận cũng nêu, “một số nội dung đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán của một số dự án BT đã được UBND TP Hà Nội và các cơ quan trực thuộc thẩm định, phê duyệt, chưa chính xác, chưa đúng chế độ quy định làm sai tăng tổng vốn đầu tư dự án, ảnh hưởng đến việc tính toán, sắp xếp phương án giao đất đối ứng để xác định tiền sử dụng đất”.

Việc nhà thầu không đủ năng lực chuyên môn, tài chính chính là hậu quả tất yếu của cơ chế chỉ định thầu, không đấu thầu công khai, rộng rãi.

Đội vốn hàng chục triệu USD: hệ quả của hàng loạt sai phạm

Theo TTCP, việc giám sát thực hiện hợp đồng của UBND TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ. Hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện phải gia hạn hợp đồng làm phát sinh tăng chi phí đầu tư và không hoàn thành đúng tiến độ để đảm bảo phục vụ các mục tiêu cấp bách kịp thời như mục tiêu đề ra.

Dự án Nhà máy nước Yên Sở được khởi công xây dựng khi chưa có kết quả thẩm tra thiết kế cơ sở của Bộ Xây dựng cũng như thẩm tra phê duyệt công nghệ của Sở Công nghệ Khoa học Hà Nội, chưa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư. Việc lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán theo quy định của Nhà nước còn hạn chế và được thực hiện trong quá trình thi công nhà máy.

Việc nhà đầu tư ký hợp đồng EPC và tổng thầu EPC đã thực hiện thi công xây dựng từ đầu tháng 1/2009 theo hồ sơ thiết kế chưa được các cơ quan chức năng thẩm định, thẩm tra thể hiện việc thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan khác có liên quan thuộc UBND TP Hà Nội. Dự án Nhà máy nước Yên Sở kéo dài thêm 18 tháng, chi phí phát sinh thêm 11,5 triệu USD. Điều đáng nói hơn nữa là chất lượng nước thải sau xử lý không đảm bảo yêu cầu của hợp đồng BT, cho dù là trong điều kiện bình thường hay có bổ sung định lượng carbon…

Tại Dự án đường Lê Văn Lương kéo dài, TTCP chỉ ra những sai phạm như: Thi công cọc và sàn giảm tải, tường chắn mố cầu vượt Sông Nhuệ, phát sinh do tăng mật độ cọc là gần 8 tỷ đồng, khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận về kỹ thuật, không đúng với quy định về quản lý dự án đầu tư. Chi phí giải phóng mặt bằng liên quan đến việc di chuyển đường điện 0,4kv, điện nước phục vụ các hộ dân tái định cư, chi phí đo đạc khảo sát... phát sinh với giá trị hơn 7,7 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khối lượng thực hiện trên địa bàn quận Nam Từ Liêm chưa được xác nhận theo quy định, do vậy, chưa đủ điều kiện để quyết toán đối với khối lượng này.

Hà Nội có cần xem lại dự định đổi 6000ha đất lấy 10 dự án đường sắt đô thị?
Hà Nội có cần xem lại dự định đổi 6000ha đất lấy 10 dự án đường sắt đô thị?)

Tại Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ, TTCP chỉ ra sai phạm tại dự án này như sau: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tính chi phí lãi vay 920 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư dự án BT là không có cơ sở dẫn đến xác định giá trị tổng vốn đầu tư để ký hợp đồng sai tăng 920 tỷ đồng.

UBND TP Hà Nội, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải và Nhà đầu tư không thực hiện nghiêm túc các quy định của hợp đồng BT đã ký kết. Nhà đầu tư đã chiếm dụng ngân sách nhà nước trong thời gian dài đối với số tiền chênh lệch phải nộp ngay vào ngân sách nhà nước là 510,12 tỷ đồng (tại thời điểm tháng 4/2008). Các cơ quan có thẩm quyền thuộc UBND TP. Hà Nội có biểu hiện buông lỏng trong công tác quản lý, giám sát và đôn đốc nhà đầu tư thực hiện việc thu, nộp tiền theo quy định.

Tại Dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, kết luận của TTCP cho thấy có những sai phạm sau: Dự án chậm tiến độ theo điều khoản hợp đồng BT đã ký, không đáp ứng được yêu cầu, sự cần thiết của dự án. Nhà đầu tư vi phạm trong việc liên doanh đầu tư để phân chia đất tại dự án đối ứng khi chưa được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Theo đó, có hơn 37,6 tỷ đồng tiền thuê đất tăng thêm do chưa xác định giá trị tiền thuê đất đối với phần diện tích đất công và bãi đỗ xe của dự án theo quy định của pháp luật và tính tăng sai chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật do áp sai suất vốn đầu tư, trong việc xác định tiền sử dụng đất đối với dự án đối ứng là hơn 11,2 tỷ đồng.

Dự án BT tiếp theo có nhiều sai phạm là dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An. Tại dự án này, TTCP chỉ ra, phần chi phí lãi vay nguồn vốn trái phiếu và vay vốn tín dụng tại Ngân hàng Vietinbank trước thời điểm khởi công dự án (ngày 15/5/2014) không được xác định để tính chi phí lãi vay trong tổng mức đầu tư dự án BT được duyệt. Việc giao đất và xác định tiền sử dụng đất của dự án đối ứng chậm theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tại Dự án đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên: Số tiền hơn 18,7 tỷ đồng tiền trả lãi vay của các khoản vay để đảo nợ không được dùng vào mục đích đầu tư dự án BT, không đủ cơ sở để tính vào giá trị quyết toán công trình. Việc giao đất và xác định tiền sử dụng đất của dự án đối ứng chậm theo quy định, dẫn đến phát sinh tăng khoản chi phí của dự án.

Tại Dự án giao thông Long Biên, theo kết luận của TTCP, sau khi tính lại chi phí vận chuyển dầm thép theo thực tế, giá trị giảm hơn 2,9 tỷ đồng.

Cũng theo TTCP, trong quá trình thanh tra, một số chủ đầu tư dự án còn không chấp hành cung cấp tài liệu, có biểu hiện chống đối, cản trở hoạt động thanh tra, ảnh hưởng đến kế hoạch, nội dung, tiến độ và thời gian thanh tra.

Kết mở

Bài học về nguy cơ tham nhũng trong “đổi đất lấy hạ tầng” ở nước ta không thể không nhắc tới sự việc tại Bà Rịa – Vũng Tàu vào nửa đầu những năm 1990. Khi đó, Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương đầu tiên có sáng kiến “đổi đất lấy hạ tầng” nhưng hệ quả tham nhũng đã làm cho lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bị thi hành kỷ luật sau khi thanh tra.

Sau hàng loạt sai phạm đã được TTCP chỉ ra ở các dự án BT của Hà Nội giai đoạn 2008 – 2012 và đang kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP. Hà Nội căn cứ vào kết quả thanh tra, tiến hành xử lý trách nhiệm của lãnh đạo thành phố, cùng với “bài học lịch sử” tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã được chỉ ra, thiết nghĩ đã đến lúc cần “soi kỹ” lại các quy định pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động đầu tư theo hình thức công tư nói chung và BT nói riêng, từ đó có giải pháp chặn tham nhũng, tiêu cực.

Tuệ Lâm

Link nội dung: https://phaply.net.vn/dau-tu-theo-hinh-thuc-doi-tac-cong-tu-de-bt-khong-con-la-manh-dat-mau-mo-cho-tieu-cuc-a174519.html