Đó là một trong những căn nguyên khiến “việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo đang là một vấn đề bức xúc” như Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh đã thừa nhận tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 của Thanh tra Chính phủ mới đây.
Nếu liệt kê đầy đủ thì có rất nhiều lý do, nhưng mấu chốt của vấn đề vẫn là sự thiếu trách nhiệm, trả lời vòng vo và cả sự “thất hứa” của những cơ quan chức năng và các cán bộ có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Chính vì không được giải quyết thấu đáo nên nhiều phản ánh, khiếu nại của người dân vẫn còn đó, để rồi năm này khiếu nại chưa xong, năm sau vẫn tiếp tục khiếu nại. Trong khi đó, các cơ quan nhận được đơn thư chỉ trả lời qua loa hoặc “hứa sẽ giải quyết trong thời gian tới”, nhưng lại không cho biết thời gian cụ thể.
Hỏi một đằng, trả lời một nẻo
Đánh giá chung của Thanh tra Chính phủ tại hội nghị giao ban công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài tại các tỉnh, thành khu vực phía Bắc diễn ra mới đây cho thấy, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân các địa phương khu vực phía Bắc tuy có chiều hướng giảm so với các năm trước cả về số lượng đoàn đông người và số vụ việc nhưng tính chất vẫn còn phức tạp. Đa số các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp tại các địa phương thời gian qua là các vụ việc cũ để lại, đã được cơ quan chức năng xem xét, giải quyết nhiều lần, nhưng công dân vẫn khiếu kiện với thái độ gay gắt, bức xúc, ít nhiều đã ảnh hưởng tới tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Ngay tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV vừa qua, trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải nêu rõ: Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ nhận được tổng số 3.119 kiến nghị, nhưng hiện còn 456 kiến nghị (chiếm 14,6%) trong diện “hứa sẽ giải quyết” thuộc thẩm quyền của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường... “Các bộ đều đã trả lời cử tri “sẽ nghiên cứu giải quyết trong thời gian tới”, tuy nhiên đều chưa có lộ trình giải quyết cụ thể”- bà Nguyễn Thanh Hải phản ánh thực tế.
Không chỉ vậy, Trưởng Ban Dân nguyện cũng “điểm mặt chỉ tên” không ít những tồn tại, bất cập trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Điển hình là các bộ, ngành còn quá chú trọng tới việc trả lời các kiến nghị (để tránh tồn đọng) mà chưa quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết, hoặc xây dựng lộ trình giải quyết dứt điểm kiến nghị, dẫn đến thực trạng số lượng kiến nghị được trả lời là rất lớn nhưng chất lượng của việc giải quyết kiến nghị còn chưa cao. Cá biệt có trường hợp văn bản trả lời chẳng ăn nhằm gì với kiến nghị của người dân. Chẳng hạn, cử tri tỉnh Sóc trăng kiến nghị xử lý vụ việc tại huyện Kế Sách và thị xã Vĩnh Châu thì văn bản trả lời của cơ quan chức năng lại nêu vụ việc tại huyện Trần Đề...
Đáng chú ý, Theo quy định tại Luật Tiếp công dân thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải dành thời gian tiếp công dân ít nhất mỗi tháng 1 lần, cấp huyện 2 lần/ tháng. Nhưng trên thực tế, người đứng đầu các cấp này không mấy khi thực hiện đúng quy định trên mà thường vin vào lý do “bận họp”, “đi công tác” để ủy quyền cho cấp dưới thực hiện. Trong khi đó, người dân chỉ mong được gặp người đứng đầu các cấp chính quyền, bởi chỉ những người này mới có đủ thẩm quyền để “quyết” được vấn đề của họ. Còn khi người được ủy quyền tiếp dân, họ cũng chỉ trả lời theo công thức: “xin tiếp thu các kiến nghị” và “chờ về xin ý kiến lãnh đạo”. Đó là chưa kể tới việc trong mỗi tháng lại do một Phó Chủ tịch khác nhau tiếp dân nên việc theo dõi, giải quyết đơn chưa thực sự bảo đảm… chính điều đó càng làm cho người dân thêm bức xúc.
Thừa nhận thực trạng này, cuối tháng 7 vừa qua, tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về kết quả tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và trả lời phản ánh của cử tri, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, hiện nay việc giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Cơ quan này chuyển cho cơ quan khác, địa phương này chuyển cho địa phương khác khiến người khiếu kiện đi khiếu kiện lòng vòng. Do đó, cần phải giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo chứ không phải là giải quyết hết trách nhiệm.
Chỉ ra nguyên nhân khác, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng 2017 của Thanh tra Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhận xét: qua giải quyết các vụ việc bức xúc kéo dài thấy nổi lên các nguyên nhân chính là việc thu hồi đất thực hiện dự án của nhà đầu tư sau đó chuyển mục đích sử dụng đất, làm giá trị tăng lên, trong khi giải quyết lại không thấu tình, đạt lý; quyền sử dụng đất ổn định của người dân trước tháng 10/1993 nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận, sau đó bị thu hồi thì đền bù không thoả đáng cho dân. Đây là nguyên nhân lớn trong các vụ khiếu kiện bức xúc kéo dài.
Không làm được phải cho từ chức
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo của người dân, muốn biết người dân bức xúc điều gì thì những cá nhân và cơ quan có thẩm quyền ngoài việc phải xuống cơ sở để được “mắt thấy tai nghe”, họ còn phải có tấm lòng, có trách nhiệm đeo bám đến cùng vụ việc. Bởi nếu chỉ giải quyết theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” thì dù có “vi hành” chứng kiến thực tế cũng chưa chắc thực tế đó đã phản ánh đúng bản chất sự việc. “Tại sao vào mùa hạn hán, khi Trung ương về kiểm tra tại Thủy điện An Khê thì dòng sông Ba Hạ dạt dào nước chảy; thế nhưng khi Trung ương đi thì dòng sông lại khô không khốc. Vậy thử hỏi vai trò của cấp ủy và chính quyền nơi đó ra sao? Ngay cả việc xả lũ cũng thế, cứ bảo là đúng quy trình, nhưng quy trình là do “anh” đặt ra, vấn đề là phải linh hoạt với thực tế để cứu vớt nhân dân vùng hạ lưu - đó mới là điều quan trọng”- ông Đỗ Văn Đương, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt vấn đề.
Để giải quyết tình trạng này, theo ông Đương, phải xác định rõ trách nhiệm của cá nhân và cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết, “mà nếu không giải quyết thì người đó sẽ bị xử lý thế nào? Theo tôi phải có chế tài, việc đó anh không làm thì cho anh từ chức”- vị Phó Trưởng ban Dân nguyện quyết liệt.
Và ngày 25/7 vừa qua, tại Quyết định số 33/2017/QĐ-TTg về ban hành Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị phải bảo đảm dân chủ, khách quan, đầy đủ, đúng trọng tâm, báo cáo kết quả với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Việc tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyến đến là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình công tác của các bộ, cơ quan, địa phương; là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các bộ, cơ quan và chính quyền địa phương.
Đối với công tác giải quyết các khiếu kiện bức xúc, đông người hiện nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý, công việc này đòi hỏi các cấp phải hết sức công tâm, đánh giá đúng bản chất vụ việc để có giải pháp toàn diện trong xử lý và kiến nghị xử lý. Bên cạnh đó, phải nâng cao chất lượng tiếp công dân thường xuyên, định kỳ, đột xuất. Trong quá trình giải quyết, xử lý phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và quyền lợi hợp pháp của người dân, không để nhân dân bức xúc, phát sinh điểm nóng…
“Phải xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm pháp luật, kể cả xử lý trách nhiệm người có thẩm quyền trong việc không thực hiện đúng pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, để xảy ra khiếu nại bức xúc, gây ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến an ninh trật tự và dư luận xấu trong xã hội ”- Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ: Giải quyết ngay từ cơ sở là đặc biệt quan trọng “Người có trách nhiệm tiếp dân thì phải trực tiếp tiếp dân, tránh việc ủy quyền, hơn nữa nếu ủy quyền thì có thể làm mất đi tác dụng của việc tiếp dân đối với người đứng đầu, người có thẩm quyền. Tôi cho rằng vấn đề giải quyết ngay từ cơ sở là đặc biệt quan trọng, nếu chúng ta giải quyết từ cơ sở tốt từ cấp xã thì cấp huyện sẽ ít đi, cấp huyện giải quyết tốt thì cấp tỉnh sẽ ít đi, cấp tỉnh giải quyết tốt, triệt để thì ở Trung ương sẽ ít đi thôi. Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Việc tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo ở cấp tỉnh là “lưới” thứ 3, cấp huyện là “lưới” thứ 2, còn cấp xã là “lưới” đầu tiên. Vấn đề nhận thông tin đầu vào và xử lý bước đầu những ý kiến, kiến nghị của người dân rất quan trọng, bởi vậy để nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như hạn chế đơn thư vượt cấp cần quan tâm, giải quyết tốt đơn thư ngay từ cấp xã, phường. Theo tôi, điều quan trọng trong việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là quyền lợi của người dân có được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật không, có được giải quyết trong thời hạn luật định không? Nếu đảm bảo tốt những vấn đề đó thì chắc chắn những đơn thư khiếu nại, tố cáo sẽ giảm đi nhiều. Qua tiếp xúc với người dân, tôi nhận thấy những vụ khiếu kiện bức xúc kéo dài thông thường có nguyên nhân gốc rễ là chưa được giải quyết thấu đáo ngay từ cơ sở. Ở không ít địa phương, do cán bộ cấp dưới đã “nhẵn mặt”, thậm chí có ác cảm với người khiếu nại, tố cáo nên thường báo cáo không đúng bản chất sự việc lên cấp trên. Và rồi, vì quan liêu và tin tưởng vào báo cáo này nên cấp trên đã “chuẩn y” việc giải quyết của cấp dưới và đề nghị người đi khiếu nại quay về cấp dưới để được giải quyết. Chính vì vậy, khiếu nại lại chồng thêm khiếu nại… |
Theo Bao Phapluat
Link nội dung: https://phaply.net.vn/chat-luong-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-dang-co-van-de-a169413.html