Chân lý mà ai cũng phải thừa nhận đó là: phim chuyển thể không bao giờ xuất sắc bằng tác phẩm văn học. Nhưng cũng có những cuốn sách phải nhờ phim mới nổi tiếng.
A Space Odyssey – Arthur C. Clarke. Năm 1968, ngay sau khi bộ phim khoa học viễn tưởng 2001: A Space Odyssey do Stanley Kubrick sản xuất và đạo diễn ra rạp, Arthur C. Clarke, đồng biên kịch của bộ phim đã xuất bản cuốn sách này. Đây là bộ phim từng gây được tiếng vang lớn thời bấy giờ khi đề cập đến các chủ đề như chủ nghĩa hiện sinh, sự tiến hóa của loài người, công nghệ, trí tuệ nhân tạo và sự sống ngoài Trái Đất.
The Prestige – Christopher Priest. Câu chuyện kể về Robert Angier và Alfred Borden, những ảo thuật gia sân khấu đối địch nhau ở London vào cuối thế kỷ 19. Bị ám ảnh với việc tạo ra những màn ảo thuật hay nhất, họ đã bị cuốn vào một cuộc cạnh tranh một mất một còn với những kết cục bi thảm. Bộ phim được chuyển thể năm 2006 là sản phẩm của đạo diễn Christopher Nolan lấy cảm hứng từ cuốn sách cùng tên của Christopher Priest thắng giải World Fantasy Award năm 1995.
Q&A - Vikas Swarup. Nếu như không có Q&A của tác giả, nhà ngoại giao Ấn Độ Vikas Swarup thì chúng ta sẽ không có một tác phẩm điện ảnh Triệu phú ổ chuột xuất sắc như vậy. Xuất bản năm 2005 nhưng phải đến năm 2008, tức 3 năm sau khi phát hành, người ta mới biết nhiều đến Q&A. Câu chuyện kể về một chàng trai trẻ xuất thân từ khu ổ chuột Juhu ở Mumbai khi cậu tham gia trò chơi truyền hình Ai là triệu phú phiên bản Ấn Độ và trả lời được chính xác tất cả những câu hỏi, vượt quá kỳ vọng của mọi người và khiến người dẫn chương trình lẫn các sĩ quan cảnh sát phải nghi ngờ.
A Beautiful Mind – Sylvia Nasar. Trước khi bộ phim chuyển thể ra mắt, dường như nhà toán học John Nash chỉ nổi tiếng trong giới khoa học. Từng được đề cử giải Pulitzer năm 1988, sau sự nhào nặn của đạo diễn Ron Howard cùng với sự góp mặt của dàn diễn viên gạo cội như Russell Crowe, Ed Harris,… A Beautiful Mind của Sylvia Nasar mới thực sự được thổi một làn gió mới, mang về khoản doanh thu khủng 313 triệu USD và 4 giải Oscar danh giá.
Fight Club – Chuck Palahniuk. Ra mắt lần đầu tiên vào năm 1996 nhưng chính tác giả Chuck Palahniuk cũng phải thừa nhận rằng cuốn sách chỉ thành công thực sự khi được chuyển thể lên màn ảnh và với diễn xuất xuất sắc của Ed Norton và Brad Pitt. Nội dung cuốn sách phê phán gay gắt xã hội hiện đại, nơi mà vẻ bề ngoài chiếm vị trí quan trọng và đẩy những người đàn ông trong phim tìm đến Fight Club chỉ để tìm được cảm giác là mình đang sống. Được công chiếu lần đầu tại Mỹ năm 1999, ngay trong tuần đầu tiên bộ phim đã đạt doanh thu hơn 11 triệu USD và đứng đầu bảng xếp hạng vào thời điểm đó.
One Flew Over the Cuckoo’s Nest – Ken Kesey. Năm 1962, câu chuyện về cuộc nổi loạn của những bệnh nhân tâm thần của Ken Kesey đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng làm dậy sóng văn đàn và cả xã hội Mỹ lúc đó. Cuốn sách đã chạm tới những câu hỏi sâu xa, phức tạp nhất về tự do và khuôn khổ, cá nhân và hệ thống, bình thường và bất thường, tỉnh táo và điên loạn,… Được chuyển thể sau đúng một năm cuốn sách được xuất bản, Bay trên tổ chim cúc cu phiên bản điện ảnh đã trở thành một siêu phẩm kinh điển và chiến thắng ở tất cả các đề cử quan trọng nhất của giải Oscar.
Mommie Dearest – Christina Crawford. Phỏng theo cuốn sách cùng tên của Christina Crawford viết năm 1978, Mommie Dearest là những hồi tưởng của tác giả về những năm tháng ấu thơ bên mẹ của mình là nữ minh tinh một thời Joan Crawford. Không chỉ ngay sau khi được công chiếu mà ngay cả sau này, bộ phim vẫn luôn nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ phía khán giả cũng như giới phê bình điện ảnh. Không dễ để người xem có thể dễ dàng chấp nhận hình tượng một người mẹ độc đoán và bạo lực, hành hạ những đứa con của mình mà không phải chịu bất kỳ một lời phán xét nào, trừ một lớp vỏ bọc hào nhoáng ngày càng dày thêm của tiền tài và danh vọng.
Theo Zing
Link nội dung: https://phaply.net.vn/7-cuon-sach-noi-tieng-sau-khi-duoc-chuyen-the-thanh-phim-a169238.html