Tham ô tài sản – tội danh cần nghiên cứu kỹ

(Pháp lý) - Tội tham ô tài sản là tội phạm được Nhà nước ta quy định rất sớm, ngay sau khi giành được chính quyền. Sau khi Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành cho đến năm 2017, Quốc hội cũng đã nhiều lần sửa đổi bổ sung để hoàn thiện, trong đó tội Tham ô tài sản cũng được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Trong giai đoạn hiện nay thì tham nhũng được coi là “quốc nạn” nên tội Tham ô tài sản được quan tâm xử lý hơn bao giờ hết. Tuy nhiên có điều lạ là mức độ tham nhũng ngày càng nghiêm trọng thì dường như tội Tham ô tài sản lại trở nên “nhạy cảm”, khó áp dụng hơn ?

Tội Tham ô có gì khác biệt?

Vì sao dấu hiệu tham ô đã khá rõ ràng nhưng các bị can Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn hay Huỳnh Thị Huyền Như trong 2 đại án kinh tế được dư luận đặc biệt quan tâm lại không bị truy tố về tội Tham ô tài sản? Tội danh này có gì đặc biệt mà gây tốn nhiều giấy mực của các chuyên gia và tâm trí của các cơ quan tiến hành tố tụng như vậy…?

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, tội Tham ô tài sản có mức án cao nhất là tử hình. Trong khi mức hình phạt cao nhất của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chung thân. Các tội danh khác như Cố ý làm trái, Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng có mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù.

Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa các tội danh này không chỉ là mức án mà còn liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Đây có lẽ là điểm khác biệt mấu chốt.

Trong vụ án Huyền Như, nếu Huyền Như phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bản thân Như phải bồi thường khoản tiền đã chiếm đoạt của khách hàng gửi tại VietinBank (khoảng 4.000 tỉ đồng). Mà một khi bị cáo đã thụ án thì thu hồi lại tài sản đã mất dường như vô vọng, vì tài sản cá nhân của họ không nhiều và tiền cũng đã biến hóa khó có thể thu hồi lại.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn Internet))

Trong khi đó nếu Huyền Như bị truy tố về tội Tham ô tài sản của Vietinbank thì thiệt hại của khách hàng gửi tiền là do Vietinbank gánh chịu. Và một khi bản án có hiệu lực pháp luật thì ngân hàng này không thể không thi hành án.

Do tính chất đặc biệt của tội danh này như vậy nên cần nhận diện nó cho chuẩn xác để áp dụng pháp luật được thống nhất, đúng tội, đúng người. Tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Tham ô là một trong những hành vi tham nhũng, nhưng có thể nói cùng với hành vi nhận hối lộ, nó là hành vi chủ yếu của tham nhũng, đặc trưng điển hình của tệ tham nhũng.

Các dấu hiệu của tội danh này, trước hết về chủ thể của tội phạm, đặc điểm có tính quyết định là người phạm tội Tham ô tài sản phải là người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm đối với tài sản mà họ chiếm đoạt. Chính vì đặc điểm này của tội tham ô tài sản nên về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, các luật gia đã đưa ra một kết luận là: Tham ô là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã trộm cắp, công nhiên, lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm... chiếm đoạt tài sản mà họ có trách nhiệm quản lý.

Về dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm tham ô cũng có nhiều quan điểm khác nhau nhưng thống nhất rằng thực chất tội phạm này chỉ xâm phạm quan hệ sở hữu.

Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm, trước hết, người phạm tội tham ô tài sản phải là người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình có để chiếm đoạt tài sản. Nói cách khác là người phạm tội có việc lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt tài sản thì mới bị coi là tham ô tài sản. Nếu hành vi chiếm đoạt tài sản do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ thì dù họ có chức vụ, quyền hạn thì cũng không bị coi là tham ô tài sản.

Chiếm đoạt tài sản do mình có trách nhiệm quản lý, trong đó chiếm đoạt tài sản là một hành vi chuyển dịch bất hợp pháp tài sản từ chủ sở hữu thành tài sản của mình hoặc của người khác mà mình quan tâm. Hiện nay, việc xác định hành vi chiếm đoạt tài sản nói chung và chiếm đoạt tài sản trong tội tham ô tài sản nói riêng trong nhiều trường hợp đã khác nhiều so với quan niệm truyền thống. Ví dụ: Nếu trước đây một thủ quỹ lấy tiền trong két đem gửi tiết kiệm mang tên mình hoặc tên người khác bị coi là chiếm đoạt tài sản và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản, thì ngày nay hành vi này của Thủ quỹ chỉ là hành vi sử dụng trái phép tài sản.

Cũng như hậu quả của các tội phạm khác, hậu quả của tội tham ô tài sản là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất cho xã hội. Đối với tội tham ô tài sản, thiệt hại trước hết là thiệt hại về tài sản, ngoài ra còn có những thiệt hại khác phi vật chất.

Hiện nay, không chỉ đối với tội tham ô tài sản mà đối với nhiều tội phạm khác, nhà làm luật quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt làm ranh giới phân biệt tội phạm với hành vi vi phạm, nên có quan điểm cho rằng, thiệt hại về tài sản của các tội phạm này là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm nếu chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được nhưng giá trị tài sản dưới mức quy định của điều luật thì chưa cấu thành tội phạm. Đây là sự nhầm lẫn giữa hậu quả của tội phạm với thiệt hại thực tế đã xảy ra, bởi vì hậu quả của tội phạm không chỉ là những thiệt hại do tội phạm đã gây ra mà còn đe doạ gây ra cho xã hội, tức là thiệt hại vật chất chưa xảy ra nhưng cũng đã gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm, người phạm tội thực hiện hành vi của mình là cố ý (cố ý trực tiếp), tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; không có trường hợp tham ô tài sản nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội bao giờ cũng mong muốn chiếm đoạt được tài sản.

Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, có thể nói mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội tham ô tài sản. Nếu mục đích của người phạm tội chưa đạt được (chưa chiếm đoạt được tài sản), thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác thì người phạm tội cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản, nếu mục đích đó không cấu thành một tội phạm độc lập.

Không oan sai, không lọt tội phạm

Do tội Tham ô có nhiều tương đồng với các tội danh khác thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý về kinh tế, dễ gây nhầm lẫn như Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái… gây hậu quả nghiêm trọng, nên các vụ án cần được tiến hành một cách khách quan và toàn diện, hoạt động tranh tụng tại phiên tòa rất cần được tiến hành đúng qui định của pháp luật tố tụng. Nếu các tình tiết của vụ án được xem xét đầy đủ thì việc xác định tội danh sẽ chính xác, không làm oan sai người bị truy tố và không bỏ lọt tội phạm, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Xem ra, nghiên cứu kỹ tội danh Tham ô tài sản để áp dụng đúng đắn và thống nhất là rất cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

 Thái Vũ

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tham-o-tai-san-toi-danh-can-nghien-cuu-ky-a169094.html