Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2017 diễn ra sáng 31/7, theo phản ánh của doanh nghiệp việc phải trả tới 34,5% chi phí bao gồm tiền lương và an sinh xã hội (bao hồm các khoản bảo hiểm và các loại phí khác) làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế...
Sáng 31/7, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ 2 - năm 2017 đã diễn ra với sự có mặt của gần 1.000 doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo một số bộ, ngành đã tham dự.
Diễn đàn gồm 1 chuyên đề chung là “Hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5” và 3 chuyên đề ngành, gồm: Kinh tế số, Du lịch và Nông nghiệp để tiến hành đối thoại giữa khu vực tư nhân và Chính phủ cùng đại diện các bộ, ban, ngành địa phương.
Tại chuyên đề 1 - Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5, một nội dung được nhiều đại biểu tham dự diễn đàn quan tâm đó là vấn đề chi phí đối với doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng An Bình cho biết theo thống kê hiện nay các doanh nghiệp phải trả tới 34,5% chi phí bao gồm tiền lương và an sinh xã hội (bao gồm các khoản bảo hiểm và các loại phí khác).
Ông Tiền cho rằng mức chi phí này cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông cho biết ông cũng đã nhận được rất nhiều phản ánh từ các doanh nghiệp về gánh nặng chi phí này.
Theo ông Đông, nếu chúng ta tiếp tục đẩy chi phí này cao hơn thì không phải là giúp người lao động mà đang đẩy họ vào nguy cơ mất việc làm. Bởi một khi doanh nghiệp không cạnh tranh và phát triển được thì sẽ phải cân nhắc, tính toán việc tinh giản bộ máy.
“Kế hoạch và đầu tư đang tiến hành rà soát vấn đề chi phí này và sẽ đưa ra những kiến nghị phù hợp”, ông Đông cho biết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, với con số doanh nghiệp ra đời đạt kỷ lục trong năm 2016 và tiếp tục tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2017 cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những cải thiện rõ nét. Luật pháp của Việt Nam cũng ngày được cải thiện hơn. World Bank đã đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc.
Tuy nhiên theo Thủ tướng, Chính phủ cũng nhận được được còn nhiều tồn tại, trong đó có vấn đề chi phí. "Chi phí bến bãi, lãi vay ngân hàng, chi phí giao thông, logistics… còn nhiều bất cập. Chính phủ đang cố gắng nỗ lực thúc đẩy giảm chi phí để tạo hiệu quả đầu tư tốt hơn nữa cho doanh nghiệp", Thủ tướng cho biết.
Theo Thủ tướng, vừa qua hệ thống ngân hàng đã tiến hành giảm lãi suất ở mức 0,5%. Các chi phí khác như bảo hiểm, BOT... sẽ tiếp tục được rà soát để giảm cho doanh nghiệp.
Theo Bizlive
Link nội dung: https://phaply.net.vn/thu-tuong-doi-thoai-voi-doanh-nghiep-nong-van-de-chi-phi-luong-bao-hiem-a169069.html