(Pháp lý) - “Những sai phạm của quan chức giúp gia đình và người thân của họ có tài sản khủng cần được chuyển sang cơ quan điều tra từ đó mới có thể xử lý được tận gốc các vấn đề”. Đó là ý kiến của Tiến sĩ, Luật sư Đào Ngọc Chuyền (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).
Vi phạm trong cổ phần hóa và dấu hiệu tham ô
Sau khi Ủy ban kiểm tra Trung ương có kết luận về những vi phạm nghiêm trọng của bà Hồ Thị Kim Thoa, nhiều người cho rằng, cần có những chế tài xử lý nghiêm khắc tương ứng. Để hiểu thêm về những chế tài pháp luật hiện hành soi chiếu xử lý những vi phạm đó, Phóng viên Pháp lý đã có trao đổi với Tiến sĩ, Luật sư Đào Ngọc Chuyền.
TS. Luật sư Đào Ngọc Chuyền phân tích: Cổ phần hóa là chủ trương lớn của nhà nước đã tiến hành trong nhiều năm. Quá trình cổ phần hóa phải tuân theo những quy định pháp luật chặt chẽ để hạn chế thất thoát, tiêu cực tài sản của nhà nước. Trong quá trình cổ phần hóa, các doanh nghiệp nhà nước phải xây dựng được đề án cổ phần hóa, trong đó có một thủ tục không thể nào thiếu là đánh giá giá trị doanh nghiệp. Việc đánh giá này sẽ được các cơ quan chức năng phê duyệt. Từ đánh giá đó sẽ định giá tài sản của doanh nghiệp (máy móc, nhà xưởng, tài chính cân đối trong sổ sách kế toán, đất đai) một cách cụ thể.
Yêu cầu nghiêm ngặt của quá trình cổ phần hóa là phải định giá cổ phiếu sát với giá thị trường, xác định giá khởi điểm và đem ra đấu giá. Trong đề án đó cũng phải xác định rõ được phần cổ phần ưu đãi sẽ bán cho người lao động trong doanh nghiệp, phần cổ phần bán công khai cho mọi người… Làm đúng các khâu thì sẽ tránh được hiện tượng lợi dụng, tham ô, tham nhũng, trục lợi, chuyển tiền của Nhà nước vào túi cá nhân.
Tiêu cực trong công tác cổ phần hóa thường phát sinh ở giai đoạn định giá, giá cổ phiếu được xác định thường thấp hơn giá thị trường. Việc xác định giá khởi điểm thấp hơn giá thị trường nhằm mục đích thao túng, mua lại cổ phiếu, chiếm quyền điều hành doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa. Việc này là vi phạm pháp luật. Luật sư Đào Ngọc Chuyền đặc biệt lưu ý, nếu người nắm quyền lãnh đạo doanh nghiệp mà có hành vi can thiệp (như “đi đêm” với bộ phận định giá doanh nghiệp, định giá đất đai; thiếu công khai minh bạch khi tổ chức rà soát, xác định giá trị tài sản doanh nghiệp; tìm cách “lách luật” để tránh niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán…) khiến xác định giá cổ phiếu khởi điểm thấp hơn giá thực tế sau đó bố trí để bản thân, người thân của mình mua được với số lượng lớn thì có thể cấu thành Tội tham ô - Luật sư Đào Ngọc Chuyền nêu quan điểm. Bởi nếu không có các hành vi can thiệp bất hợp pháp đó, thì giá trị thực của cổ phiếu doanh nghiệp khi cổ phần hóa phải cao hơn. Theo đó, phần chênh lệch bị thất thoát đó lẽ ra thuộc về Nhà nước thì lại bị chiếm đoạt bởi “tiểu xảo” của người lãnh đạo doanh nghiệp – lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao quản lý tài sản nhà nước để hạ giá tài sản hòng mua, gom cổ phần với số lượng “khổng lồ”. Dù bản thân họ đứng tên hay không đứng tên thì có thể cấu thành tội danh như đã nói ở trên.
Trong hoạt động mua bán cổ phần, cổ phiếu, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước sẽ vi phạm pháp luật nếu có các hành vi xúi giục như rèm pha, cung cấp thông tin sai sự thật, hành vi tung tin đồn dẫn đến việc người lao động miễn cưỡng bán cổ phần, cổ phiếu cho mình. Nếu có những hành vi đó có thể cấu thành tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Bởi, người có chức vụ, quyền hạn đã vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân mà làm trái với công vụ và gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của công dân (ở đây là quyền, lợi ích của người lao động đã phải miễn cưỡng bán cổ phần).
Với vi phạm về thiếu báo cáo, không báo cáo về các hoạt động thu, chi, miễn giảm nợ liên quan đến quản lý tài sản nhà nước …Những vi phạm đó được xác định là vi phạm các nguyên tắc trong quản lý tài chính là dấu hiệu cấu thành tội danh vi phạm các quy định về quản lý kinh tế. Nếu như vi phạm về trình tự thủ tục thì có dấu hiệu của Tội cố ý làm trái các quy định kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (BLHS 1999) và các tội danh tương ứng khác trong BLHS 2015 như Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế, Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán.
Các tội danh như Tội tham ô, Tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để trục lợi, Tội vi phạm các quy định về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng… có hình phạt rất nghiêm khắc. Ngoài hình phạt, người phạm tội có thể bị buộc nộp lại khoản tiền thu lợi bất chính, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Quan điểm của TS.LS Đào Ngọc Chuyền đối với vi phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa, sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì tiếp theo cần có quá trình điều tra cụ thể để xác định rõ hành vi đó được thực hiện cụ thể thế nào, có công khai minh bạch không,vi phạm pháp luật nào, tư lợi thế nào, tư lợi bao nhiêu? Từ đó mới xác định cụ thể chế tài pháp luật và cách thức xử lý với tài sản thu lợi bất chính.
“Chống lưng” cho chồng kinh doanh và dấu hiệu vi phạm các quy định trong quản lý kinh tế
Khi giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bà Phan Thị Mỹ Thanh đã chấp thuận cho Công ty Cường Hưng của chồng mình đầu tư dự án khu dân cư thương mại xã Phước Tân. Bà Thanh còn có những quyết định lấy ngân sách của nhà nước hỗ trợ cho công ty của chồng. Khu vực mỏ đá Tân Cang được UBND tỉnh Đồng Nai quy hoạch khoảng 600 ha để khai thác đất đá phục vụ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ. Trước đây, khu vực mỏ đá này do UBND huyện Long Thành (nay thuộc địa phận hành chính của UBND TP Biên Hòa) quản lý. Để phục vụ cho việc vận chuyển đất đá ra vào khu dân cư, UBND huyện Long Thành yêu cầu nhiều doanh nghiệp khai thác đá ở khu vực mỏ đá này góp tiền làm đường chuyên dụng. Tuy nhiên, sau khi bà Phan Thị Mỹ Thanh từ Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thì bà này ký văn bản chỉ đạo giao cho Hợp tác xã An Phát (do ông Đỗ Tịnh, chồng bà Thanh quản lý) để làm đường chuyên dụng BOT, lập trạm thu phí. Điều đáng nói là kinh phí để hỗ trợ giải phóng mặt bằng lại được lấy từ ngân sách nhà nước là trái quy định pháp luật. Ngoài ra, bà Thanh còn lợi dụng cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh để cấp phép và gia hạn cho Công ty Cường Hưng kinh doanh bến thủy nội địa, mặt bằng, vật liệu xây dựng, dù lĩnh vực này do một Phó Chủ tịch khác phụ trách. Đây là dự án nằm trong dự án dịch vụ, nhà ở của khu đất gần 92 ha mà Công ty Cường Hưng ký kết hợp tác với các đối tác trước đó….
Với những việc làm trên của bà Thanh, Luật sư Đào Ngọc Chuyền phân tích: việc bà Thanh ký văn bản chấp thuận hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án BOT đường chuyên dụng cho Hợp tác xã An Phát, nhưng không thông qua tập thể UBND tỉnh, chưa báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, vi phạm này khá rõ. Những việc làm này đã vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư, vi phạm các quy định về đấu thầu... Luật sư Chuyền cho rằng những vi phạm đó có dấu hiệu của Tội vi phạm các quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi 2009). Đồng thời việc bà Thanh kí văn bản cấp ngân sách nhà nước cho công ty Cường Hưng, trong khi bà Thanh cũng sở hữu cổ phần tại công ty này. Việc này là phạm luật. Theo LS. Chuyền, nếu bà Thanh sử dụng quyền lực cấp ngân sách về cho công ty Cường Hưng là bà Thanh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chuyển tài sản do mình được Nhà nước giao quản lý sang túi tư nhân.
Ngoài ra, chồng bà Thanh là Giám đốc Công ty Cường Hưng nếu lợi dụng ảnh hưởng của bà Thanh để trục lợi cũng có thể bị xem xét dấu hiệu tội danh “Lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” nếu sau này, cơ quan chức năng phát hiện chồng bà Thanh nếu có những tác động để vợ kí, ra các văn bản quyết định làm lợi cho công ty mình hoặc chồng bà Thanh có nhận tiền hoặc lợi ích vật chất của một trong số các công ty đã được bà Thanh “hỗ trợ”, để thúc đẩy vợ mình “giúp đỡ” họ được thực hiện dự án.
Vi phạm về kê khai: cần xử lý thu hồi tài sản bất minh
Theo các thông tin đã được kết luận của Ủy ban kiểm Tra Trung Ương, bà Hồ Thị Kim Thoa (Thứ trưởng Bộ Công thương), bà Phan Thị Mỹ Thanh (Phó Bí thư Đồng Nai) đều bị kết luận là có vi phạm về kê khai tài sản. Về chế tài với hành vi này, Luật sư Đào Ngọc Chuyền phân tích: Nghị định số 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập, trong đó nêu rõ mục đích của việc làm này là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai, nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng. Người có nghĩa vụ kê khai tự kê khai các thông tin theo quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ đối với nội dung kê khai.
Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập quy định xử lý vi phạm về vi phạm thời hạn trong minh bạch tài sản, thu nhập người tổ chức việc kê khai, việc công khai chậm; người kê khai, giải trình chậm; người tổng hợp, báo cáo kết quả về minh bạch tài sản, thu nhập chậm so với thời hạn. Người kê khai tài sản, thu nhập, người giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật.
Theo Luật sư Đào Ngọc Chuyền, hiện những vi phạm về kê khai tài sản chỉ bị xử lý về mặt hành chính. Lỗ hổng lớn của Luật hiện nay là những tài sản vi phạm, kê khai thiếu, kê khai không đúng, không đủ cũng không bị thu hồi, người sai phạm cũng không phải chịu chế tài hình sự khiến những vi phạm này phổ biến và quan chức vẫn vi phạm, nhờn luật.
Cuối cùng, Luật sư Chuyền thẳng thắn đề nghị: về nguyên tắc, có thất thoát, có dấu hiệu vụ lợi là phải khởi tố để điều tra, từ đó mới làm rõ sự việc và mới có thể xử lý được tận gốc vấn đề.
Phan Phan
Link nội dung: https://phaply.net.vn/ts-ls-dao-ngoc-chuyen-dieu-tra-moi-xu-ly-duoc-tan-goc-van-de-a168697.html