Tội phạm tham nhũng: Phá hoại “con voi”, thu hồi “con kiến“

Trong 6 tháng đầu năm, lượng tiền thi hành án mới chỉ đạt 23%, trong đó, bế tắc tập trung nhiều ở các tội phạm tham nhũng. Đơn cử cựu Chủ tịch HĐQT Vinashin – Phạm Thanh Bình, ông này bị cho đã “đút túi” gần 500 tỷ đồng, nhưng đến nay, số tiền thi hành án là một con số vô cùng "ấn tượng": Không đồng.

[caption id="attachment_168596" align="aligncenter" width="565"]Dương Chí Dũng trong phiên xử hồi năm 2014. Ảnh: Bảo Thắng Dương Chí Dũng trong phiên xử hồi năm 2014. Ảnh: Bảo Thắng[/caption]

Thất thoát rất nhiều, thu hồi chẳng bao nhiêu...

Thống kê của Bộ Tư pháp cho hay, tính đến tháng 7.2017, công tác thi hành án dân sự (THADS), về vụ việc, đã giải quyết xong 314.000 việc, đạt tỷ lệ trên 59%, tuy vậy, về tiền, đã thu hồi hơn 21.400 tỷ đồng, nhưng chỉ đạt tỷ lệ 21%. Theo Bộ Tư pháp, toàn hệ thống THADS đã tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án trọng điểm, liên quan đến tín dụng, ngân hàng, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp.

Tuy công tác THADS được cho đã có những chuyển biến tích cực, ấy vậy, khi nhìn vào các vụ án tham nhũng, con số này gần như “án binh bất động”.

Vụ "đại án" được dư luận hết sức quan tâm, đó chính là cựu Cục trưởng Hàng hải Việt Nam – Dương Chí Dũng và Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) – Phạm Thanh Bình.

Theo bản án, Dương Chí Dũng phải bồi hoàn cho Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam số tiền 110 tỷ đồng. Nhưng, với vài căn nhà nhỏ được cơ quan chức năng kê biên, ông Dũng vẫn còn khoản tiền hơn 88 tỷ đồng phải thi hành án, và một điều rất rõ là, cựu Cục trưởng Hàng hải không còn khoản tài chính nào để thi hành.

Trường hợp Dương Chí Dũng xem ra còn đỡ hơn rất nhiều so với Phạm Thanh Bình. Khi bản án có hiệu lực, ông Bình bị cáo buộc phải bồi hoàn gần 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 7.2017, số tiền mà cựu Chủ tịch HĐQT Vinashin đã thi hành án là một con số ấn tượng: “Không đồng”. Qua công tác xác minh của cơ quan chức năng, ông Bình đang thụ án dài hạn và không có tài sản để thi hành án.

Trước đó, hồi giữa năm 2016, khi tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, cơ quan chức năng đã đưa ra con số rất đáng suy ngẫm: 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Qua 10 năm, số tiền bị tham nhũng qua các vụ án được xác định hơn 59.000 tỷ đồng, nhưng thu hồi chỉ vỏn vẹn 7,8%.

Còn nhiều khó khăn, trở ngại

Lý giải nguyên nhân cho những con số “không đồng” khi thi hành án tội phạm tham nhũng, phía Cục THADS thành phố Hà Nội nhận định, người phạm tội ngay từ thời điểm đầu tiên đã chủ ý không đứng tên sở hữu tài sản, không kê khai, có hành vi tẩu tán hoặc che giấu rất tinh vi, do đó, việc xác minh tài sản gặp vô vàn khó khăn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, công tác thi hành án không đảm bảo tính khả thi.

Nhìn nhận vấn đề này, các chuyên gia pháp lý phân tích, các vụ án tham nhũng hầu hết được phát hiện rất chậm, phát hiện ra lại chậm xử lý, chậm kết luận, do vậy, công tác giám định, xác minh, điều tra gặp nhiều trở ngại.

“Họ tham nhũng, họ chuyển hoá tài sản cho hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai (vợ, chồng, con cái, bố mẹ - PV), rồi sau cả chục năm mới bị phát hiện, khi ấy, tài sản đã được di chuyển, còn, mất, sang tên người này, người khác, hoặc đã được hợp thức nguồn, vậy, làm sao có thể thu hồi” – luật sư Hằng Nga, Trưởng văn phòng luật sư Hằng Nga, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đưa quan điểm.

Có thêm lý do để các tội phạm tham nhũng “có cửa sống” chính là tập quán giao dịch kinh tế, dân sự của đại bộ phận người dân được thực hiện bằng tiền mặt. Với tập quán này, tiến sĩ, luật sư Lê Văn Thiệp nhìn nhận, sẽ rất khó cho công tác giám sát. “Mỗi năm, hàng chục, hàng trăm tấn vàng trên thị trường được tiêu thụ, hàng triệu giao dịch được tiến hành, nhưng, không thể kiểm soát, nắm bắt được số tiền, số vàng này đi đâu,về đâu. Đây chính là một trong những lý do, tội phạm tham nhũng có điều kiện ẩn khuất, che giấu” – ông Thiệp nói thêm.

Theo Báo Lao động

Link nội dung: https://phaply.net.vn/toi-pham-tham-nhung-pha-hoai-con-voi-thu-hoi-con-kien-a168595.html