Cùng nhìn lại Chiến tranh thế giới thứ hai qua góc nhìn của 5 tác giả đến từ những đất nước khác nhau.
Ánh sáng vô hình - Anthony Doerr
Ánh sáng vô hình kể về số phận và cuộc đời của một cô gái mù người Pháp và một người lính dò tin phát xít Đức khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra.
Hai con người từ nhỏ đã được rèn luyện để sinh tồn trong thời chiến tranh hỗn loạn nhưng cuối cùng lại phục vụ cho hai thế lực đối đầu nhau. Marie Laure và Werner chỉ gặp nhau một lần duy nhất khi cuộc chiến gần như đến hồi kết thúc, nhưng những câu chuyện họ kể gắn liền cuộc đời hai con người xa lạ với nhau.
Nhà văn người Mỹ Anthony Doerr đã mất 10 năm để sáng tác Ánh sáng vô hình sau cuốn tiểu thuyết đầu tay About Grace viết năm 2004. Cuốn sách được viết khi vợ chồng Doerr chào đón đứa con thứ hai, để có nhiều thời gian chăm sóc con, ông đã chuyển sang viết sách về đêm và thường xuyên trong tình trạng thiếu ngủ.
Ánh sáng vô hình đã lọt vào danh sách 10 cuốn sách hay nhất năm 2014 của New York Times và được Hudson Booksellers chọn là Cuốn sách của năm 2014. Năm 2015, cuốn sách được trao giải thưởng danh giá Pulitzer và huân chương xuất sắc Andrew Carnegie cho tiểu thuyết hư cấu.
Không chiến zero rực lửa - Naoki Hyakuta
Không chiến zero rực lửa tái hiện lại tâm trạng của những người lính cảm tử trên bầu trời Nhật Bản khi cuộc chiến tranh thế giới đang đến giai đoạn cuối. Cuốn sách cũng là hành trình đi tìm kiếm sự thật về người bị mang danh “kẻ hèn nhát của đội hàng không số 1 hải quân”.
Tác giả Naoki Hyakuta viết cuốn Không chiến zero rực lửa khi ông hàng ngày được lắng nghe những câu chuyện thời chiến của cha và bác khi tham gia quân đội Nhật Bản kết hợp với những tư liệu có thật trong lịch sử. Thông qua tác phẩm, Hyakuta cũng bày tỏ mong muốn thế hệ trẻ Nhật Bản luôn nhớ đến những hy sinh của cha ông để biết quý trọng hòa bình.
Không chiến zero rực lửa đến nay đã bán được hơn 4 triệu bản và trở thành cuốn sách bán chạy nhất Nhật Bản năm 2013. Cùng trong năm 2013, cuốn sách được chuyển thể thành truyện tranh và bộ phim điện ảnh mang lại tiếng vang lớn trong giới trẻ Nhật Bản lúc bấy giờ.
Kẻ trộm sách - Markus Zusak
Kẻ trộm sách xoay quanh cuộc đời của cô bé mồ côi người Đức Liesel Meminger được kể lại qua lời Thần Chết, kẻ đã dõi theo bước chân cô bé khi em trai cô qua đời. Khi được nhận nuôi tại thành phố Munich, Liesel trở nên choáng ngợp trước những tủ sách chất đầy cũng như sự tàn khốc của chiến tranh đã phá hủy thành phố tươi đẹp mà em luôn yêu quý.
Markus Zusak là nhà văn trẻ người Úc nổi tiếng với các tác phẩm viết cho thiếu nhi như The Underdog, The Messenger. Kể từ sau cuốn Kẻ trộm sách viết năm 2005, Zusak đến nay vẫn chưa ra thêm tác phẩm nào mới. Năm 2016, ông chia sẻ sẽ có khả năng bỏ dở cuốn sách còn đang viết Brigde of Clay khi không tìm được thêm cảm hứng sáng tác giống như khi viết Kẻ trộm sách.
Kẻ trộm sách đến nay đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng và giành được vô số giải thưởng trong và ngoài nước. Tác phẩm giữ vị trí bán chạy số một trên Amazon và New York Time trong suốt hơn 100 tuần liên tiếp và xuất hiện trong hệ thống thư viện của nhiều trường học tại Anh và Mỹ. Năm 2013, cuốn sách được chuyển thể thành phim nhận được một đề cử giải Oscar cho Nhạc nền xuất sắc nhất.
Chuộc tội - Ian McEwan
Chuộc tội là hành trình đi tìm kiếm hạnh phúc của Robbie và Cecilia trước sự chia cách của chiến tranh và lời buộc tội ấu dâm tàn nhẫn của người em gái Briony. Ngoài hình ảnh những người lính bị thương ngoài chiến trường, cuốn sách còn tái hiện lại cuộc di tản Dunkirk lớn nhất trong lịch sử khi hơn 400.000 người lính quân Đồng minh bị mắc kẹt tại bờ biển Pháp năm 1940.
Ian McEwan là nhà văn người Anh từng 6 lần được đề cử cho giải Man Booker, bao gồm cả chiến thắng năm 1998 cho cuốn Amsterdam. McEwan viết Chuộc tội khi ông bị ảnh hưởng của nhiều tác phẩm như Lolita, The Go-Between, Northanger Abbey và các tác phẩm kịch của Shakespeare như Hamlet, Macbeth,...
Chuộc tội được đề cử cho giải Man Booker năm 2001 và chiến thắng giải thưởng cao quý National Book Critics Circle Award năm 2002. Tác phẩm cũng được xếp vào top 100 cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại do tạp chí Time bình chọn. Năm 2007, bộ phim cùng tên lấy nguyên tác từ Chuộc tội được đề cử 6 giải Oscar cho những hạng mục quan trọng đồng thời chiến thắng giải Quả cầu vàng cho bộ phim chính kịch hay nhất.
Sarah’s Key - Tatiana de Rosnay
Sarah’s Key lấy bối cảnh tại Pháp năm 1942, một gia đình người Do Thái bị bắt giữ trong sự kiện Vélodrome d'Hive khi phát xít Đức đóng chiếm thủ đô Paris.
Cô bé 10 tuổi Sarah vì muốn bảo vệ người em trai mà đã nhốt cậu bé trong chiếc tủ khóa khi nghĩ gia đình cô sẽ trở về trong vài giờ đồng hồ. Cuốn sách tái hiện lại những hình ảnh kinh hoàng tại trại tập trung khi người Do Thái bị bắt giữ và giết hại hàng loạt. Cuốn sách là lời kể luân phiên của Sarah năm 1942 và một nhà báo đi tìm kiếm sự thật năm 2009.
Tatiana de Rosnay là nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch người Pháp và là tác giả của 13 cuốn tiểu thuyết lớn nhỏ. Năm 2011, tạp chí Le Figaro xếp bà đứng thứ 5 trong số top 10 tác giả Pháp có số tác phẩm được đọc nhiều nhất.
Sarah’s Key là cuốn sách nổi tiếng nhất của de Rosnay được viết bằng tiếng Pháp vào năm 2006, và được dịch sang tiếng Anh năm 2007. Sarah’s Key là cuốn tiểu thuyết hiếm hoi viết về Vélodrome d'Hive, suốt nhiều năm liền là một sự kiện mà người Pháp không bao giờ muốn nhắc đến.
Kể từ khi ra mắt, Sarah’s Key đã bán được hơn 3 triệu bản tiếng Pháp và gần 2 triệu bản sách tiếng Anh. Năm 2010, cuốn sách được chuyển thể thành bộ phim cùng tên và được công chiếu lần đầu tiên tại Liên hoan Phim Quốc tế Toronto.
Theo Zing
Link nội dung: https://phaply.net.vn/5-cuon-tieu-thuyet-ve-the-chien-thu-hai-khong-the-bo-qua-a168566.html