Thủ tướng gặp mặt các Trưởng cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Việc bắt, giam giữ, phạt tù đối với trẻ em chỉ được coi là biện pháp cuối cùng và áp dụng trong thời hạn ngắn nhất.

“Đối với người chưa thành niên (CTN) vi phạm pháp luật phải có cái nhìn nhân bản. Nếu chúng ta quan điểm như bây giờ thì ngày xưa có khi tôi cũng bị bỏ tù rồi”. Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ đã chia sẻ như trên tại cuộc hội thảo nghiên cứu sự cần thiết xây dựng hệ thống tư pháp CTN ở Việt Nam, do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 13-7.

“Nỡ nào bỏ tù học sinh lớp 12?”

PGS-TS Trần Văn Độ chia sẻ: “Hồi 13-14 tuổi chăn trâu, tôi cũng trộm cắp, hái mít, hái trái cây của nhà này, nhà kia. Rồi cũng dàn trận đánh nhau, lấy đá ném nhau bươu đầu sứt trán. Nhưng các bậc cha mẹ chỉ đơn giản nghĩ đây là việc vui vẻ của trẻ con nên cha mẹ, anh chị nhắc nhở một vài câu thôi. Chứ bây giờ như vậy đã coi là vi phạm pháp luật, mà đã vi phạm thì phải xử phạt, thậm chí bêu xấu trẻ con trước cộng đồng. Nếu nhìn nhận như thế thì tôi đã không thể trở thành trung tướng, là cán bộ…”.

Ông Độ cho hay ở nhiều nước, ban đầu tòa gia đình và người CTN sẽ xem xét với vi phạm như vậy thì xử lý trẻ phi hình sự hay bằng biện pháp tư pháp. Nếu bằng con đường tư pháp thì CQĐT, VKS mới bắt đầu vào cuộc. Trong khi ở Việt Nam thì phân hóa sau, công an cứ bắt, giam, VKS truy tố, sau đó tòa án xét xử. Khi đã bị tạm giam rồi thì tức là người CTN sẽ bị đuổi học, vì thế sau đó tòa án xử lý thế nào cũng vô nghĩa.

Ông Độ dẫn chứng sự việc một em học sinh lớp 12 tát CSGT bị khởi tố tội chống người thi hành công vụ. Khi ông gọi điện thoại cho lãnh đạo tòa quận hỏi xem thế nào thì được báo cáo: “Thủ trưởng ơi, bọn em xử chín tháng tù rồi”. Tiếp tục liên lạc với chánh án TAND TP thì nhận được trả lời: “Anh ơi, bọn em xử rồi, giảm ba tháng tù, còn tù sáu tháng..”. Ông Độ thốt lên: “Trời ơi, em ấy đang học lớp 12, làm sao để em ấy được đi học thành người chứ bỏ vào tù thì cuộc đời coi như mất. Tôi nói xong thì vị chánh án đó cho biết luôn em học sinh đó đã bị đuổi học sau khi bị khởi tố”.

 

Một phiên tòa xét xử bị cáo là người chưa thành niên tại TP.HCM. Ảnh minh họa: SONG NGUYỄN
Một phiên tòa xét xử bị cáo là người chưa thành niên tại TP.HCM. Ảnh minh họa: SONG NGUYỄN)

Chính sách riêng bị chi phối

Theo TS Hoàng Anh Tuyên (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, VKSND Tối cao), BLTTHS 2015 đã quy định chặt chẽ căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người CTN phạm tội. Luật cũng rút ngắn thời hạn tạm giam đối với người CTN bằng 2/3 thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên.

Ông Tuyên đánh giá quy định này nhằm đẩy nhanh quá trình giải quyết vụ án. Nó còn tránh những hậu quả tiêu cực có thể ảnh hưởng đến các em do phải tách khỏi môi trường gia đình, gián đoạn việc học hành, cũng như nguy cơ tái phạm do phải tiếp xúc với những ảnh hưởng xấu từ những người bị giam, giữ khác. Nhưng thủ tục này vẫn tuân theo quy định chung của BLTTHS và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 và chưa phù hợp với yêu cầu của Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Liên quan đến công tác xét xử người CTN, ThS Nguyễn Văn Tùng (Trưởng phòng Pháp luật hình sự, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TAND Tối cao) cho biết là chưa thống nhất. Lý do là chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí để quyết định xét xử kín hay xét xử công khai. Thực tế không ít trường hợp cùng là người CTN nhưng tòa này cho rằng cần xử kín, tòa khác lại bảo phải xử công khai. Cạnh đó, việc có xử lưu động những vụ án có bị cáo là người CTN hay không cũng là vấn đề gây tranh cãi...

“Thực tiễn xét xử thời gian qua cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng (đặc biệt là HĐXX) phải chịu sức ép rất lớn của dư luận, truyền thông dẫn đến có trường hợp áp dụng hình phạt quá nặng, có khi lại quá nhẹ, tạo ra sự không thống nhất trong chính sách hình sự đối với người CTN” - ông Tùng nói.

Cạnh đó, có khi cơ quan tiến hành tố tụng không chỉ định người bào chữa cho người CTN. Chỉ đến khi sang giai đoạn xét xử, tòa án mới phát hiện, trả hồ sơ, CQĐT mới mời người bào chữa để hợp lý hóa các chứng cứ, bản cung trước đây. “Nếu người bào chữa có tâm, có dũng khí thì sẽ không đồng ý ký vào những bản cung để hợp lý hóa và đề nghị thực hiện theo đúng quy định của BLTTHS. Nhưng vì nể nang, e ngại, sợ ảnh hưởng đến công việc sau này nên họ vẫn ký...” - ông Tùng nói.

Cần đạo luật về tư pháp cho trẻ em?

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, việc xử lý người CTN có hành vi vi phạm pháp luật nằm rải rác ở nhiều lĩnh vực, văn bản khác nhau. Do đó để có sự thống nhất trong chính sách xử lý và bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người CTN, ông đề xuất cần xây dựng một đạo luật về tư pháp người CTN. Ý kiến này cũng được ông Hoàng Anh Tuyên tán thành.

Ông Trần Văn Độ thì đề xuất cần phải có một quan điểm thống nhất, tổ chức các CQĐT thân thiện, công tố thân thiện, khắc phục tình trạng hiện nay cơ quan nào cũng muốn tiện cho mình, không nghĩ đến người CTN.

Ông Độ cũng đề cập tới những bất cập của hệ thống trường giáo dưỡng hiện nay. Tòa án tuyên đưa người CTN vào trường giáo dưỡng thì bị kháng cáo xin phạt tù cho hưởng án treo, bởi cả cha mẹ lẫn bị cáo đều cho rằng vào trường giáo dưỡng khiến trẻ hư thêm chứ không tốt lên.

“Chúng tôi sang Úc, thấy một trường giáo dưỡng chỉ có bảy em thôi và mỗi em như vậy có năm chuyên gia chăm sóc (giáo dục, tâm lý, thể chất…). Tôi hỏi chi phí có nhiều quá không. Họ nói không vì chục cháu này lấy chồng, lấy vợ đẻ ra vài chục người khác, nếu chúng ta giáo dục tốt thì thế hệ sau tốt lên, còn làm xấu đi thì thế hệ sau xấu đi” - ông Độ nói và “chốt” lại: “Công lý đắt đỏ lắm thưa quý vị nhưng phải thực hiện vì có được công lý có được con người tương lai”.

Không còn cách nào mới bắt giam

Không trẻ em nào bị tước quyền tự do một cách bất hợp pháp hoặc tùy tiện. Việc bắt, giam giữ hoặc bỏ tù trẻ em phải được tiến hành phù hợp với pháp luật và chỉ được coi là biện pháp cuối cùng, áp dụng trong thời hạn thích hợp ngắn nhất.

Trích Công ước của Liên Hiệp Quốc
về quyền trẻ em năm 1989

Theo PLO

Link nội dung: https://phaply.net.vn/thu-tuong-gap-mat-cac-truong-co-quan-dai-dien-viet-nam-o-nuoc-ngoai-2-a168203.html