Những vụ bắt cóc, giết hại và xâm hại trẻ em đã bước vào văn chương với nhiều tác phẩm nổi tiếng, gây ám ảnh độc giả.
Hình hài yêu dấu - Alice Sebold
Vào ngày 6/12/1973, cô bé Susie Salmon 14 tuổi sống tại bang Pennsylvania, trong một lần đi tắt qua cánh đồng ngô đã bị người hàng xóm George Harvay bắt cóc, cưỡng bức và giết hại, xác cô bé bị giấu trong tầng hầm. Linh hồn cô bé lạc vào cõi hư vô giữa thiên đường và thực tại. Khi chứng kiến cảnh gia đình suy sụp trong việc tìm kiếm mình, Susie mới thấu hiểu được nỗi đau của người thân, những người làm cha, làm mẹ.
Hình hài yêu dấu (tựa gốc Lovely bones) không chỉ thành công trong việc lột tả tâm lý các nhân vật, mà còn nhận được sự ủng hộ của độc giả khi lên án những kẻ bắt cóc và giết người hàng loạt. Susie không phải là nạn nhân đầu tiên và duy nhất của Harvey, lời kể của cô bé dẫn dắt chúng ta đến căn hầm tăm tối của hắn, nơi chứa đầy những xác chết của các cô gái trẻ, của những phụ nữ đơn thân và cả những bà lão cao tuổi.
Năm 2009, Hình hài yêu dấu được đạo diễn nổi tiếng của Chúa Nhẫn Peter Jackson dựng thành phim với sự tham gia của các diễn viên Saoirse Ronan, Mark Wahlberg và Stanley Tucci. Dù nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhưng bộ phim vẫn có tên trong đề cử hạng mục Diễn viên Nam phụ xuất sắc nhất cho Tucci trong vai kẻ giết người Harvey.
Khúc cầu hồn - John Hart
Khúc cầu hồn là một câu chuyện ám ảnh người đọc kể về cậu bé 13 tuổi Johnny quyết tâm đi tìm sự thật đằng sau vụ mất tích người em gái song sinh của mình. Cầm trong tay tấm bản đồ và chiếc xe đạp cũ, cậu lần theo những nơi em đi qua, em ghé lại, em có thể đến trên khắp toàn bang.
Không chỉ trải qua nỗi đau mất con, mẹ Johnny còn bị bỏ lại khi người chồng đi xa không thấy quay về, và giờ đây, nếu Johnny cứ mãi mải mê tìm kiếm em gái, đến một ngày bà cũng sẽ đánh mất nốt người thân duy nhất còn lại. Sự thật chỉ được hé lộ ở cuối truyện, một sự thật hiển nhiên, tàn nhẫn, và vô cùng đau xót.
Năm 2010, cuốn sách đã giành giải Edgar cho tiểu thuyết xuất sắc nhất năm. Du hành giữa tội ác và lòng trắc ẩn, giữa niềm tin và hy vọng, độc giả có quyền trông chờ và thỏa mãn lòng mong mỏi qua ngòi bút của John Hart trong Khúc cầu hồn.
Cô gái Brooklyn - Gullaume Musso
Tháng 5/2008, báo chí Pháp đăng tin cô bé 14 tuổi Claire Carlyle mất tích, được cho là bị bắt cóc bởi một người đàn ông lạ mặt. Cảnh sát rơi vào bế tắc khi không có một chút manh mối nào để tìm cô. Cho đến khi một vụ hỏa hoạn xảy ra tại căn nhà của một kiến trúc sư, người ta mới tìm thấy dấu vết của Claire cùng xác của 3 cô gái trẻ bị thiêu cháy là Lousie, Camille và Chloe.
Kẻ bắt cóc Heinz Kieffer được cho là một nhân vật có sự nghiệp thành công, sở hữu một văn phòng kiến trúc nổi tiếng, chưa từng xuất hiện tiền án nào trong hồ sơ cảnh sát. Sự việc dấy lên tiếng vang truyền thông lớn khi đề cập đến những con quỷ đội lốt người, hay cảnh sát liệu đã làm tròn bổn phận khi không thể tìm thấy dấu vết của các cô gái trong suốt nhiều năm trời.
Nhưng Cô gái Brooklyn của Musso không chỉ đơn thuần kể lại vụ án, cuốn sách còn là hành trình vượt qua nỗi đau mất con của các bậc phụ huynh. Những người quyết tâm đi tìm sự thật cho dù sự thật có trần trụi và tàn khốc đến nhường nào, và những người muốn che đậy toàn bộ sự việc, giữa hai phe đối đầu đó, ai sẽ chiến thắng?
Do Not Become Alarmed - Maile Meloy
Do Not Become Alarmed là cuốn sách mới nhất của nữ nhà văn Maile Meloy phát hành vào tháng 6/2017 kể về vụ mất tích 6 người con khi 3 gia đình quyết định đi du lịch tại vùng Trung Mỹ. Chỉ vì một phút sơ sẩy, một khoảnh khắc tính toán sai, những đứa trẻ đã biến mất không còn một dấu vết.
Cuốn sách được kể lại bằng cả lời của cả những đứa trẻ và các bậc phụ huynh, mỗi người mang trong mình suy nghĩ khác nhau về sự việc. Cha mẹ, người đã quá quen với kiểm soát con cái, đổ tội cho nhau và cho chính mình. Trong khi những đứa trẻ lại bất lực khi khám phá ra những thứ chúng không bao giờ có được.
Do Not Become Alarmed là câu chuyện lên án những ảo tưởng liên quan đến sự an toàn và quyền lực của cha mẹ. Đến cuối cùng, họ nhận ra rằng việc lạc mất một đứa con là chuyện “xảy đến mọi lúc và mọi nơi trên thế giới, nhưng con người ta vẫn phải tiếp tục sống. Cha mẹ không thể chỉ ngã vật xuống sàn và khóc lóc suốt cuộc đời còn lại được.”
Peter Pan - J. M Barrie
So với các cuốn sách trên, Peter Pan có lẽ là câu chuyện tươi sáng nhất kể về cậu bé không bao giờ lớn Peter và ba đứa trẻ nhà Darling khám phá vùng đất kỳ diệu Neverland. Peter Pan luôn yêu thích những câu chuyện kể mà cô bé Wendy dành cho hai cậu em trước giờ đi ngủ nên đã mời cả ba chị em đến thăm nơi cậu đang sống cùng với những đứa trẻ đi lạc tại Neverland.
Nhưng nếu để ý kỹ câu chuyện, ba chị em Wendy đã bỏ nhà ra đi mà không để lại bất cứ lời nhắn nào cho cha mẹ các em, và rời đi bằng cách bay trên bầu trời nhờ “niềm tin và chút bột tiên”. Ông bà Darling đã lo lắng đến phát điên khi thấy những người con biến mất không một dấu vết, ngày ngày ngồi trước cửa sổ chờ mong ba người con trở về.
Peter Pan là một cuốn sách thiếu nhi kinh điển của nước Anh và cậu bé Peter là một biểu tượng cho giấc mơ không bao giờ mất của các em nhỏ. Nhưng hơn thế nữa, cuốn sách không chỉ dậy lên niềm tin, hy vọng mà còn là tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ dành cho con cái khi họ nhận ra việc lạc mất con đau khổ đến nhường nào.
Câu chuyện về cậu bé Peter Pan của J. M Barrie là một trong những ý tưởng được khai thác rộng rãi nhất, bao gồm phim hoạt hình năm 1953, bộ phim điện ảnh năm 2003 và vô số những series phim truyền hình, các tác phẩm ăn theo, kịch, sách ngoại truyện,...
Theo ZIng
Link nội dung: https://phaply.net.vn/5-cuon-sach-noi-tieng-ve-nhung-vu-bat-coc-a168171.html