Theo chuyên gia, Hà Nội ngập lụt là do quy hoạch không đồng bộ, đường cống cũ. đến nay chưa được cải tạo nhiều.
Quy hoạch thiếu đồng bộ
Năm 2000, UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án thoát nước Hà Nội với mục tiêu chống ngập cho các quận nội thành nằm trong lưu vực sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 550 triệu USD.
Theo tiến độ, đến 2005 dự án sẽ hoàn thành, tuy nhiên do triển khai chậm, ngoài đội vốn thêm gần 100 triệu USD, đến cuối năm 2016 dự án mới hoàn thành (chậm 12 năm).
Mùa mưa năm 2017 là mùa mưa đầu tiên sát hạch mức độ hiệu quả của dự án, nhưng dù mưa lớn hay nhỏ, đường Hà Nội vẫn ngập nặng.
Lý giải điều này, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng có sự ngược chiều giữa quy hoạch và dự án.
"Nếu tay phải Hà Nội lập dự án thoát nước thì tay trái lại phá nó bằng cách quản lý quy hoạch lung tung.
Chẳng hạn, dự án thoát nước người ta tính nước chảy từ nơi nọ ra nơi kia nhưng trong quá trình làm dự án, những đường chảy đó lại bị tắc nghẽn vì việc xây dựng các dự án mới thiếu cân nhắc, người thực hiện cũng không chu đáo, không có trách nhiệm. Hệ quả, gây ngập cục bộ ở từng khu vực", TS Phạm Sỹ Liêm nói.
Ông nhấn mạnh, theo đúng nguyên lý thì Hà Nội phải phát triển theo quy hoạch, mà như thế có nghĩa không phải chỉ bố trí đất đai xây dựng mà toàn bộ hạ tầng phải đi theo.
Trong khi đó, GS.TSKH Trần Hữu Uyển, nguyên Viện trưởng Viện Cấp thoát nước Việt Nam, cho hay, hệ thống thoát nước Hà Nội được tính cho chu trình mưa 10 năm và khi ấy, các hệ thống kênh mương, đường cống phải đảm bảo.
"Tình trạng ngập lụt ở Hà Nội là do quy hoạch của Thành phố không đồng bộ, đường cống cũ, xây dựng từ thời Pháp thuộc, chưa được cải tạo bao nhiêu.
Thực chất dự án thoát nước Hà Nội chưa làm hết được các yêu cầu mà hiện trạng thoát nước đặt ra, trong đó việc chậm tiến độ chỉ là một phần", GS.TSKH Trần Hữu Uyển nhận xét.
Vị chuyên gia chỉ rõ, có nhiều nguyên nhân gây úng ngập. Thứ nhất, tình hình úng ngập thế nào, cống có không? Nếu cống không có thì phải thiết kế.
Thứ hai, cống có đủ khẩu độ hay không? Nếu cống không đủ khẩu độ thì phải mở rộng.
Thứ ba, việc bố trí giếng thu nước mưa có đủ hay không? Nếu không đủ thì phải bố trí thêm. Trong những trận mưa lớn thời gian qua ở Hà Nội, công nhân có mở nắp giếng ra cho nước chảy vào không?
Thứ tư, về mặt quản lý: Hàng năm phải thau rửa, vét hết bùn trong cống, liệu quản lý có làm việc đó không? Nếu đường kính cống từ 1-2m, trong cống đầy cát, bùn thì 2-3 năm phải được nạo vét 1 lần.
"Như vậy, muốn khi mưa không ngập nữa thì Hà Nội phải khảo sát tìm được nguyên nhân.
Chẳng hạn, có rất nhiều tuyến cống, lưu vực của mỗi tuyến phục vụ cho diện tích nào? Khi mưa cống nào bị ngập, khả năng thoát nước của cống đó có còn hay không? Nếu khả năng không còn thì phải cải tạo lại.
Trong dự án thoát nước Hà Nội không hề đả động đến những trường hợp này. Dự án chủ yếu chỉ làm thông mương mà không xét đến các ống cống.
Dự án chưa giải quyết hết được tất cả vấn đề. Sai lầm lớn của dự án là không xét tổng thể vấn đề", nguyên Viện trưởng Viện Cấp thoát nước Việt Nam nhấn mạnh.
Đừng làm như thầy bói xem voi
GS.TSKH Trần Hữu Uyển chỉ rõ, ở các nước có quy hoạch tổng thể, đầy đủ, đường cống được thiết kế đảm bảo yêu cầu. Ví dụ, quy định cho quy trình mưa 10 năm hoặc 20 năm, nếu vượt chu kỳ thì ngập, còn trong chu kỳ thì không ngập.
Điều cơ bản là các quốc gia bảo vệ đường cống sạch sẽ, không có bùn lắng trong cống.
"Ông cha ta có câu "Thượng điền tích thủy, hạ điền khan", vấn đề thoát nước của Hà Nội cũng vậy. Trong thành phố cống tắc nhiều, nước không chảy ra được, trong khi sông Tô Lịch lại không có nước để chảy.
Đấy là do cách quản lý. Đối với Hà Nội hay các đô thị mới, phải xét nguyên nhân úng ngập là gì? Việc này không khó, chẳng qua người ta có chịu làm hay không", GS Uyển lưu ý.
Về phần TS Phạm Sỹ Liêm, ông đề nghị khi dự án thoát nước đã qua thử thách một mùa mưa, UBND TP Hà Nội nên tiến hành tổng kết, đánh giá xem dự án được gì, chưa được chỗ nào, sai sót ở đâu?
"Tôi nghĩ một dự án lớn như vậy, tác động quan trọng như vậy thì Hà Nội nên bỏ công tổng kết, có nhược điểm gì thì khắc phục.
Đặc biệt, phải có cái nhìn tổng quát về tình hình ngập úng của Hà Nội và chính UBND TP Hà Nội hay Bộ Xây dựng cần đứng ra chủ trì, tập hợp chuyên gia xem xét cẩn thận, đừng để từng chuyên gia nói như thầy bói xem voi", TS Phạm Sỹ Liêm nói.
Theo Bao Datviet
Link nội dung: https://phaply.net.vn/500-trieu-usd-chong-ngap-ha-noi-tay-phai-tat-tay-trai-a168152.html