Luật sư hàng đầu thuộc Tòa án Công lý châu Âu, ông Maciej Szpunar ngày 4/7 cho rằng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có thể cấm dịch vụ đặt xe của hãng Uber mà không cần thông báo với Ủy ban châu Âu (EC).
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Uber đóng trụ sở tại San Francisco (Mỹ) khẳng định, hãng không phải là một hãng vận tải mà chỉ là một nhà cung cấp dịch vụ kết nối trực tiếp giữa những người lái xe tự do với người có nhu cầu đặt xe, giúp giảm giá cước so với các hãng taxi truyền thống.
Nhiều ý kiến phản đối và các đối thủ cạnh tranh của Uber cho rằng lập luận trên của Uber thực chất là để bào chữa cho hành động trốn thuế, do đó một số quốc gia, đứng đầu là Pháp, mới đây đã ra lệnh cấm dịch vụ đặt xe giá rẻ UberPop.
Trong một động thái phản đối lệnh cấm trên, chi nhánh Uber tại Pháp cho rằng trước khi đưa ra quyết định, lẽ ra nhà chức trách Pháp cần phải tham vấn EC. Tuy nhiên, luật sư Maciej Szpunar nhấn mạnh trên thực tế, Uber đã và đang hoạt động với vai trò của một công ty vận tải thông thường, bởi vậy tất cả các quốc gia EU đều có thể chủ động điều chỉnh các hoạt động của hãng này mà không cần thông báo trước với EC.
Viện dẫn ý kiến được đưa ra hôm 11/5 vừa qua về một trường hợp liên quan chi nhánh Uber tại Tây Ban Nha, luật sư Szpunar cho rằng UberPop không phải là một công ty cung cấp dịch vụ thông tin và cho dù Tòa án Công lý châu Âu có thừa nhận chức năng này của Uber, thì các nước thành viên EU chỉ có nghĩa vụ thông báo với EC nếu các nước này có hành động cụ thể và có chủ đích đối với nhà cung cấp dịch vụ thông tin. Tuy nhiên, những hệ quả từ lệnh cấm của các quốc gia trên đối với trường hợp của Uber rất mơ hồ và chưa thể tính toán chi tiết.
Giới chức Pháp đã ra lệnh cấm Uber hoạt động trên lãnh thổ nước này kể từ năm 2015 sau khi các lái xe taxi truyền thống tiến hành biểu tình. Tuy nhiên, Uber đã đệ đơn khiếu nại lên EC, phản đối Pháp và một số quốc gia khác khi cho rằng lệnh cấm của các nước này đối với Uber đã vi phạm luật của EU.
…nhưng cũng đối mặt nhiều bê bối pháp lý
Uber thành lập vào năm 2009 tại California (Mỹ), chuyên cung cấp dịch vụ cho khách hàng sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh trực tiếp kết nối với lái xe và được trả một mức giá rẻ hơn so với các hãng taxi truyền thống.
Trước khi thành lập và biến Uber trở thành startup giá trị nhất như hiện nay, Travis Kalanick từng thất bại với 1 startup, ăn mỳ tôm khởi nghiệp và giờ anh lại bị buộc rời khỏi vị trí lãnh đạo của công ty do chính mình sáng lập. Năm 2008, Kalanick nảy ra ý tưởng về Uber khi không thể bắt được xe taxi tại Paris trong lúc tham gia một cuộc hội thảo về công nghệ tại đây.
Cùng lúc đó, một người bạn của Kalanick là Garrett Camp cũng có ý tưởng tương tự. Năm 2013, Uber nhanh chóng trở thành lực lượng đông đảo, "hung hãn" tại hàng chục thành phố khác nhau trên thế giới. Giá trị của công ty tăng lên 3,4 tỷ USD.
Kể từ khi đi vào hoạt động, Uber đã mở rộng dịch vụ của mình tới hơn 450 thành phố tại 76 quốc gia trên toàn thế giới, mang tới nhiều lựa chọn mới cho cả người dùng và người lái taxi. Tuy nhiên, hãng cũng đối mặt với nhiều phản đối từ các doanh nghiệp taxi vì cho rằng hình thức taxi này không tuân thủ các quy tắc của taxi truyền thống. Nhiều nước cũng đã ra lệnh cấm dịch vụ taxi giá rẻ này.
Bên cạnh đó, hãng cũng vướng vào nhiều vụ kiện cáo khác. Một người phụ nữ ở bang Illinois (Mỹ) đã nộp đơn kiện Uber nói rằng tài xế của hãng đã ve vãn cô này và công ty cũng bị cấm hoạt động tại New Delhi, Ấn Độ sau khi tài xế của hãng hiếp dâm hành khách.
Năm 2016, Uber vướng vào 2 vụ kiện cáo của 2 tài xế tại California và Massachusett khi những người này nói rằng họ yêu cầu phía công ty coi mình là nhân viên. Trong khi đó phía Uber khăng khăng rằng nhiều tài xế lại muốn làm việc kiểu tự do hơn. Đỉnh điểm là tháng 1/2017, một cựu kỹ sư Uber là Susan Fowler đã công khai trên trang blog cá nhân về những bê bối tình dục xảy ra trong công ty này…/.
Theo Bao Phapluat
Link nội dung: https://phaply.net.vn/dich-vu-taxi-uber-doi-mat-nhieu-be-boi-phap-ly-a167990.html