(Pháp lý) - LTS: Cụm từ “đúng quy trình” thời gian gần đây thường xuất hiện khi quan chức, người có trách nhiệm biện minh về những điều mà dư luận cho là bất bình thường, bất minh. Không ít vụ việc lúc đầu được cho là đúng quy trình, sau khi được thanh tra cho thấy dường như quy trình là chỗ núp của những sai phạm, tiêu cực. Cùng Pháp lý và các chuyên gia pháp luật nhìn lại một số vụ việc được cho là đúng quy trình và mổ xẻ, phân tích những vấn đề pháp luật trong đó.
Bài 1: Dân nghi ngại khối tài sản lớn của quan chức liệu có đúng... “quy trình”?
Dinh thự rộng mênh mông của Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái. Những biệt thự tiền tỉ trúng đấu giá của toàn quan chức ở Lào Cai . Hàng trăm tỉ đồng là khối tài sản của gia đình một vị Thứ trưởng Bộ Công thương… là những việc nổi cộm về tài sản quan chức thời gian gần đây khiến người dân rất quan tâm. Trả lời dư luận về các khối tài sản này, các quan chức đều nói có được, hoặc đã kê khai đúng quy định, đúng quy trình.
Đất dinh thự rộng mênh mông: Mua và được cấp đúng quy trình…?
Thời gian gần đây, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, kết quả kiểm tra của Thanh tra Bộ Nội vụ về tình trạng “cả họ làm quan” ở 9 địa phương, trong đó có tỉnh Yên Bái, cho thấy trường hợp ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái được bổ nhiệm khi chưa đủ điều kiện. Được biết, ông Phạm Sỹ Quý (SN 1971) được thăng chức Giám đốc Sở TN-MT ngày 9/9/2016.
Trước khi làm Giám đốc Sở, ông Quý đã có nhiều năm làm Phó Giám đốc Sở TN-MT kiêm Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Yên Bái.
Khi những “lình xình” trong việc bổ nhiệm nhân sự ở Yên Bái còn chưa lắng xuống, dư luận tiếp tục ngỡ ngàng khi báo chí thông tin về độ hoành tráng của một số căn dinh thự tiền tỷ ở tỉnh nghèo này. Trong đó có dinh thự của gia đình ông Quý rộng khoảng 2,5 ha tọa lạc ở một vị trí đắc địa tại TP Yên Bái, gồm một ngôi biệt thự 3 tầng thiết kế kiểu giật tam cấp, lưng tựa núi, có mặt tiền hướng ra hồ nước.
Đáng chú ý, ngoài cơ ngơi "siêu khủng" tọa lạc trên vị trí đắc địa, thông tin về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại khu vực này cũng khiến những người hay chuyện nghi ngại. Theo báo chí thông tin, chỉ trong vòng 1 ngày (20/7/2015), 6 quyết định liên tiếp đã được ông Nguyễn Yên Hiền (Phó Chủ tịch UBND TP.Yên Bái) ký để chuyển đổi hơn 13.000m2 đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở cho gia đình ông Quý. Người đứng tên sở hữu là vợ ông Quý - bà Hoàng Thị Huệ, sinh năm 1975, thường trú tại tổ 51, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái.
Theo ông Quý, vợ ông làm kinh doanh và có tài sản riêng của cá nhân cùng với mấy người chị em trong gia đình. Ông khẳng định, khu đất được cấp từ năm 2015 và mọi việc đều hoàn toàn theo đúng trình tự luật định. Là người trực tiếp kí các quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ông Nguyễn Yên Hiền, Phó chủ tịch UBND TP Yên Bái cho biết: “Quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch của UBND tỉnh Yên Bái. Quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã được các cơ quan chuyên môn của thành phố thẩm định chặt chẽ, đúng quy trình cụ thể như phòng TNMT, phòng QLĐT, phòng Đăng ký đất đai đã thẩm định toàn bộ hồ sơ từ việc gia đình bà Huệ có đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đến việc hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với người xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Thanh tra Chính phủ hiện đã vào cuộc thanh tra nguồn gốc tài sản của gia đình ông Giám đốc Sở này. Ngoài vấn đề quy trình thì một vấn đề mà dư luận mong được làm rõ đó là khối tài sản của gia đình ông Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường ở đâu mà có?
Cần làm rõ việc kê khai tài sản có trung thực không?
Theo báo chí thông tin, ông Phạm Sỹ Quý (Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Yên Bái) kê khai, gia đình ông đang sở hữu nhà thứ nhất tại Tổ 51 phường Minh Tân (công trình cấp 3) có diện tích xây dựng 600 m2 và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu; Nhà thứ hai tại khu chung cư Mandarin Garden (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) rộng trên 130 m2 với giá trị tại thời điểm xây dựng là 2,5 tỷ đồng và đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Ngoài ra, gia đình ông Quý có nhà tạm diện tích xây dựng 150 m2, giá trị 200 triệu đồng; sở hữu mảnh đất 1.000 m2 trị giá 500 triệu đồng; trang trại diện tích 2 ha giá trị 1 tỷ đồng và đang sử dụng một ô tô Camry.
Đáng chú ý hơn, trong bản kê khai tài sản, thu nhập năm 2016, ở phần thông tin “Tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền cho vay, tiền gửi các cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mà tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên” và “các khoản nợ phải trả có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên (nếu có)”, ông Phạm Sỹ Quý đều khẳng định: “Không có”. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí chiều ngày 29/6, ông Quý lại cho biết gia đình ông đã vay ngân hàng 20 tỷ đồng, vay mượn tiền của nhiều bạn bè để xây dựng khu dinh thự hoành tráng (?!).
Quan chức tỉnh Lào Cai trúng đấu giá nhà đất tiền tỉ: Tất cả đều đúng quy trình ?
Là một vụ việc khác, cũng ở vùng cao nhưng là ở Lào Cai. Cả 6 lô biệt thự ở vị trí đắc địa bậc nhất Lào Cai sau đấu giá đều thuộc quyền sở hữu, sử dụng của gia đình quan chức tỉnh. Mỗi lô đất có diện tích từ 400 đến hơn 600m2, tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 2.700m2, được quy hoạch giống như một hòn “đảo nhỏ”, phía trước là đường An Dương Vương nhìn ra sông Hồng, phía sau là đường Soi Tiền, hai phía bên đều có đường chạy qua, trong đó có lô biệt thự sở hữu tới 3 mặt phố.
Theo Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai: Giá đất khởi điểm đưa ra đấu giá được căn cứ trên bảng giá đất do tỉnh ban hành và đã được HĐND tỉnh thông qua trước đó. Sau đó hội đồng giá đất, Sở Tài chính và các ngành liên quan khảo sát thị trường giao dịch của vị trí đất sẽ đấu giá. Trên cở sở bảng giá đất và căn cứ vào vị trí, hạ tầng, kinh tế của vị trí đất sẽ xác định giá đấu giá lô đất rồi trình lên hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh.
Ngày 14/4/2014, đơn vị chức năng liên quan phê duyệt giá đấu giá khởi điểm. Gần hai tháng sau, ngày 18/6/2014, phê duyệt kết quả trúng đấu giá. Quá trình đấu giá lần 1 thì trong 6 lô chỉ có 5 lô trúng đấu giá, 1 lô còn lại không có giao dịch. Giá trúng giá cả 5 lô đều cao hơn giá khởi điểm. Đến năm 2015, lô còn lại mới có người đấu giá thành công với giá cao hơn nhiều so với giá khởi điểm là 15 triệu đồng/m2. Việc đấu giá có sự tham gia của nhiều người, cụ thể, lô BT01 có 3 người tham đấu giá, lô BT2 có 3 người, lô BT3 có hai người tham gia, lô BT4 có hai người tham gia, lô BT5 có 4 người tham gia, lô BT6 có 6 người tham gia…
Trong quyết định phê duyệt, lô BT01 diện tích 418,6 m2 giá khởi điểm là 10,5 triệu đồng/m2, tổng giá trị khởi điểm lô đất là 4.395.300.000 đồng, kết quả trúng đấu giá lô đất là 4.442.300.000 đồng (tương đương 10,6 triệu đồng/m2). Lô BT02 420,8m2 giá khởi điểm 9,5 triệu đồng/m2, tổng giá trị khởi điểm lô đất là 3.997.600.000 đồng. Giá trúng đấu giá 4.037.600.000 đồng (tương đương 9,59 triệu đồng/ m2).
Riêng lô BT4 đấu giá năm 2015, rộng 409,5m2, giá khởi điểm 15 triệu đồng/m2, tổng giá trị khởi điểm lô đất là 6.142.500.000 đồng, kết quả trúng đấu giá lô đất là 6.150.500.000 đồng (tương đương 15.019.000 đồng/m2, cao hơn giá khởi điểm đúng… 19.000 đồng).
Về việc dư luận đặt câu hỏi đấu giá thế nào mà toàn quan chức của tỉnh trúng, ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh trả lời: “Người ta có tiền người ta đấu trúng, có thể rất ngẫu nhiên, tôi làm sao trả lời được.
Đấu giá công khai minh bạch, giá cả được phê duyệt đàng hoàng, ai trúng thì được vào thôi”.
Các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai cho rằng đã làm đúng quy trình, gồm cả các quy định pháp luật và trình tự thực hiện. Thế nhưng dư luận vẫn có nhiều băn khoăn sau sự kiện này. Dân thường có tiền liệu có trúng được đất như quan chức không? Quan chức với mức lương hiện tại thì bao nhiêu lâu ðủ tiền để đấu giá biệt thự ?...
Tài sản trăm tỉ của gia đình Thứ trưởng: đúng quy trình, đúng luật ?
Trước đó chưa lâu, dư luận nghi ngại về khối tài sản khủng của gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa tại Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (DQC). Bà Thoa được biết đến là Thứ trưởng Bộ Công thương. DQC tiền thân là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, bắt đầu cổ phần hóa từ năm 2005 và trải qua nhiều lần mua đi bán lại cổ phần, đến nay Nhà nước không còn nắm giữ cổ phần nào tại DQC nữa. Tháng 9/2014, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hoàn tất thoái vốn nhà nước tại DQC với hơn 3,9 triệu cổ phiếu trị giá 179 tỉ đồng, đánh dấu việc cổ phần hóa hoàn toàn Điện Quang.
Bà Hồ Thị Kim Thoa từng có nhiều năm công tác tại DQC. Mặc dù đã rời Công ty Điện Quang về công tác tại Bộ Công Thương từ năm 2010 với chức danh Thứ trưởng nhưng bà Thoa vẫn sở hữu 1,68 triệu cổ phiếu tại doanh nghiệp này. Không chỉ vậy, những thành viên khác trong gia đình bao gồm em trai, em dâu và hai con gái của bà hiện tại vẫn nắm giữ vị trí cao và sở hữu khối tài sản lớn không kém tại Bóng đèn Điện Quang. Với việc nắm giữ hơn 11,78 triệu cổ phiếu DQC, gia đình bà sở hữu khối tài sản lên tới hơn 718 tỷ đồng tại Bóng đèn Điện Quang.
Với 18 năm công tác tại DQC và 5 năm cuối làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, đến năm 2010, bà Thoa được bổ nhiệm lên làm Thứ trưởng Bộ Công thương. Thời gian đầu làm Thứ trưởng, bà Thoa được phân công phụ trách Vụ Công nghiệp nhẹ – là đơn vị quản lý trực tiếp Công ty bóng đèn Điện Quang.
Trả lời những câu hỏi xung quanh vấn đề nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tranh thủ quá trình cổ phần hóa để thâu tóm cổ phần của doanh nghiệp và khối tài sản khủng của gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa tại DQC là ví dụ, ông Đặng Quyết Tiến – Cục Phó Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, trong Luật phòng, chống tham nhũng đã có quy chế, quy định về việc công khai, minh bạch tài sản. Cán bộ, viên chức làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước nếu xảy ra trường hợp thu nhập, tài sản bất ngờ gia tăng đều phải công khai, minh bạch tài sản, thu nhập để kiểm tra xem nguồn thu nhập, tài sản đó có nguồn gốc chính đáng hay không.
“Việc lãnh đạo của doanh nghiệp không trực tiếp mua cổ phần nhưng con cháu của họ lại tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp, điều này luật không cấm. Con cháu họ hoàn toàn có thể bỏ tiền túi để mua. Nhưng nếu là cán bộ Nhà nước, cần phải công khai thông tin, tiền lương, thu nhập. Ví dụ, thu nhập chỉ có 100 triệu đồng mà sau một năm sở hữu khối tài sản tới hàng chục tỉ thì không được”. Và ông Đặng Quyết Tiến khẳng định: “Không hề có lỗ hổng trong quá trình cổ phần hóa. Thời điểm bà Thoa mua cổ phần của DQC là thời kỳ khuyến khích mọi người mua cổ phần, những Đảng viên, lãnh đạo doanh nghiệp phải gương mẫu đi đầu trong việc này. Còn sau thời kỳ đó, mọi việc diễn biến ra sao chúng ta cần kiểm tra từng bước một. Hiện tại các cơ quan chức năng đang tiến hành thanh tra, kiểm tra. Sau khi có kết quả chúng tôi sẽ công bố”.
Nhiều phát ngôn của các lãnh đạo có chuyên môn đều khẳng định quá trình thâu tóm cổ phần của bà Thoa là đúng quy trình, không sai luật. Tuy nhiên, dư luận vẫn băn khoăn về khối tài sản lớn của gia đình bà Thứ trưởng? Cần thanh tra và làm rõ toàn bộ quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp này để tìm ra sự thật về khối tài sản lớn của bà Thứ trưởng.
Còn nhớ trước đây vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải và lùm xùm từ những vụ cả họ làm quan ở nhiều địa phương ban đầu bị phát giác đều được trả lời là đúng quy trình, nhưng sau đó được kiểm tra, thanh tra rốt ráo thì sự thật không phải vậy...
Phan Minh (tổng hợp)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/quy-trinh-va-phap-luat-bai-1-dan-nghi-ngai-khoi-tai-san-lon-cua-quan-chuc-lieu-co-dung-quy-trinh-a167884.html