"Cha và con" là cuốn sách tập hợp 44 bài viết của những người con về cha nổi tiếng và không nổi tiếng của họ.
Những dấu ấn, những ký ức nghèo khó mà thấm đẫm tình người của một thời kỳ gian khó được khơi dậy, sống động như mới hôm qua. Và nổi bật nhất trong mạch cảm xúc chung ấy là những hồi ức nhiều day dứt, tiếc thương của người con về người cha đã đi xa của họ.
Tập sách nhiều tác giả, được chủ biên bởi PGS, Tiến sĩ Lưu Khánh Thơ, cũng là một người con viết về cha - nhà viết kịch Lưu Quang Thuận trong cuốn sách. Đây là cuốn sách công phu khi tập hợp và mời gọi được nhiều bài viết, hồi ức của những người con về những người cha nổi tiếng như vậy.
Có thể kể các cặp cha con tiêu biểu như nhà văn Nguyên Hồng - dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư, Giáo sư Hoàng Tuệ - nhà văn Bảo Ninh, Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ - đạo diễn Đặng Nhật Minh, nhà thơ Chế Lan Viên - nhà văn Phan Thị Vàng Anh.
Hay có thể kể đến nhà văn Hữu Mai - nhà thơ Hữu Việt, Nhà thơ, nhà hoạt động sân khấu Thế Lữ - đạo diễn sân khấu Nguyễn Đình Nghi, Họa sĩ, nhạc sĩ Văn Cao - họa sĩ Văn Thao, nhà văn Nguyễn Đình Thi - nhà văn Nguyễn Đình Chính, giáo sư Hoàng Ngọc Hiến - tiến sĩ văn học Hoàng Tố Mai, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận - tiến sĩ Lưu Khánh Thơ, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - MC Lưu Minh Vũ, nhạc sĩ An Thuyên - ca sĩ Bông Mai, nghệ sĩ cải lương Thanh Tòng - Quế Trân.
Trong số đó cũng có những người cha bình thường: ông nông dân, ông giáo làng, người cán bộ xã mẫu mực... nhưng những hồi ức về người cha của những đứa con không vì thế mà kém phần thiêng liêng, nếu không nói là chứa nhiều nỗi xót xa về những giấc mơ dang dở của đấng sinh thành.
Di sản tinh thần của những người cha
Trong những dòng hồi ức về cha mình là Giáo sư - bác sĩ Đặng Văn Ngữ, đạo diễn Đặng Nhật Minh viết: “Lòng yêu thương vô bờ bến đối với con người, sự gắn bó máu thịt với số phận của đất nước, của nhân dân... là những di sản tinh thần mà cha tôi để lại cho con cháu trong gia đình, ngoài ra không có gì khác”.
Giáo sư - bác sĩ Đặng Văn Ngữ, người ngã xuống ở tuổi 57 trong một trận ném bom khi đang vào chiến trường ác liệt miền Trung để nghiên cứu vắc xin chống sốt rét cho bộ đội và ấp ủ hy vọng được gặp người mẹ sau nhiều năm xa cách.
Với dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư, những hồi ức về người cha - nhà văn nổi tiếng Nguyên Hồng - làm sáng tỏ những giai thoại và tính cách mà các nhà văn thế hệ trước hay nói về ông.
“Cha tôi coi việc viết văn thiêng liêng còn hơn cả một tôn giáo. Trước khi ngồi vào bàn viết, ông chuẩn bị rất cẩn thận, các bạn văn của ông gọi đó là 'dọn ổ đẻ'. Ông trải chiếu ra nền nhà, cái bàn viết bằng gỗ nhỏ nhắn, chân thấp được sắp xếp gọn gàng. Giấy viết, bút, nghiên mực, mà mực thường là mực tím, đôi khi ông còn đặt thêm một quả khế hay quả ổi lên bàn”, dịch giả viết.
Nhà văn Nguyên Hồng cũng để lại cho cô con gái những cảm xúc ấm áp khi nghĩ về ông: “Cha tôi là thế, rất xởi lởi, hồ hởi với mọi người. Từ con người ông tỏa ra một tình người nồng ấm, tươi trong. Ông hạnh phúc, bởi mặc dù phải trải qua bao nhiêu “tình cảnh, đoạn đời”, nhưng ông đã sống và làm việc đúng như mình muốn. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông cũng luôn là chính mình”.
Có những cặp cha con lại vừa đồng nghiệp và thậm chí họ gần như sống cùng nhau trong suốt gần một thế kỷ. Đó là cha con Thế Lữ - Nguyễn Đình Nghi.
Thế Lữ hơn con trai của ông 27 tuổi và sau đó hai cha con cùng hoạt động trong lĩnh vực sân khấu. Ông hay xưng với con trai là “cậu” và gọi tên con là “Nghi”. Ông thường nói với đạo diễn sân khấu Nguyễn Đình Nghi rằng: “Trong cuộc sống thì không được phép ngạc nhiên nhưng nghệ thuật thì ngược lại. Phải luôn luôn tưởng tượng, bay bổng, đặt ra cho mình và cho người xem mọi tình huống không tưởng tượng nổi...”.
Đôi khi người cha nổi tiếng ở ngoài xã hội lại là ông bố giản dị, yêu thiên nhiên và tự tay chăm bón những cây hoa trái quanh nhà, như một ông nông dân thứ thiệt.
Nhà văn Phan Thị Vàng Anh viết về cha mình - nhà thơ Chế Lan Viên - rằng: “Người ngoài ít ai biết rằng cha tôi lại có thể làm những công việc li ti như vậy, còn chúng tôi vì quá quen với những công việc li ti ấy, nên lại thường không biết cha tôi có thể làm được những việc lớn như thế nào”.
Những hồi ức của nhà văn Bảo Ninh về cha, Giáo sư ngôn ngữ học Hoàng Tuệ thì đẹp và cổ điển như cuốn phim đen trắng về Hà Nội những ngày gian khó. Trước khi vào chiến trường miền Nam, lần đầu tiên Bảo Ninh được cha anh dắt vào một quán cà phê "chui" trên ngõ Cấm Chỉ.
Anh viết: "Lần đầu tiên tôi bước vào quán cà phê và cũng là lần đầu tiên thưởng thức cà phê một cách đúng điệu đàn ông. (...) Mọi khi đừng nói bia bọt với cà phê, nước trà ba tôi cũng nghiêm khắc cấm tiệt tôi. Vậy mà bữa ấy cả thuốc lá ông cũng cho phép. Bóc một gói Tam Đảo bao bạc, ông đưa mời tôi, như mời một người bạn bởi ngày mai tôi đã là anh bộ đội nên với ba kể từ đây tôi là người lớn thực thụ, còn hơn thế, là người mà ông có thể chia sẻ tâm sự".
Chiến tranh kết thúc, anh là người may mắn trở về. Anh mang nhiều thư của các đồng đội quê Hà Nội. Cha của anh, như năm xưa, vẫn lọc cọc lấy xe đạp chở anh đi giao đúng 20 bức thư ở 20 địa chỉ khác nhau trong thành phố. Rồi trên đường về nhà, cha con ghé vào chợ Hàng Lược chọn một cành đào. Bảo Ninh viết: "Từ năm 1965 qua 10 năm chiến tranh, tới Bính Thìn Tết ấy trong gia đình chúng tôi mới có lại giỏ hoa thủy tiên, chậu cúc, cành đào".
Rồi sau đó nữa, Giáo sư Hoàng Tuệ, ông bố cần mẫn và lặng lẽ tiếp tục chở Bảo Ninh trên chiếc xe đạp lọc cọc ấy đi thăm họ hàng và bạn bè đồng nghiệp của ông. Trong đoạn kết, Bảo Ninh viết: "Về sau, cũng vậy, tôi viết văn trước nhất là do thấm thía từ ba tôi tình yêu tiếng Việt. Cầm bút viết văn đó thực sự là tôi đang đi trên con đường của ba”.
Hình ảnh một ông bố giáo sư, trước và sau chiến tranh, vẫn chở cậu con trai trên chiếc xe đạp lọc cọc đến nhà các đồng nghiệp thế hệ của ông khiến tôi cay mắt. Một thứ tình phụ tử đẹp đẽ và cao cả, truyền dạy tình yêu nghề đến con trai một cách nhẹ nhàng, giản dị, để rồi cuối cùng Bảo Ninh nhận ra anh đang trên con đường của cha anh.
Và niềm day dứt của những đứa con
Ngoài những di sản tinh thần của những người cha để lại cho những đứa con, mạch cảm xúc để lại nhiều xúc động và sự day dứt là tình cảm, sự truyền dạy, sự ảnh hưởng của những người cha lên những đứa con.
Thứ tình cảm phụ tử vừa thiêng liêng cao đẹp vừa giản dị gần gũi ấy có thể chạm vào cảm xúc của bất cứ ai khi đọc nó. Nó cũng làm sống lại những giá trị tinh thần giản dị và đẹp đẽ của người Việt một thời chưa xa, vốn đang bị mai một và bị đời sống vật chất làm biến dạng.
Trong bài viết về cha mình, Tiến sĩ Lưu Khánh Thơ (con gái của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và em gái của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ) chia sẻ một hồi ức: “Vào thời gian cuối đời bộ đội, anh Vũ tôi gặp một số điều trục trặc. Cha tôi viết thư động viên anh: Con là con trai lớn của bố mẹ. Con ra đời gặp sóng gió, bố mẹ rất đau lòng".
"Nhưng bố mẹ mong mỏi và tin rằng con sẽ vượt qua. Mỗi lần vấp ngã là một lần rút bài học cho mình. Cốt nhất là con không được buông xuôi, không được chán nản. Việc in ấn con đừng ngại, đừng sốt ruột. Vẫn phải tin, vẫn phải làm việc, vẫn phải hy vọng, ngay cả trong những lúc mà chỉ sống thôi cũng đã là việc khó khăn".
Thử hỏi có đứa con nào đọc những lời gan ruột từ thư cha như thế này mà có thể buông bút hay từ bỏ đam mê của mình nữa là Lưu Quang Vũ!
Gần đây trên mạng lan truyền một bức thư tay của Lưu Quang Vũ viết cho Xuân Quỳnh. Tôi nghĩ bức thư tay dạt dào tình cảm đó phần nào cũng do anh ảnh hưởng từ tình cảm của người cha dành cho mẹ anh.
Trong hồi ức của Lưu Khánh Thơ, chị viết: "Cha tôi đã dành cho mẹ tôi một tình yêu hết sức trẻ trung và mãnh liệt. Những bức thư cha viết cho mẹ thật nồng nàn và cảm động: Khánh ơi, nếu anh nhớ không sai thì chính vì Quán Thăng Long mà em đã đủ mức cảm tình để nhận lời anh khi anh hỏi em làm vợ. Anh nhờ ngòi bút mà có được em".
"Anh chỉ cậy vào ngòi bút mà làm cho em lo ít vui nhiều. Hạnh phúc lớn nhất của đời anh, có lẽ là được mở trang giấy ngồi viết bên cạnh em, và đêm khuya mỏi vai mệt đầu được xếp giấy bút lại mà gối đầu lên tay em. Đêm nay anh tâm sự với em, và phút bỗng tìm ra một điều giản dị: em là người tri kỷ hiểu anh nhất trên đời. Và nếu kiểm kê tài sản của đời anh, chắc chắn em là cái gì quý giá nhất mà anh đã tìm được và suốt đời yêu quý mãi".
Trong hầu hết tập sách Cha và con này, thứ tình cảm trĩu nặng nhất, day dứt nhất là khi người cha ra đi, để lại cho những đứa con một khoảng trống không gì bù đắp được. Hầu hết bài hồi ức đều viết về người cha đã chết, hầu hết đều tiếc thương vô hạn, hầu hết đều để lại cho họ những ký ức đẹp nhưng buồn và nhạy cảm nhất, dễ rung động nhất.
Nhà thơ Lưu Quang Vũ viết về sự ra đi của người cha của mình:
"... Cha chẳng thích thói yếu mềm khóc lóc
Sợ cha không vui, con chẳng dám khóc nhiều
Nhưng lúc này đây cho con được ngồi bên
Bát chè xanh con rót đặt trên bàn
Nén hương này con thắp
Sau làn khói xanh mờ
Con như thấy chập chờn bóng ngựa trắng buổi chiều xưa
Bay trên đồi cỏ biếc
Một dòng sông nắng chói chảy về xa
Cha vẫn còn kia như sông nước hiền hòa
Vẫn ở quanh con như ánh sáng trong nhà
Trong mỗi chúng con, trong mỗi ngày con sống
Trong hoa trái của cuộc đời bất tận
Ngỡ cha gọi ngoài kia
Như chiều ấy ghé về
Đồi cỏ mờ sương khói
Cha mở cửa: áo ướt đầm mưa núi
Nụ cười vui như ngọn lửa hồng"
7 năm sau, anh cũng ra đi trong một tai nạn thảm khốc cùng người vợ là nhà thơ Xuân Quỳnh và cậu con trai út của họ, để lại cho cậu con trai cả những day dứt, những nỗi nhớ khôn nguôi.
Tình cảm của nhà thơ Hữu Viết viết về cha, nhà văn quân đội Hữu Mai cũng đầy cảm động, nhưng có lẽ cảm động nhất là bài Thơ dâng cha của anh trước ngày ông mất:
"Ngồi và nắm tay cha suốt đêm dài
Có lẽ đây là lần đầu tiên con được nắm tay cha lâu đến thế
Cha còn dành cho con bao nhiêu đêm nữa, hở cha?
Những ngón tay gõ hàng ngàn trang sách!
Nâng cha trên tay thấy mỗi ngày mỗi nhẹ
những thớ cơ nhão ra, tan biến vào vô hình
(...)
Cha là tuyến một, cha là đê bao, là cột nhà khi gió bão
Đêm nay con ngồi đếm từng nhịp thở của cha
Không còn giật mình, không còn tiếng rên
Chỉ có mênh mông lặng im
Cho đến khi ngày mới bắt đầu".
Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên cũng nhớ về cha với niềm day dứt và niềm tiếc thương đôi lúc khiến chị không dám đối mặt. Mẹ của chị mất sớm, người cha, mới ngoài tuổi 40, một mình ở vậy để nuôi 4 đứa con gái lít nhít mà không chịu đi bước nữa, bởi như ông nói, “không ai thay thế được mẹ của các con”. Câu chuyện chị kể về sự hy sinh của người cha có thể khiến bất cứ trái tim chai đá nào cũng phải chảy nước mắt.
Sự day dứt, đau đớn, tiếc thương người cha luôn nằm đâu đó trong lồng ngực, trong một ngăn kéo được giữ kín của những đứa con, chỉ chực chờ một kỷ niệm vừa tới, một hình ảnh gợi nhớ, là nước mắt lại giàn dụa chảy ra, như nhà văn Nguyễn Trương Quý viết về cha anh – một người bố giản dị và làm công việc bình thường.
Anh khóc khi đọc tập truyện ngắn Người lính kèn về làng của Trần Quốc Huấn lúc đang ở trên máy bay, trong đó một truyện ngắn có một chi tiết khiến anh xúc động, và nó “như một công tắc điện, bật lên và khiến tôi khóc”.
Những người cha, vì thế, là hình bóng luôn ở đâu đó trong tâm tưởng của những đứa con và đồng thời là kim chỉ nam trên con đường đời của họ. Trong dòng hồi ức viết về người cha của mình, ca sĩ Hà Anh Tuấn, người có lẽ là trẻ nhất trong tập sách, viết: “Tôi sẽ còn cả một đời để thương nhớ người sinh ra mình và cũng sẽ còn cả một đời để làm người tử tế”.
Theo zing
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tinh-cha-con-cua-nhung-nguoi-noi-tieng-viet-nam-a167846.html