Xây dựng Luật An ninh mạng, tạo cơ sở pháp lý để phòng chống tấn công, khủng bố, chiến tranh mạng…

Hàng năm, hệ thống mạng thông tin nước ta phải chịu hàng ngàn cuộc tấn công mạng, gây thiệt hại nghiêm trọng tới an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, khủng bố mạng nổi lên như một thách thức toàn cầu, không gian mạng đã trở thành môi trường cho các tổ chức khủng bố quốc tế hoạt động tuyên truyền, tuyển lựa, huấn luyện và chỉ đạo hoạt động…

Khẩn trương xây dựng luật

Đây là nhận định được Bộ Công an đưa ra trong Tờ trình Dự thảo Luật An ninh mạng. Thực tế cho thấy, hoạt động tấn công mạng đang có sự gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm. Vì vậy, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra, một số đại biểu đã đề nghị khẩn trương xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đề nghị chuyển Luật An ninh mạng theo chương trình sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 sang cho ý kiến tại kỳ họp 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 6. Theo ông Hiểu, an ninh mạng hiện nay đang là vấn đề toàn cầu, có thể gây ra những hiểm họa khôn lường cả về an ninh, cả về chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Đai biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) và đại biểu Triệu Tuấn Hải (Lạng Sơn) cũng cho rằng, dự kiến Luật An ninh mạng được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 là quá lâu, trong khi tình hình an ninh mạng ở nước ta hiện nay đang diễn biến rất phức tạp và là vấn đề cấp bách, cần được ưu tiên. Đề xuất này của các đại biểu đã được Quốc hội chấp thuận, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Đánh giá về tình hình an ninh mạng hiện nay, cơ quan soạn thảo cho biết, mặc dù Luật An toàn thông tin mạng đã quy định về ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, nhưng về bản chất “an toàn thông tin mạng là sự bảo vệ thông tin, hệ thống thông tin trên mạng tránh bị truy nhập, sử dụng, tiết lộ, gián đoạn, sửa đổi hoặc phá hoại trái phép nhằm bảo đảm tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng của thông tin” nên hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng chỉ phát huy được vai trò bảo đảm tính toàn vẹn của thông tin, hệ thống thông tin, chứ không ứng cứu được các tác nhân gây hại tồn tại sẵn bên trong hoặc do chủ thể khác tác động.

 Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm phát biểu tại cuộc họp Ban soạn thảo Luật An ninh mạng. ảnh: mps.gov.vn
Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm phát biểu tại cuộc họp Ban soạn thảo Luật An ninh mạng. ảnh: mps.gov.vn)

Cấm soạn thảo tài liệu bí mật Nhà nước trên thiết bị kết nối internet

Đáng quan tâm, hiện nay, hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật không được khắc phục, trong khi nhận thức của cán bộ, nhân viên còn nhiều hạn chế, chưa nhận thức được mức độ cần thiết của công tác an ninh mạng. Vì vậy, hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước đang là đối tượng của hoạt động tấn công mạng, nhiều vụ lộ, lọt bí mật Nhà nước đã xảy ra, tình trạng đăng tải thông tin, tài liệu bí mật Nhà nước trên mạng internet vẫn còn tồn tại. Do đó, đặt ra yêu cầu triển khai công tác bảo vệ an ninh mạng và lực lượng bảo vệ an ninh mạng từ Trung ương đến địa phương.

Về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Luật An ninh mạng quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung công tác an ninh mạng, hoạt động bảo đảm triển khai công tác an ninh mạng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng không gian mạng và bảo vệ an ninh mạng của Việt Nam. Mọi hoạt động bảo vệ an ninh mạng phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân và bảo vệ an ninh mạng là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, công dân.

Tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng không gian mạng phải chịu trách nhiệm với hoạt động trên không gian mạng của mình. Không được sử dụng công nghệ, kỹ thuật, tạo ra mã độc nhằm mục đích thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; không bán hoặc cung cấp thông tin cá nhân trái pháp luật hoặc chưa được sự đồng ý của người sở hữu thông tin, không cài đặt các chương trình độc hại hay có chứa các nội dung bị cấm đăng, phát tán…

Theo dự thảo, mọi hành vi cố ý xâm nhập vào hệ thống mạng thông tin hoặc phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức Nhà nước theo sự chỉ đạo của nước ngoài để chiếm đoạt bí mật Nhà nước, thành tựu khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ hoặc hoạt động tình báo, phá hoại chống Nhà nước đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định về Tội gián điệp trong Bộ luật Hình sự.

Để bảo đảm an ninh mạng, Dự luật nghiêm cấm soạn thảo, lưu trữ thông tin, tài liệu thuộc bí mật Nhà nước trên máy tính kết nối internet hoặc các thiết bị khác có kết nối internet. Bộ Công an có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá an ninh mạng đối với các thiết bị, sản phẩm, dịch vụ thông tin liên lạc, thiết bị kỹ thuật số, thiết bị điện tử trước khi đưa vào sử dụng tại cơ quan Nhà nước.

Theo  PL&XH

Link nội dung: https://phaply.net.vn/xay-dung-luat-an-ninh-mang-tao-co-so-phap-ly-de-phong-chong-tan-cong-khung-bo-chien-tranh-mang-a167395.html