'Máu lạnh' - từ thiên báo chí xuất sắc đến tiểu thuyết bậc thầy

Một tác phẩm báo chí nhưng luôn được nhớ đến như một tiểu thuyết ly kỳ bậc nhất.

Câu chuyện hoàn toàn có thật

Một ngày mùa đông năm 1959, bốn người trong một gia đình traị chủ ở vùng Kansas bị giết hại dã man. Hơn một tháng sau đó, cảnh sát đã bắt được hai nghi phạm là Richard “Dick” Hickock và Perry Smith tại Las Vegas. Chỉ sau một thời gian ngắn thẩm vấn, hai kẻ tình nghi đã thú nhận tội giết người.

Vụ thảm sát năm ấy gây chấn động cả nước Mỹ, người dân mong ngóng từng thông tin mới nhất về vụ án. Chính sự tò mò cũng đã thúc đẩy Truman Capote đi đến hiện trường và điều tra sự việc.

Capote cùng người bạn thuở ấu thơ là Harper Lee, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Giết con chim nhại, đã lái xe đến vùng Holcobm, Kansas hỏi từng hộ gia đình trong vùng, cảnh sát và điều tra viên phụ trách vụ án, thu thập được hơn 8.000 trang tư liệu.

 Tác phẩm Máu lạnh của nhà văn Truman Capote.
Tác phẩm Máu lạnh của nhà văn Truman Capote.)

Thành quả của cuộc điều tra này là một series gồm bốn bài báo dài kỳ đăng trên tờ The New Yorker. Các bài báo sau này được tập hợp thành cuốn sách mang tựa đề Máu lạnh (In Cold Blood) kể lại toàn bộ chi tiết vụ án cũng như lật ngược lại hoàn cảnh và số phận, con đường dẫn đến tội ác của hai tên sát nhân. Cuốn sách được độc giả đón nhận và say mê từng dòng chữ dù hung thủ được công bố từ những trang đầu tiên.

Khi viết cuốn Máu lạnh, Truman Capote không chỉ là một nhà văn, nhà báo mà còn là một điều tra viên, một thám tử say mê sự thật. Dù đây là một tội ác không thể tha thứ, nhưng ông không lên án hai kẻ sát nhân mà thay vào đó cho độc giả thấy được góc khuất cuộc đời của họ.

Không phải là những câu hỏi lặp đi lặp lại “Ai đã làm việc này?” hay “Bao giờ hung thủ bị bắt?” mà là động lực gì đã thúc đẩy họ gây án, điều gì đã khiến họ giấu kín tội ác của mình. Mất 6 năm để thu thập tư liệu và các bài phỏng vấn, Capote cuối cùng cũng hoàn thành cuốn sách vào khoảng thời điểm Hickock và Smith bị hành quyết vào năm 1965.

 Tác giả Truman Capote và người bạn thân, nhà văn Harper Lee.
Tác giả Truman Capote và người bạn thân, nhà văn Harper Lee.)

Truman Capote sinh năm 1924, được biết đến như một nhà văn, nhà báo và nhà biên kịch nổi tiếng của nước Mỹ. Sinh ra ở New Orleans nhưng sau đó Capote chuyển đến sống tại Alabama, nơi ông đã để lại ấn tượng sâu sắc với người bạn tâm giao Harper Lee đến độ nhân vật Dill trong Giết con chim nhại được cho rằng xây dựng từ chính hình ảnh của Capote.

Ngoài tác phẩm Máu lạnh nổi tiếng, Truman Capote còn là tác giả của Bữa sáng ở Tiffany’s, một cuốn sách mang phong cách hoàn toàn khác biệt với lối viết của ông, nhưng lại phản ánh chân thật những vấn đề nhức nhối trong lòng xã hội Mỹ những năm 1960. Cuốn sách sau này được chuyển thể thành phim đưa tên tuổi của nữ diễn viên Audrey Hepburn vụt sáng trở thành minh tinh màn bạc Hollywood.

Ký ức tên sát nhân: Sự thật đằng sau cuốn sách

Cuốn sách của Truman Capote có lẽ không phải là câu chuyện duy nhất về vụ thảm sát tại Kansas. Theo như cuộc điều tra sau đó bởi tờ Wall Street, một trong hai tên sát nhân, Hickcock cũng đã ghi chép lại hồi ức trong những ngày ở trong tù và gửi cho nhà báo Mack Nations. The High Road to Hell của Hickock gồm hơn 200 trang viết tay đã bị nhà xuất bản từ chối khi đã đồng ý phát hành cuốn sách của Capote.

Điều tra của tờ Wall Street cũng cho thấy Hickcock và Nations thậm chí còn hoàn thành cuốn sách trước Truman Capote và chính Capote cũng biết về sự việc này. Nhưng bản thảo của The High Road to Hell đã hoàn toàn biến mất một cách bí ẩn, nội dung cuốn sách này không bao giờ được công khai khi Hickcock bị treo cổ vào năm 1965, Nations ba năm sau đó cũng qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi.

 Richard Hickock (bên trái) và Perry Smith bị treo cổ vì tội giết hại gia đình Clutter vào ngày 15/11/1959.
Richard Hickock (bên trái) và Perry Smith bị treo cổ vì tội giết hại gia đình Clutter vào ngày 15/11/1959.)

Câu chuyện của Hickock có một vài phần hơi khác biệt so với những gì Capote đã viết. Ngay từ khi thẩm vấn, Perry Smith cũng chỉ thừa nhận giết hai trong số bốn người, nhưng hắn đã nhận tội giết bốn người vì cảm thấy tội lỗi với mẹ của Hickock. Tuy nhiên, Richard Hickock khẳng định Smith đã giết cả bốn người trong gia đình nạn nhân. Nhưng trong quá trình truy tìm bằng chứng, các điều tra viên đã không thể xác minh tính chân thật trong câu chuyện của Hickock.

Suy cho cùng, Truman Capote không hề bịa đặt câu chuyện xảy ra vào đêm kinh hoàng hôm ấy, ông trung thành với mọi tình tiết của vụ án và những cuộc phỏng vấn cư dân quanh vùng. Ông khẳng định dù mình không trực tiếp nhìn thấy vụ án cũng như những cuộc điều tra thẩm vấn lúc bấy giờ nhưng tất cả các chi tiết ông viết đều là sự thật.

Trong các cuốn sách tội phạm luôn có ít nhất một vị anh hùng tỏa sáng, sắm vai anh hùng lần này là Alvin Dewey, thanh tra trưởng của cục cảnh sát Kansas và cũng là bạn lâu năm của gia đình bị ám sát. Truman Capote đã nâng hình ảnh của công lý lên bởi lẽ đó là những gì người dân Mỹ muốn thấy và muốn đọc. Họ có thể quan tâm đến những kẻ giết người và những tên tội phạm, nhưng điều họ mong chờ hơn cả là công lý được thực thi, người dân muốn tin tưởng vào chính quyền của mình một lần nữa.

Cuốn sách của thời đại

Được coi là cuốn sách tội phạm bán chạy thứ hai mọi thời đại (chỉ sau Helta Skelter của Vincent Bugliosi), Máu lạnh là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà làm phim. Cuốn sách đến nay đã ba lần được chuyển thể thành phim và một series phim truyền hình.

Bộ phim cùng tên năm 1967 tái hiện lại vụ án tại Kansas nhận được bốn đề cử giải Oscar bao gồm Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất và Nhạc nền phim xuất sắc nhất.

Trong khi đó hai bộ phim Capote (2005) và Infamous (2006) tập trung phác họa hành trình đi tìm kiếm sự thật của Truman Capote và Harper Lee. Capote thậm chí đã mang về tượng vàng Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất và bốn đề cử Bộ phim xuất sắc nhất, Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất.

Ngay từ khi ra mắt, Máu lạnh đã để lại ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc khi tái hiện lại một nước Mỹ hoàng nhoáng nhưng cô độc, xa hoa nhưng buồn tẻ của những năm 1960. Vừa kể lại chân thực vụ án mạng, Capote vừa miêu tả lại cuộc hành trình của Hickock và Smith rong ruổi qua khắp nước Mỹ đến Mexico và quay trở lại.

 Một cảnh trong bộ phim In cold blood (1967) tái hiện lại quang cảnh nước Mỹ lúc bấy giờ.
Một cảnh trong bộ phim In cold blood (1967) tái hiện lại quang cảnh nước Mỹ lúc bấy giờ.)

Người đọc bị choáng ngợp bởi những con đường cao tốc trải dài, những căn nhà trống vắng, những trang trại tĩnh lặng, vùng đất hoang tàn và những thị trấn nhàm chán. Nước Mỹ lúc bấy giờ hỗn loạn với những tên tội phạm nhỏ lởn vởn quanh từ thành phố đến nông thôn, còn giới thượng lưu chỉ biết đến tiệc tùng và tình dục. Thay vì là một cuốn tiểu thuyết đi sâu về tội phạm và bạo lực, có lẽ Capote đề cập đến nhiều hơn sự trống rỗng và cuộc sống vô nghĩa của những con người nhỏ bé trong xã hội.

Đã hơn 50 năm kể từ khi cuốn sách Máu lạnh của Truman Capote ra đời nhưng độc giả vẫn coi trọng và đánh giá cao những nỗ lực tìm kiếm sự thật của ông. Nhờ vào thành công vang dội của cuốn sách, Capote đã đưa báo chí lên một tầm quan trọng mới khi người dân mong chờ và tin vào những câu chuyện chính thức được đăng tải hơn là những lời đồn thổi ngoài lề.

Theo Zing

Link nội dung: https://phaply.net.vn/mau-lanh-tu-thien-bao-chi-xuat-sac-den-tieu-thuyet-bac-thay-a167089.html