Độc lập, chủ quyền của một quốc gia có thể bị xâm phạm nếu quốc gia đó bị xem là li tâm với vòng xoáy của bão chống khủng bố...
Kịch bản xâm lược Qatar
Truyền thông quốc tế đưa tin, Ả-rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) , Ai Cập và Bahrain hôm nay, ngày 9/6, đã cùng ra thông báo chung, công bố các cá nhân và tổ chức được cho là trung gian giữa Qatar với các nhóm khủng bố.
Trong thông báo chung mới nhất, Ả-rập Saudi và 3 quốc gia đồng minh đã chỉ trích Qatar theo đuổi các chính sách hai mặt, “vẫn tuyên bố chống chủ nghĩa khủng bố, trong khi vẫn hỗ trợ tài chính và dung dưỡng nhiều tổ chức khủng bố khác nhau”.
Trong thông cáo chung mới nhất “4 nước đã thống nhất liệt 59 cá nhân và 12 tổ chức vào danh sách khủng bố” và những quốc gia anh em của Qatar cho biết sẽ không nương tay trong việc truy lùng những cá nhân và tổ chức này.
Trước đó, các quốc gia vùng Vịnh từng cáo buộc Qatar hỗ trợ các nhóm và giáo phái, như tổ chức Anh em Hồi giáo, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Al-Qaeda, nhằm gây bất ổn cho khu vực.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh đang ngày càng đi vào bế tắc sau khi 9 nước đồng loạt tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Qatar.
Chủ quyền quốc gia của Qatar đang bị đe doạ mà vấn để chỉ xoay quanh khủng bố và cuộc chiến do Mỹ phát động.
Khi những kẻ khủng bố phải đón nhận sự trừng phạt bởi sức mạnh của vũ lực thì những quốc gia chứa chấp hay bị nghi ngờ chứa chấp, hoặc tạo điều kiện cho chúng bám rễ luôn là những nơi đầu tiên nhất hứng chịu sự tàn khốc của bom đạn.
Khủng bố bị tiêu diệt hay bị suy yếu thì chưa dễ được kiểm chứng, nhưng chủ quyền của những quốc gia bị nghi ngờ “đồng phạm” lúc đó không còn được tôn trọng, thậm chí bị tước bỏ, là điều thấy rõ nhất.
CNN ngày 7/10/2001 đã đưa tin, khi Tổng thống G.Bush tuyên bố tấn công Afghanistan thì cũng đồng thời tuyên bố tấn công ở bất cứ đâu mà không hề đặt vấn đề chủ quyền quốc gia ở những nơi mà Washington cho là khủng bố được nuôi dưỡng, dung dưỡng hay ẩn nấp.
Tổng thống Pháp F.Hollande từng tuyên bố sẽ tấn công khủng bố ở khắp mọi nơi, sau khi nước Pháp bị khủng bố tấn công, chủ quyền quốc gia - niềm kiêu hãnh của họ - bị thách thức.
Chủ quyền của những quốc gia “tí hon” như Maldives hay Mauritania sẽ nghiêng ngả chỉ bởi một nguồn tin có vài kẻ khủng bố đang ẩn ấp ở các quốc gia đó và đang lên kế hoạch tấn công một siêu cường nào đó.
Các quốc gia đều lo lắng trước sự hoành hành và biến thể của virut mang tên chủ nghĩa khủng bố, nhưng những “nhược tiểu” còn một nỗi lo thường trực khác là chủ quyền quốc gia sẽ bị tước bỏ bất cứ lúc nào bởi hành động không thể lên án – hành động chống khủng bố.
Một đất nước có thể phải gánh chịu những hậu quả thảm thương vì hành động vô luân của những kẻ khủng bố, nhưng nguy hiểm hơn một quốc gia có thể bị xoá xổ bởi hành động nhân danh chính nghĩa – chống khủng bố.
Bài học Afghanistan, Iraq vẫn còn rất nóng hổi.
Nhiều quốc gia từng phải để sang một bên lợi ích dân tộc, hợp tác chống khủng bố trên quê hương mình theo mệnh lệnh của sức mạnh từ phương trời xa và điều đó góp phần làm suy yếu ngay chế độ của quốc gia mình, làm ảnh hưởng đến sự tồn vong của dân tộc mình.
Các thực thể có nhận thức khác, hướng đi khác, hành động khác trong cuộc chiến chống khủng bố thì có thể phải đối mặt cáo buộc là “đồng phạm”.
Qatar đang nguy ngập trong tình thế như vậy.
Ả-rập Saudi và các đồng minh đã tố giác Qatar đồng phạm với khủng bố và gây nên khủng hoảng nghiêm trọng giữa những người anh em tại Trung Đông, đưa vùng đất nóng vào vòng xoáy của cơn bão này.
Có thể thấy rằng, cuộc chiến chống khủng bố đã đưa các "nhược tiểu" vào tình thế rất nguy hại, đó là có thể trở thành đối tượng bị tấn công của lực lượng chống khủng bố, độc lập chủ quyền có thể bị xâm phạm nếu thực thể đại diện chủ quyền quốc gia đó bị xem là có xu thế li tâm với vòng xoáy cường quốc.
Theo Bao Datviet
Link nội dung: https://phaply.net.vn/khung-hoang-qatar-ai-choi-hai-mat-a166329.html