Những cuốn sách yêu thích của Mark Zuckerberg

Dù rất bận rộn với công việc nhưng ông chủ mạng xã hội lớn nhất thế giới vẫn dành thời gian đọc sách để nâng cao vốn kiến thức và tư duy của mình.

58.1

Why Nations Fail (Daron Acemoglu và James A. Robinson): Tại sao các quốc gia thất bại? là kết quả 15 năm nghiên cứu chuyên sâu của hai nhà kinh tế học hàng đầu nước Mỹ. Ra mắt vào năm 2012, cuốn sách bàn luận về cách các chính quyền sử dụng quyền lực và thao túng chính trường toàn cầu. Trong đó, hệ thống chính quyền được chia thành 2 nhóm: “nhóm kiểm soát” và “nhóm đầu tư”. Tác phẩm đưa ra một quan điểm đáng chú ý: một đất nước kinh tế phát triển chưa chắc đã được coi là “hùng mạnh”. Lý do Zuckerberg yêu thích Why Nations Fail bởi nó giúp anh hiểu thêm sự chênh lệch cán cân kinh tế giữa các quốc gia giàu và nghèo trên thế giới.

58.2
The Rational Optimist, (Matt Ridley): Xuất bản năm 2010, đây có lẽ là tác phẩm nổi tiếng và gây tranh cãi nhất của tác giả Matt Ridley. The Rational Optimist đưa ra quan điểm thị trường là nguồn gốc của sự phát triển loài người và quá trình phát triển này chỉ có thể tiến nhanh nếu thị trường được tự do. Việc con người không ngừng tiến hóa đem lại điều kiện sống tốt hơn. Dù chúng ta cũng gây ảnh hưởng xấu đến khí hậu trái đất và phải đương đầu với nạn bùng nổ dân số. CEO facebook lựa chọn cuốn sách này vì nó đưa ra những quan điểm đối nghịch với Why Nations Fail bằng nhiều phân tích thuyết phục. Nói về 2 cuốn sách Mark chia sẻ: “Tôi tò mò muốn biết ý kiến mọi người sau khi đọc cả 2 tác phẩm này”.

58.3
Portfolios of the Poor (Daryl Collins, Jonathan Morduch, Stuart Rutherford và Orlanda Ruthven): 4 tác giả Daryl Collins, Jonathan Morduch, Stuart Rutherford và Orlanda Ruthven đã dành 10 năm nghiên cứu cuộc sống của tầng lớp nghèo đói nhất tại các nước thuộc thế giới thứ ba là Bangladesh, Ấn Độ và Nam Phi. Một trong những điều quan trọng Portfolios of the Poor đúc kết được là lý do những người dân tại đây không thoát được cảnh nghèo. Họ thiếu trầm trọng những tổ chức tài chính để giúp quản lý và tích trữ tiền tệ. Sau khi đọc cuốn sách, Mark Zuckerberg đã phải thốt lên: “Thật không ngờ rằng đến hơn một nửa dân số thế giới – hơn 3 tỷ người – sống với ngân sách chỉ 2.5USD/ngày hoặc ít hơn. Hơn 1 tỷ người sống chỉ với 1USD/ngày hoặc ít hơn. Hy vọng chúng ta sẽ sớm tìm ra cách hỗ trợ họ”.

58.4
The Structure of Scientific Revolutions, (Thomas S. Kuhn): Được biết đến với vai trò nhà vật lý học lừng danh nhưng Thomas S. Kuhn laị là tác giả của một cuốn sách tâm lý học để đời. Xuất bản lần đầu vào năm 1962, The Structure of Scientific Revolutions đưa ra cái nhìn về lịch sử và phát triển của khoa học, và những ảnh hưởng của nó lên thế giới đương đại. Đây cũng là cuốn sách học thuật được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử. Say mê với công nghệ thông tin nhưng Zuckerberg vẫn đánh giá cao cuốn sách với tầm quan trọng của những bước tiến khoa học cho nhân loại.

58.5
The Three-Body Problem, (Lưu Từ Hân): The Three-Body Problem (Tam thể) xuất bản lần đầu tại Trung Quốc năm 2008. Sách được dịch tiếng Anh năm 2015 và lập tức thắng giải thưởng Hugo Award hạng mục Tiểu thuyết Viễn tưởng xuất sắc. Lấy bối cảnh cuộc cách mạng văn hóa thời Mao Trạch Đông, truyện xoay quanh cuộc chiến đấu giữa loài người trên Trái đất và một chủng tộc người ngoài hành tinh hiếu chiến. Câu chuyện khởi đầu từ việc chính phủ Trung Quốc đã bí mật gửi tín hiệu liên lạc ra vũ trụ. Với ông chủ facebook, tiểu thuyết của Lưu Từ Hân là một tác phẩm giải trí nhẹ nhàng và cần thiết, đem lại giây phút thư giãn so với những chủ đề mang nặng tính chính trị, xã hội đương thời anh thường đọc.

Theo Zing

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-cuon-sach-yeu-thich-cua-mark-zuckerberg-a166272.html