Trách nhiệm hoàn trả của cán bộ gây oan sai: Vì sao hiếm xảy ra ?

(Pháp lý) - Thực tế đã xảy ra không ít vụ oan sai. Nhưng gần hai mươi năm nay, rất hiếm có vụ bồi thường oan sai nào người thi hành công vụ bị buộc trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật. Vì sao vậy ?

Trách nhiệm hoàn trả trong TTHS

Tố tụng hình sự (TTHS) là hoạt động có tính chất đặc biệt mà kết quả của hoạt động này có ảnh hưởng trực tiếp tới sinh mệnh chính trị, danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền tự do thân thể, thậm chí tính mạng của con người. Do đó, để nâng cao trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng (THTT) trong việc giải quyết vụ án hình sự, tránh gây oan sai cho người vô tội, thì ngoài việc bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) theo quy định của pháp luật, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 còn buộc người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại có nghĩa vụ “hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” (Điểm b Khoản 2 Điều 10).

Trước đây, vấn đề này đã sớm được Nhà nước chú trọng và quy định ngay từ Nghị định số 47/CP ngày 03/5/1997 về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra và Nghị quyết số 388/2003/NQ – UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của UBTVQH về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra.

 Ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) – người vừa được minh oan và được Nhà nước bồi thường
Ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) – người vừa được minh oan và được Nhà nước bồi thường)

Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành (có hiệu lực từ 2009 đến nay) cũng như các văn bản hướng dẫn (Nghị định 16/2010 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Thông tư liên tịch số 04/2014 của Liên Bộ Tư pháp – TAND Tối cao – Viện KSND Tối cao về hướng dẫn thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ) thì trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong hoạt động TTHS nói chung và trong các vụ án oan sai nói riêng bao gồm các nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, về căn cứ xác định trách nhiệm hoàn trả: người thi hành công vụ phải có lỗi cố ý gây ra thiệt hại. Theo đó, nếu người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại trong các vụ án oan sai thì không phải chịu trách nhiệm hoàn trả tiền bồi thường của Nhà nước. (Trước đây theo Nghị quyết số 388/2003 của UBTVQH thì xác định người có thẩm quyền trong hoạt động TTHS mà gây oan do lỗi của mình, cả cố ý lẫn vô ý đều có nghĩa vụ hoàn trả).

Thứ hai, về mức hoàn trả: Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại, nhưng chưa đến mức bị truy cứu TNHS thì mức hoàn trả tối đa không quá 36 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả. Cụ thể hơn: Trường hợp số tiền bồi thường thực tế đã chi trả là dưới một trăm (100) triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là ba (03) tháng lương và tối đa không quá mười hai (12) tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả; Trường hợp số tiền bồi thường thực tế đã chi trả là từ một trăm (100) triệu đồng đến dưới năm trăm (500) triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là mười hai (12) tháng lương và tối đa không quá hai mươi bốn (24) tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả; Trường hợp số tiền bồi thường thực tế đã chi trả là trên năm trăm (500) triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là hai mươi bốn (24) tháng lương và tối đa không quá ba mươi sáu (36) tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.

Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu TNHS do việc thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại đó thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

Trường hợp nhiều người thi hành công vụ gây ra thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ liên đới hoàn trả; cơ quan có trách nhiệm bồi thường chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý những người thi hành công vụ gây ra thiệt hại thống nhất xác định mức hoàn trả cho từng cá nhân có nghĩa vụ hoàn trả.

Thứ ba, về trình tự, thủ tục hoàn trả: Thông thường, việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ được tiến hành bởi Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả. Theo đó, sau khi thực hiện xong việc bồi thường của Nhà nước, Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra Quyết định thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả để xác định trách nhiệm hoàn trả, mức hoàn trả đối với người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại. Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả xác định lỗi của người thi hành công vụ trên cơ sở nội dung văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường.

Tuy nhiên trong trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu TNHS thì Tòa án sẽ xác định trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn của họ (tư cách bị cáo) để hoàn trả số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại và sau đó việc thu tiền hoàn trả sẽ áp dụng theo thủ tục thi hành án dân sự.

Thứ tư, xử lý người thi hành công vụ cố ý không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả: Người có nghĩa vụ hoàn trả đã được cơ quan có trách nhiệm bồi thường thông báo đến lần thứ ba về việc hoàn trả mà cố ý không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả thì bị kỷ luật theo quy định của pháp luật. Trường hợp người có nghĩa vụ hoàn trả đã chuyển công tác đến cơ quan khác trong bộ máy nhà nước thì cơ quan nhà nước đó có trách nhiệm đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ hoàn trả và quyết định biện pháp xử lý như trên. Trường hợp người có nghĩa vụ hoàn trả không còn làm việc trong các cơ quan nhà nước thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện các biện pháp thu hồi khoản tiền hoàn trả theo quy định của pháp luật.

Với những quy định khá chặt chẽ, nghiêm khắc nói trên về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại trong hoạt động TTHS, có thể thấy rằng, Nhà nước đã nghiêm túc nhìn nhận tầm quan trọng của việc nâng cao trách nhiệm của những người thực thi pháp luật khi giải quyết vụ án hình sự tránh làm oan người vô tội. Rõ ràng, người của Nhà nước làm sai thì trước hết Nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại nhưng tiền của Nhà nước là tiền thuế của nhân dân, do đó cá nhân người thi hành công vụ làm sai thì phải có nghĩa vụ hoàn trả để bù đắp vào ngân sách nhà nước cũng chính là chịu trách nhiệm trước nhân dân!

Vì sao trên thực tế hiếm thấy cá nhân nào phải hoàn trả ?

Như đã phân tích ở trên, việc quy định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong các hoạt động TTHS là rất cần thiết và có ý nghĩa lớn về mặt pháp luật. Tuy nhiên, các quy định này có phát huy được ý nghĩa đó trên thực tế hay không? Có khả thi hay không? Điều đó sẽ được làm rõ tiếp sau đây:

Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp tại Hội nghị Tổng kết toàn quốc 06 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, xét riêng trong lĩnh vực TTHS, Tòa án các cấp đã thụ lý, giải quyết 38 vụ việc, đã giải quyết xong 32 vụ việc, với số tiền phải bồi thường là 37 tỷ 772 triệu 742 nghìn đồng, trong đó có 7 tỷ 272 triệu 247 nghìn đồng bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), 22 tỷ 977 triệu 183 nghìn đồng bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình), còn 06 vụ việc đang giải quyết; Viện kiểm sát các cấp đã thụ lý, giải quyết đối với 113 trường hợp yêu cầu bồi thường, đã giải quyết xong 93 trường hợp, với tổng số tiền phải bồi thường là 16 tỷ 415 triệu 005 nghìn đồng, còn 20 trường hợp đang giải quyết; Ngành Công an đã thụ lý, giải quyết 11 vụ việc, đã giải quyết xong 7 vụ việc, với số tiền phải bồi thường là 2 tỷ 221 triệu 637 nghìn đồng, còn 04 vụ việc đang tiếp tục giải quyết.

Hai cựu cán bộ tố tụng làm oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn bị xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng vì họ mắc lỗi vô ý nên khó bị truy trách nhiệm hoàn trả tiền bồi thường Nhà nước.
Hai cựu cán bộ tố tụng làm oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn bị xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng vì họ mắc lỗi vô ý nên khó bị truy trách nhiệm hoàn trả tiền bồi thường Nhà nước.)

Theo thông tin mà Phóng viên Pháp lý có được khi làm việc với TANDTC: Trong số các vụ việc bồi thường Nhà nước trong TTHS nói trên, chỉ có 01 vụ việc người thi hành công vụ đã thực hiện trách nhiệm hoàn trả và thuộc ngành Tòa án. Mới đây cũng có thêm 01 vụ việc nữa thuộc ngành Tòa án mà người thi hành công vụ đã thực hiện trách nhiệm hoàn trả. (01 trường hợp ở Sóc Trăng, số tiền: 8.529.000 đồng và 01 trường hợp ở Cà Mau, số tiền: 7.164.400 đồng). Điều đặc biệt ở đây là, 2 vụ việc mà người thi hành công vụ đã thực hiện trách nhiệm hoàn trả nói trên đều được xác định với lỗi vô ý mà không phải cố ý. Về nguyên tắc, theo quy định tại Điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009 quy định trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại với lỗi vô ý trong hoạt động TTHS không phải chịu trách nhiệm hoàn trả. Tuy nhiên, trong 2 vụ việc cá biệt nói trên, để nâng cao trách nhiệm công vụ trong hoạt động TTHS, một số Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả của Tòa án đã yêu cầu Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa ra bản án, quyết định gây thiệt hại phải thực hiện trách nhiệm hoàn trả.

Như vậy, có thể thấy, quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại trong TTHS nói chung và trong các vụ án oan sai nói riêng chưa được áp dụng trên thực tế. (Và dường như quy định “chỉ với lỗi cố ý thì người thi hành công vụ mới phải hoàn trả” là chưa hợp lý khi mà ngay cả Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả của Tòa án ở 2 vụ việc cá biệt trên đã “phá lệ”).
Nhìn lại vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, nhiều người băn khoăn không biết những người làm oan ông Chấn có phải hoàn trả tiền bồi thường của Nhà nước hay không? Điều này có vẻ là khó bởi vì đầu năm 2017, hai cựu điều tra viên và kiểm sát viên bị cáo buộc gây oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt 12 tháng tù và 8 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (tội này có lỗi vô ý). Mặc dù vụ việc chưa ngã ngũ vì còn chờ phiên tòa phúc thẩm nhưng với tội danh nói trên thì về mặt pháp luật là không thể quy trách nhiệm hoàn trả tiền bồi thường của Nhà nước đối với hai bị cáo này.

Mới đây, dư luận cũng lên tiếng cho rằng cần phải yêu cầu những người THTT làm oan ông Huỳnh Văn Nén tại Bình Thuận cũng phải có nghĩa vụ hoàn trả tiền bồi thường cho ngân sách nhà nước và các cơ quan có trách nhiệm cũng đã lên tiếng xác nhận sẽ thực hiện việc yêu cầu này. Nhưng các luật sư trợ giúp pháp lý cho ông Nén cho rằng hiện chỉ mới xác định được cơ quan có cán bộ tham gia gây oan sai chứ chưa xác định cụ thể những cá nhân gây oan sai cho ông Nén. Và hiển nhiên là, khi xác định cụ thể những cá nhân gây oan sai cho ông Nén, thì phải với lỗi cố ý thì họ mới phải chịu trách nhiệm hoàn trả - khả năng này có vẻ cũng rất “mong manh” ?...

Ngoài ra, còn rất nhiều vụ việc oan sai khác như: vụ Lương Ngọc Phi tỉnh Thái Bình, vụ Trần Văn Thêm tỉnh Bắc Ninh, vụ Hàn Đức Long ở Bắc Giang... Nếu cứ áp dụng theo nguyên tắc “có lỗi cố ý mới chịu trách nhiệm hoàn trả” thì có vẻ như sẽ không có vụ việc oan sai nào Nhà nước thu hồi được tiền bồi thường từ những cán bộ tố tụng gây oan sai.

Để khắc phục hạn chế nói trên, Dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (lần Dự thảo mới nhất là lần thứ 6) đã mở rộng phạm vi căn cứ xác định trách nhiệm hoàn trả trong hoạt động TTHS thêm cả trường hợp gây thiệt hại với lỗi vô ý. Theo đó, Dự thảo quy định: “Người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây thiệt hại, thì mức hoàn trả từ 03 đến 05 tháng lương của người đó tại thời điểm có quyết định hoàn trả nhưng tối đa không quá 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường” (Điều 64 Dự thảo).

Thậm chí trong các lần Dự thảo thứ 1 và thứ 2 còn mở rộng đến mức cả trường hợp không có lỗi, người thi hành công vụ gây thiệt hại trong TTHS cũng phải hoàn trả với mức “01 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả”.

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này: Nên hay không nên mở rộng phạm vi về lỗi của người thi hành công vụ gây thiệt hại trong lĩnh vực TTHS? Nếu có thì mở rộng ở mức độ nào? Mức hoàn trả bao nhiêu thì hợp lý để việc thu hồi “khả thi”... Đặc biệt, liệu những người thi hành công vụ có “chùn tay”, có buông xuôi trong nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm, chống cái ác hay không khi họ biết mình không còn được Nhà nước bảo đảm không quy trách nhiệm hoàn trả tiền bồi thường nữa với lỗi vô ý, thậm chí ngay cả khi không có lỗi?

Lan Hương

Link nội dung: https://phaply.net.vn/trach-nhiem-hoan-tra-cua-can-bo-gay-oan-sai-vi-sao-hiem-xay-ra-a165880.html