(Pháp lý) - Hoạt động tố cáo, tố giác tội phạm hiện nay có ý nghĩa lớn đối với phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng. Khi đấu tranh với những vi phạm pháp luật đó, người tố cáo thường ở thế yếu! Để có thể hỗ trợ, động viên người tố cáo, đòi hỏi chính sách pháp luật bảo vệ người tố cáo phải tiếp tục được hoàn thiện và sát thực tế hơn nữa…
Đã có nhiều quy định bảo vệ người tố cáo
Luật Tố cáo lần đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 11/11/2011, có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2012 đã dành Chương V: từ Điều 34 đến Điều 40 để quy định về bảo vệ người tố cáo. Trong đó, Điều 34 của Luật quy định việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện tại tất cả những nơi có thể ảnh hưởng đến người tố cáo, bao gồm: Nơi cư trú, công tác, làm việc, học tập, nơi có tài sản của người cần được bảo vệ hoặc những nơi khác do cơ quan có thẩm quyền quy định.
Cũng theo các quy định trên, đối tượng bảo vệ không chỉ có người tố cáo mà còn cả những người thân thích của người tố cáo như vợ hoặc chồng, con cái, bố mẹ, anh em ruột thịt...; thời hạn bảo vệ do cơ quan có thẩm quyền quyết định tuỳ thuộc vào tình hình thực tế của từng vụ việc, mức độ, tính chất của hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng cần được bảo vệ. Luật xác định trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo thuộc về người giải quyết tố cáo; đồng thời, cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người tố cáo được bảo vệ và các nội dung cơ bản về bảo vệ người tố cáo như bảo vệ bí mật thông tin; bảo vệ tại nơi công tác, nơi làm việc, nơi cư trú; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo.
Triển khai các quy định này của Luật, ngày 03/10/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2012/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành ngày 20/11/2012) quy định các biện pháp bảo vệ người tố cáo và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc bảo vệ người tố cáo. Tiêu biểu phải kể đến là các quy định về bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo trong quá trình tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố cáo.
Theo đó, khi tiếp nhận tố cáo, thụ lý giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải nghiên cứu, xác định nội dung vụ việc, những thông tin nếu tiết lộ sẽ gây bất lợi cho người tố cáo để áp dụng biện pháp phù hợp nhằm giữ bí mật thông tin cho người tố cáo. Trong quá trình giải quyết tố cáo, nếu có yêu cầu làm việc trực tiếp với người tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, người giải quyết tố cáo phải bố trí thời gian, địa điểm và lựa chọn phương thức làm việc phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo.
Trong quá trình giải quyết tố cáo nếu có căn cứ cho thấy có nguy cơ gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người tố cáo, người thân thích của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ) thì người giải quyết tố cáo có trách nhiệm chỉ đạo hoặc phối hợp với cơ quan công an nơi người được bảo vệ cư trú, làm việc, học tập hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ và thông báo cho người được bảo vệ biết. Trường hợp xác định hành vi xâm hại người được bảo vệ đang diễn ra hoặc có nguy cơ xảy ra ngay tức khắc, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải chỉ đạo hoặc phối hợp với cơ quan công an nơi người được bảo vệ cư trú, làm việc, học tập hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền để áp dụng ngay các biện pháp bảo vệ.
Thực tế: Người tố cáo vẫn bị đe dọa, hành hung
Quy định thì rất tiến bộ như vậy, nhưng thực tế thì người tố cáo hiện nay vẫn bị phân biệt đối xử, cô lập, đe dọa, hành hung. Có thể thấy qua nhiều ví dụ cụ thể, như việc y tá Nguyệt trong đấu tranh với sai phạm tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức bị nhắn tin đe dọa, xúc phạm khi đứng ra tố cáo. Hay như vụ việc anh Trần Khắc Mẫn, nhân viên VNPT Đông Hòa - Tây Hòa, tố cáo về sai phạm ở đơn vị mình sau đó bị cô lập, dọa cho nghỉ việc. Cơ quan chức năng kết luận đơn vị này có nhiều sai phạm. Tuy nhiên, VNPT Phú Yên chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với những cán bộ sai phạm. Trong khi đó, anh Trần Khắc Mẫn, người tố cáo lại bị đưa vào danh sách lao động dôi dư, có nguy cơ bị cho nghỉ việc. Từ trường hợp của anh Mẫn, phải chăng quy định bảo vệ người tố cáo nên bao gồm cả việc bảo vệ về việc làm cho người đi tố cáo?
Hay ở Biên Hòa - Đồng Nai, anh Nguyễn Trí Quốc tố cáo Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 (xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu) chuyên xử lý chất thải nguy hại, xả thải gây ô nhiễm môi trường. Sau đó, khi anh Quốc đang ở trong nhà thì có một chiếc ô tô 7 chỗ chạy đến dừng lại phía trước cửa nhà. Lúc này, 6 người lạ mặt trên xe bước xuống, cầm theo đá cục, gậy sắt xông vào đánh anh Quốc, đập phá tủ kính, hàng hóa và các tài sản khác rồi lên ô tô bỏ đi. Anh Quốc được đưa đến Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (TP.Biên Hòa) điều trị, phải khâu 11 mũi ở vùng miệng. Từ trường hợp của anh Quốc, có thể thấy anh vừa bị lộ thông tin, các cơ quan chức năng bị động trong bảo vệ anh. Phải chăng luật cần quy định theo hướng, tăng trách nhiệm và tính chủ động trong việc bảo vệ người tố cáo?
Không chỉ trong tố cáo hành chính, tố cáo hình sự cũng gặp vấn đề tương tự. Quy định tại Nghị định 91/2013/NĐ - CP về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân do Chính phủ ban hành mang tính bảo vệ người tố cáo tội phạm: “Khi nhận được đơn tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, chiến sĩ công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà đơn ghi rõ họ tên, địa chỉ, có chữ ký trực tiếp hoặc điểm chỉ thì người tiếp nhận có trách nhiệm phân loại, xử lý và nếu xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì chuyển đơn tố cáo và các tài liệu liên quan kèm theo (nếu có) cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để xử lý theo pháp luật. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình khi nhận được yêu cầu của người tố cáo hoặc người giải quyết tố cáo hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, Thủ trưởng, cán bộ, chiến sĩ Công an các cấp có trách nhiệm áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo.
Mặc dù có quy định này, nhưng thực tế người tố cáo cũng không được bảo vệ. Ông T.V.K. (46 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) mới đây có đơn tố giác gửi đến cơ quan chức năng về hành vi vi phạm pháp luật của một người tên H. Không hiểu bằng cách nào mà đối tượng bị ông K. tố giác đã có lời lẽ đe dọa, đòi hành hung gia đình ông... và hứa sẽ “xử” hết gia đình ông.
Có thể nói, việc quyền của người tố cáo bị xâm hại, người tố cáo bị hành hung đe dọa là khá phổ biến. Nếu đối chiếu với các quy định hiện tại về bảo vệ người tố cáo thì không thể bảo vệ được người tố cáo.
Bởi lẽ, muốn được bảo vệ, thì người tố cáo phải yêu cầu, sau đó các cơ quan chức năng phải xem xét… Thủ tục hành chính để yêu cầu bảo vệ rất rườm rà. Đồng thời còn thiếu các chế tài với những hành vi vi phạm như cố tình không giải quyết tố cáo, cố ý không bảo vệ người tố cáo, cố tình tiết lộ thông tin người tố cáo…
Kinh nghiệm quốc tế
Một số nước như Hàn Quốc, Mỹ, Canada đã ban hành luật riêng về bảo vệ người tố cáo toàn diện cho cả khu vực công và khu vực tư. Ví dụ Luật Bảo vệ người tố cáo vì lợi ích công (PPIW) của Hàn Quốc áp dụng cho “bất kỳ người nào” tố cáo hành vi vi phạm lợi ích công cộng. Họ coi trọng cơ chế thực thi bảo vệ người tố cáo. Một số nước thiết lập một cơ quan độc lập có quyền nhận và điều tra các khiếu nại về hành động trả đũa, phân biệt đối xử hoặc kỷ luật đối với người tố cáo. Thí dụ ở Mỹ, Luật Bảo vệ người tố cáo 1989 đã lập ra OSC. Ở Canada, Luật Bảo vệ công chức tố cáo (PSDPA) năm 2005 đã thành lập ra Liêm ủy khu vực. Các Ủy viên được trao quyền để nhận và điều tra các khiếu nại về việc làm sai trái và tố cáo bị trả thù. Nếu các vi phạm quyền của người tố cáo được tìm thấy, Tòa án bảo vệ công chức có thể yêu cầu khắc phục và áp đặt các hình phạt. Luật bảo vệ người tố cáo chuyên ngành cũng có thể thành lập các cơ quan cụ thể để nhận tố cáo và giải quyết khiếu nại. Thí dụ, ở Hàn Quốc, một Ủy ban độc lập chống tham nhũng và nhân quyền được trao quyền theo luật để khởi động một cuộc điều tra khiếu nại việc trả thù người tố cáo, người đã tố cáo hành vi phạm tội tham nhũng
Người tố cáo có thể phải đối mặt với những tổn thất về thể chất và tinh thần hay bị ảnh hưởng đến việc làm và điều kiện làm việc. Vì thế, pháp luật các nước thường tập trung bảo vệ chống lại hành động phân biệt đối xử và trả thù cá nhân. Pháp luật quốc tế đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ trạng thái việc làm. “Các biện pháp bảo vệ quan trọng nhất mà luật bảo vệ người tố cáo đưa ra là để đảm bảo rằng bất kỳ mối nguy hại nào đối với tình trạng việc làm của người lao động được khắc phục ngay lập tức”. Luật Đấu tranh chống tham nhũng của Pháp đưa ra các biện pháp bảo vệ việc làm ở phạm vi rộng cho người tố cáo bao gồm cả việc kỷ luật trực tiếp hoặc gián tiếp, sa thải hoặc phân biệt đối xử, đặc biệt liên quan đến thù lao, đào tạo, phân loại và phân loại lại, phân công, trình độ chuyên môn, thăng tiến nghề nghiệp, thuyên chuyển hoặc gia hạn hợp đồng, cũng như loại trừ tuyển dụng hoặc tiếp nhận vào thực tập.
Nước Anh đã thông qua Luật công khai lợi ích công cộng (PIDA), một bộ luật toàn diện về tố cáo và bảo vệ người tố cáo. Sau một loạt các thảm họa gây tử vong và các vụ bê bối chính trị, kinh doanh ở cấp cao, nước Anh thông qua PIDA vào năm 1998, bao trùm hầu hết nhân viên chính phủ, khu vực tư nhân và phi lợi nhuận. Luật được mở rộng đến các đối tượng như nhà thầu, học viên và người lao động Anh ở nước ngoài. PIDA yêu cầu những người chủ phải chứng minh rằng họ không thực hiện bất cứ hành động nào để chống nhân viên hoặc công nhân tố cáo. Việc chứng minh ngược này đã trở thành một tiêu chuẩn quốc tế quan trọng. Ngoài thiệt hại tài chính thực tế, nhân viên bị trả thù vì tố cáo cũng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại và tổn thương tinh thần. Khoản bồi thường cao nhất đến nay là 5 triệu bảng. PIDA sử dụng một hệ thống “bậc thang” độc đáo để người tố cáo có thể tiết lộ thông tin mà không sợ bị trả thù.
Pháp luật bảo vệ người tố cáo ở Hàn Quốc cũng có những ưu việt khác đó là, bảo vệ cả thu nhập của người đi tố cáo. Tại Hàn Quốc, người tố cáo có quyền yêu cầu ACRC trả tiền cứu trợ nếu họ phải đối mặt với thiệt hại về tài chính hoặc tiền chi tiêu, chẳng hạn như chi phí y tế, chi phí di chuyển cho sự tranh chấp hay thiệt trong tiền lương, là kết quả của việc tố cáo. ACRC cũng có thể yêu cầu phục hồi và chuyển giao hoặc sắp xếp các cơ hội việc làm mới.
Từ kinh nghiệm quốc tế và trước tình hình ở Việt Nam, có nhiều ý kiến cho rằng, để thực sự bảo vệ người tố cáo cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bảo vệ người tố cáo, hình thành cơ chế thực thi hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo. Chú trọng xây dựng các đường dây nóng và trang web có chức năng tiếp nhận thông tin tố cáo tham nhũng. Các cơ quan có nhiệm vụ chống tham nhũng cần chủ động công khai thông tin điều tra chống tham nhũng lên mạng internet, những khó khăn của các cuộc điều tra, nhằm kêu gọi sự giúp đỡ điều tra của người dân. Cơ quan thẩm quyền cần xử lý các thông tin hữu danh cũng như các báo cáo nặc danh. Bảo vệ việc làm cho người đi tố cáo. Bên cạnh đó, cần chú trọng bồi thường tổn thất về vật chất và tinh thần cho người tố cáo, khen thưởng, vinh danh người tố cáo vì lợi ích xã hội.
Đặc biệt là siết lại trách nhiệm người đứng đầu đối với việc bảo vệ người tố cáo và trách nhiệm trong giải quyết tố cáo.
Anh Tâm
Link nội dung: https://phaply.net.vn/sua-doi-luat-to-cao-bai-3-bao-ve-nguoi-to-cao-thuc-tien-kinh-nghiem-va-nhung-kien-nghi-a165825.html