Doanh nghiệp phá sản, “chết lâm sàng” tăng báo động

Số doanh nghiệp (DN) phá sản, ngừng hoạt động 5 tháng qua chiếm gần 60% số DN được thành lập mới, quay trở lại hoạt động. Đây là con số đáng báo động về môi trường kinh doanh, cho thấy mức độ phá sản, khó khăn của DN Việt, đặc biệt DN nhỏ đang tăng lên.

Doanh nghiệp phá sản và khó sống tăng mạnh

Báo cáo vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) công bố cho biết, 5 tháng qua, số DN hoàn tất thủ tục giải thể là 4.700 DN, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 90% là DN nhỏ quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng.

 Doanh nghiệp phá sản 5 tháng đầu năm tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước (ảnh minh hoạ)
Doanh nghiệp phá sản 5 tháng đầu năm tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước (ảnh minh hoạ))

Số DN tạm ngừng hoạt động trong 5 tháng đầu năm là 32.100, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó hơn 19.200 DN tạm ngừng chờ giải thể, chiếm gần 60% số DN, phần còn lại là ngừng hoạt động có thời hạn.

Như vậy, tổng số DN phá sản, ngừng hoạt động 5 tháng qua đạt gần 37.000 DN. Nếu so với số DN thành lập mới, quay trở lại hoạt động đạt gần 64.000 DN thì số DN phá sản, ngừng hoạt động thời gian qua chiếm 58%.

Nếu so với số DN phá sản, ngừng hoạt động cùng kỳ 5 tháng đầu năm 2016 là 33.200 DN thì số DN phá sản, ngừng hoạt động năm nay đã tăng gần 4.000 DN, tương đương mỗi ngày của năm 2017 số DN phá sản, ngừng hoạt động tăng thêm 260 DN so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số đáng báo động về môi trường kinh doanh và chi phí đang gia tăng đối với DN Việt Nam.

Công nghiệp 4.0, nhưng vốn chi cho khoa học vẫn đứng “áp chót”

Về vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, ước tính của Tổng cục Thống kê đến hết ngày 15/5, vốn ngân sách Nhà nước chi cho Bộ, ngành và địa phương đạt 88.800 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, vốn cấp cho các bộ ngành là 19.500 tỷ đồng (chiếm gần 20% tổng vốn ngân sách); vốn cấp cho địa phương hơn 69.300 tỷ đồng (chiếm gần 80% tổng vốn ngân sách). Trong các Bộ ngành được cấp vốn nhiều nhất, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dẫn đầu với 11.350 tỷ đồng (chiếm gần 60% nguồn vốn), các bộ Y tế, Nông nghiệp đứng thứ 2.

Ở chiều ngược lại, Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn đứng “áp chót” trong số bộ ngành được đầu tư ngân sách thấp nhất, với chỉ 25,1 tỷ đồng trong 5 tháng (tương đương 5 tỷ đồng/tháng), bằng 1/10 so với vốn ngân sách cấp cho Bộ GTVT.

Về vốn cấp cho địa phương, Hà Nội đang dẫn đầu với gần 11.000 tỷ đồng, TP.HCM xếp thứ 2 với gần 6.000 tỷ đồng. Hai địa phương này “ngốn” 1/4 vốn ngân sách Nhà nước chi cho địa phương.

Chi thường xuyên chiếm 73% chi ngân sách, bội chi 161 tỷ đồng/ngày

Theo Tổng cục Thống kê, tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước tính đến hết 15/5 dù số bội chi đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, song chi thường xuyên vẫn rất lớn.

Cụ thể, tổng thu ngân sách ước đạt 416.700 tỷ đồng, tổng chi ngân sách Nhà nước ước tính đạt 438.500 tỷ đồng, số bội chi là 21.800 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày ngân sách hụt thu hơn 160 tỷ đồng do chi vượt thu.

Đặc biệt, trong chi ngân sách 5 tháng qua, chi thường xuyên vẫn đạt 323.800 tỷ đồng (chiếm 73% tổng chi ngân sách), còn lại chi trả nợ, đầu tư phát triển lần lượt chia nhau 27% vốn chi ngân sách còn lại.

Theo Dantri

Link nội dung: https://phaply.net.vn/doanh-nghiep-pha-san-chet-lam-sang-tang-bao-dong-a165778.html