(Pháp lý) - Bảo vệ người tố cáo bằng các biện pháp, quy trình cụ thể. Siết trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết tố cáo. Phát huy vai trò giám sát của các tổ chức xã hội để đảm bảo tính khách quan trong các kết luận giải quyết tố cáo... Đó là các giải pháp được các chuyên gia pháp luật góp ý bổ sung Luật Tố cáo (sửa đổi).
Nên xem xét giải quyết tố cáo nặc danh khi có bằng chứng
Là một giảng viên lâu năm tại khoa Luật Hành chính, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích có nhiều băn khăn về Luật Tố cáo (sửa đổi). Tiến sĩ Bích cho rằng, bà băn khoăn nhất là có nhiều ý kiến khi góp ý cho rằng không thụ lý, giải quyết tố cáo mà người tố cáo không ghi rõ họ, tên, địa chỉ của mình.
Tố cáo là báo cho cơ quan có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật, vì vậy nên mở rộng tiếp nhận tố cáo không ghi rõ tên. Việc Luật buộc người tố cáo phải ghi rõ tên là ràng buộc trách nhiệm của người tố cáo với hành vi của mình, hạn chế việc người tố cáo lợi dụng tố cáo làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, nếu coi tố cáo chỉ là cơ sở, tiền đề ban đầu để cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền phát hiện và xử lý các vi phạm, không là điều kiện tiên quyết để phát hiện và xử lý vi phạm, thì Luật không nhất thiết phải buộc người tố cáo ghi rõ thông tin cá nhân.
Theo TS. Bích, Luật nên tiếp tục quy định theo hướng, nếu tố cáo không ghi tên nhưng cùng đơn tố cáo người tố cáo cung cấp các bằng chứng rõ ràng hoặc trường hợp tố cáo các vi phạm pháp luật có dấu hiệu của vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì cơ quan, người có thẩm quyền vẫn tiếp nhận. Cùng với quy định này, Luật nên quy định rõ khi tiếp nhận tố cáo không ghi rõ tên thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành xác minh sơ bộ nếu có cơ sở cho rằng việc tố cáo là có căn cứ thì quyết định thụ lý giải quyết. Luật cũng có thể quy định thời hạn xem xét, xử lý tố cáo trong trường hợp tố cáo không ghi rõ tên có thể kéo dài hơn so với tố cáo ghi rõ tên.
Bảo vệ người tố cáo bằng các biện pháp cụ thể
ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Đại biểu Quốc hội khóa XIII hiện nay là Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hải Phòng) cho biết, nhiều năm qua, những Luật gia ở Thành hội Hải Phòng đã có những hỗ trợ thiết thực đối với người dân đi khiếu nại tố cáo. Bằng kinh nghiệm trực tiếp làm việc, ông Vinh cho rằng, Luật Tố cáo (sửa đổi) cần quy định rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong giải quyết tố cáo, trình tự thủ tục bắt buộc đối với hoạt động tố cáo và giải quyết tố cáo, các cơ quan có nhiệm vụ giải quyết chính và các cơ quan phối hợp giải quyết.
Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) đã tập trung quy định những nội dung bảo vệ người tố cáo như bảo vệ tính mạng, sức khỏe, bảo vệ tài sản, bảo vệ uy tín danh dự, bảo vệ vị trí công tác việc làm của người tố cáo…Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tiếp tục hoàn thiện các quy định hơn nữa để bảo đảm tính khả thi khi triển khai việc bảo vệ người tố cáo.
Ông Vinh đề xuất các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng và thực hiện nghiêm túc các quy trình nghiệp vụ về tiếp nhận, xử lý và giải quyết tố cáo. Trong đó, nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân trong việc bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo. Mặt khác, cần thiết phải quán triệt sâu sắc ý nghĩa và nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, công chức có trách nhiệm tham gia vào quá trình tiếp nhận, xử lý và giải quyết tố cáo về việc bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo.
Ngoài ra, ông Vinh kiến nghị: Nên quy định rõ cơ quan công an nào có nhiệm vụ bảo vệ người tố cáo. Công an cấp nào, công an nơi người tố cáo cư trú hay là công an nơi người tố cáo làm việc?
Xung quanh công tác bảo vệ người tố cáo, Tiến sĩ Bích nêu thực tế: Tôi thấy rất ít thông tin về việc các cơ quan nhà nước có liên quan đã áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Nhưng từ quan sát của mình, tôi lại thấy trở ngại lớn nhất là người dân không tố cáo là do lo sợ bị trả thù. Các biện pháp bảo vệ người tố cáo đã được pháp luật quy định nhưng chưa cụ thể và quá lý tưởng để thực hiện trong thực tế. TS. Bích đề xuất: Luật nên quy định theo hướng chính cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo là đầu mối tiếp nhận yêu cầu bảo vệ của người tố cáo và cơ quan này sẽ chủ động yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo thích hợp. Đồng thời làm rõ các căn cứ để áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo.
Ngoài lý do bất cập của quy định pháp luật thì sự thiếu nhiệt tình của người có thẩm quyền trong giải quyết tố cáo là có thật. Với trường hợp này thì việc xử lý trách nhiệm người giải quyết tố cáo sẽ giúp hạn chế các tiêu cực trong giải quyết tố cáo. Để hạn chế tình trạng thiếu trách nhiệm trong giải quyết tố cáo, Luật Tố cáo nên quy định trực tiếp việc xử lý kỷ luật với người có thẩm quyền trong giải quyết tố cáo. Ví dụ, không giải quyết tố cáo đúng thời hạn khi tố cáo có đủ căn cứ để giải quyết và người bị tố cáo đúng nhưng lại có vi phạm pháp luật thì người chịu trách nhiệm giải quyết bị kỉ luật, xử lý thế nào ?
Tăng cường giám sát của các tổ chức xã hội với hoạt động tố cáo và giải quyết tố cáo
Kết quả giải quyết tố cáo nếu khách quan sẽ có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động giải quyết tố cáo, nó củng cố niềm tin của công dân vào hoạt động của bộ máy công quyền và niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Đáng buồn là tình trạng can thiệp thô bạo vào kết quả giải quyết tố cáo đã và đang diễn ra. “Vụ việc đang được giải quyết đúng đắn, nhưng chỉ một cú điện thoại là sự việc méo mó ngay. Cán bộ giải quyết khiếu nại tố cáo nhiều khi muốn làm tốt cũng không được. Giải quyết một việc mà có tới ba trường phái chỉ đạo thì biết nghe ai? Nghe ông này thì mất lòng ông kia”, ông Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội từng lưu ý trên diễn đàn Quốc hội về thực trạng giải quyết tố cáo.
Các ĐBQH khác cũng lưu ý về tình trạng khiếu tố gay gắt, kéo dài; lĩnh vực hình sự, hành chính tiếp tục có xu hướng tăng, nhiều đơn gửi vượt cấp, gửi đến nhiều cơ quan, gửi nhiều lần về cùng một vụ việc. Điều đó dẫn đến nhiều vụ việc công dân xô xát, hành hung và đe dọa cán bộ tại Trụ sở Tiếp công dân T.Ư và cả những vụ việc nổi cộm trong dư luận. Chính vì vậy, ông Nguyễn Khắc Định (Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) từng đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể và sâu sắc hơn về chất lượng, hiệu quả, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc tổ chức tiếp công dân, việc tổ chức đối thoại trong tiếp công dân và gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị trong năm 2017 Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo trong những năm tới để chủ động xây dựng, đề ra biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp; đồng thời đề nghị Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội xem xét dự án Luật Biểu tình nhằm bảo đảm quyền của công dân được Hiến pháp ghi nhận và tạo hành lang pháp lý để việc khiếu nại, tố cáo đông người đi vào nền nếp, đúng pháp luật.
Các ý kiến góp ý tại Hội thảo góp ý cho Luật Tố cáo (sửa đổi) do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức, đưa ra ý kiến: Tại Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) việc xử lý các hành vi vi phạm, cố tình tác động đến kết quả tố cáo cơ bản đã được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. Tuy nhiên, vấn đề xử lý người giải quyết tố cáo, người được giao xác minh nội dung tố cáo còn nhẹ như: “chỉ khiển trách trong việc không tuân thủ quy định giải quyết tố cáo về thời hạn và tiết lộ thông tin về họ tên, địa chỉ và những thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo...” (Khoản 1, Điều 59 và Điều 60 Dự thảo). Xử lý nhẹ như vậy sẽ không nêu cao được tinh thần, trách nhiệm của người giải quyết tố cáo cũng như người được giao xác minh nội dung tố cáo và không khuyến khích được người tố cáo thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Nên cần quy định cụ thể hơn. Đồng thời có ý kiến cho rằng khi Luật Tố cáo (sửa đổi) được thông qua, Chính phủ cần ban hành Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tố cáo, giải quyết tố cáo cho phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm pháp luật về Tố cáo và giải quyết tố cáo làm cơ sở đấu tranh, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Đồng thời phát huy vai trò giám sát của các tổ chức xã hội với hoạt động tố cáo, sẽ góp giảm thiểu được những tác động tiêu cực đến kết quả tố cáo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Vinh (ĐBQH khóa XIII) cho biết: Thời gian gần đây, mô hình liên cơ quan bao gồm: Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ (TTCP), Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã cùng tham gia Chương trình phối hợp giám sát và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở. Đây là một mô hình tốt đã chứng tỏ sự ưu việt trong quá trình giám sát, giải quyết khiếu nại và tố cáo nói chung. Mô hình này cần được tạo điều kiện để tiếp tục phát huy hoạt động hiệu quả hơn.
Sửa đổi Luật Tố cáo lần này cần mở ra các quy định để các tổ chức xã hội có thể giám sát hoạt động giải quyết tố cáo và tăng cường sự liên hệ giữa các cơ quan chức năng giải quyết tố cáo. Để nâng cao hiệu quả giải quyết tố cáo và giám sát thì các Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Mặt trận Tổ quốc năm 2015… và Luật Tố cáo (sửa đổi) cần hoàn thiện theo hướng: Quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quyền lực nhà nước trong việc tiếp nhận, xử lý, chuyển đơn, thư tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư tố cáo do cơ quan quyền lực nhà nước chuyển đến; xử lý đơn thư tố cáo do Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chuyển đến; hoàn thiện những quy định về giám sát việc giải quyết tố cáo như: đối tượng giám sát, phương thức giám sát, chế độ trách nhiệm trong việc thực hiện những kiến nghị, yêu cầu giám sát...
Phan Tĩnh
Link nội dung: https://phaply.net.vn/bai-2-dat-ra-nhieu-giai-phap-moi-a165751.html