(Pháp lý) - LTS: Hoạt động giải quyết đơn thư tố cáo thời gian qua đã bộc lộ không ít bất cập. Đã có những vụ việc “nóng” xảy ra, gây bức xúc dư luận do chính quyền thiếu lắng nghe, giải quyết vụ việc thiếu khách quan, không tuân thủ quy định pháp luật. Bên cạnh nguyên nhân pháp luật chưa hoàn thiện, còn có nguyên nhân từ những người chấp pháp. Sửa Luật Tố cáo kỳ này cần “lắng nghe hơi thở” của cuộc sống, đặc biệt cần bổ sung vào Luật một số thiết chế đặc biệt để giám sát cán bộ và bảo vệ người dũng cảm tố cáo.
Bài 1: Tố cáo không được giải quyết khách quan sẽ gây hệ lụy xấu
Thực tế cho thấy, đã có không ít vụ việc tố cáo không được giải quyết hoặc được giải quyết một cách thiếu minh bạch, không khách quan... đã gây những hệ lụy xấu cho xã hội.
Phản kháng trái luật vì khiếu nại và tố cáo không được giải quyết
Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, một vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Ở ngay thủ đô Hà Nội, người dân vì bức xúc khi khiếu kiện của mình không được giải quyết khách quan đã phải chọn cách thức trái pháp luật để hành xử không phải với cán bộ. Cụ thể, theo dấu những lá đơn khiếu nại, tố cáo người dân gửi đi thì người dân đã gửi đơn lần thứ 9 nhưng chưa được các cấp, các ngành, thậm chí là các ĐBQH quan tâm trả lời và giám sát trả lời cho thỏa đáng. Nhiều đơn thư khiếu kiện về đất đai, chính quyền chưa trả lời thỏa đáng cho dân, những người đứng ra đại diện cho dân gửi đơn tố cáo thì lại bị bắt vì tội “chống người thi hành công vụ”. Những dồn nén và bức xúc đó có phần từ những lá đơn đã gửi nhiều lần không được trả lời hoặc trả lời chưa thỏa đáng. Từ vụ việc Đồng Tâm, có thể thấy việc thực hiện Luật Tố cáo ở cấp cơ sở không được chấp hành nghiêm chỉnh. Đó là chưa kể đến nhiều vụ khiếu kiện của người dân, tình trạng đơn kiện của dân cứ chuyển vòng quanh từ cơ quan này sang cơ quan khác...
Trước đó, ở Hải Phòng, ông Đoàn Văn Vươn bắt buộc phải dùng súng hoa cải bắn vào đoàn cưỡng chế của huyện Tiên Lãng cũng do bức xúc trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai. Ông Vươn không phải là một nông dân kém hiểu biết, ông có những hiểu biết nhất định về pháp luật. Nhiều lần gửi đơn lên chính quyền hay dùng các biện pháp đúng pháp luật để đòi lại quyền lợi cho mình nhưng không được nên ông phải chọn cách vi phạm pháp luật, ông đã bắn vào đoàn cán bộ nhằm thu hút sự chú ý của chính quyền và dư luận để mong vụ việc của gia đình mình được quan tâm giải quyết. Vụ việc được giải quyết nhưng án tù ông Vươn vẫn phải nhận. Trong cả 2 vụ việc trên, dù phút cuối, những kiến nghị, đề đạt trong nội dung khiếu nại, tố cáo của người dân đã được lắng nghe, giải quyết phần nào, nhưng hậu quả xấu, sự xáo trộn, sự lẫn lộn, mất niềm tin của người dân thực sự đã xảy ra.
Sẽ còn những vụ như Đồng Tâm nếu giải quyết tố cáo không khách quan, thiếu công tâm
Cắt nghĩa và lý giải phần nào nguyên nhân của những vụ việc trên, Luật sư Lê Đức Tiết cho rằng: Luật pháp đã phức tạp, Luật Đất đai còn phức tạp hơn nhiều (lĩnh vực này cũng nhiều khiếu kiện hơn cả). Tôi rất muốn nghiên cứu luật đất đai để tuyên truyền cho dân hiểu nhưng cũng không thể tiếp cận hết được văn bản. Các văn bản của Bộ này, ủy ban kia cứ liên tiếp đưa ra… như “mê hồn trận”. Thứ hai là vấn đề đưa pháp luật vào cuộc sống chưa tốt. Trong việc xử lý, giải quyết khiếu kiện liên quan đến đất đai, cơ quan chức năng không điều hòa được 3 lợi ích: Quốc gia, tập thể và cá nhân. Thực tế cho thấy nhiều sự việc nóng liên quan đến đất đai xảy ra do cơ quan chức năng phủ nhận 1 trong 3 lợi ích trên. Hiện nay, việc quản lý của luật pháp đất đai có 3 cách: Quản lý bằng luật hành chính, dân sự và hình sự. Tuy nhiên, nhiều việc đáng lý chỉ dùng biện pháp hành chính thì chính quyền lại hình sự hóa và ngược lại. Điều này gây bức xúc dư luận. Không phải riêng sự việc ở Đồng Tâm mà nhiều vụ khác xảy ra trước đó đã chứng minh điều này. Ông Tiết cũng cảnh báo, nếu chúng ta không giải quyết những nguyên nhân trên thì thời gian tới sẽ còn những vụ như Đồng Tâm xảy ra.
Trong vụ Đồng Tâm, người dân thể hiện khát khao muốn đối thoại. Tại sao người dân lại khát khao đối thoại đến thế? Vì họ không còn tin ở cấp chính quyền cơ sở? Vì họ cần được một người có tiếng nói, có vị thế mà họ tin tưởng, cam kết với họ? Đó cũng là vấn đề mấu chốt trong giải quyết tố cáo. Cần có sự công chính khi giải quyết vụ việc, cần những quyết định có hiệu lực mạnh mẽ, cần có sự công tâm và trách nhiệm của người đứng đầu.
Trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng
Theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác của Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ), năm 2016, đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ giảm so với năm 2015 cả về số lượt công dân, số lượng đơn thư và số lượt đoàn đông người. Mặc dù vậy, tình hình khiếu nại của công dân trong phạm vi cả nước cũng như tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương (Hà Nội và TPHCM) vẫn diễn biến phức tạp, tính chất manh động gia tăng.
Các đoàn công dân khiếu kiện đông người lên Trung ương có sự tổ chức chặt chẽ, thái độ bức xúc, manh động, sẵn sàng có hành vi gây mất an ninh, trật tự nhằm gây sức ép đối với các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở; công dân thường xuyên tập trung tại cổng các cơ quan trung ương, nhà riêng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đòi được giải quyết. Cùng với đó là số công dân khiếu kiện chây ỳ, đeo bám dài ngày tại Trụ sở, căng băng rôn, khẩu hiệu, la hét, chửi bới,… gây cản trở hoạt động của Trụ sở và an ninh, trật tự trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và TPHCM.
Đáng chú ý, Ban Tiếp công dân Trung ương cho biết trong năm 2016, tính chất manh động, côn đồ của công dân khiếu kiện diễn ra khá phổ biến. Ví dụ như: Thích Nữ Đàm Thoa (tỉnh Bắc Giang), Nguyễn Xuân Thái (tỉnh Nam Định), Thạch Thị Phúc (tỉnh Trà Vinh) mang xăng vào Trụ sở Tiếp công dân Trung ương dọa tự thiêu, Nguyễn Thị Luyến (tỉnh Kon Tum) có hành vi lăng mạ, nhổ nước bọt vào mặt cán bộ tiếp công dân, công dân khiếu kiện của tỉnh Bình Định có hành vi lôi kéo, ôm chân cán bộ tiếp công dân trong khuôn viên Trụ sở,… Đỉnh điểm là việc công dân Phạm Thị Thuận (tỉnh Thanh Hóa) dùng dao tấn công gây thương tích ở đầu và mặt thường trực tiếp công dân Thanh tra Chính phủ đã bị xử lý hình sự; công dân Nguyễn Xuân Thái (tỉnh Nam Định) đánh vào mặt thường trực tiếp công dân Ban Nội chính Trung ương; các công dân quá khích của tỉnh Bạc Liêu và một số tỉnh khác đã tập trung bao vây, xô đẩy, hành hung đối với Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp...
Có thể nói có những công dân trước khi trở nên manh động, bị các thế lực xấu lợi dụng thì họ cũng là những công dân bình thường. Việc người dân kéo đông người đi kiến nghị ở Trung ương không phải là cá biệt. Đã có chỉ đạo, nơi nào, địa phương nào để diễn ra tình trạng đó thì chính quyền, lãnh đạo cao nhất ở địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng hiện nay, tình trạng này vẫn chưa cải thiện. Người dân ở nhiều tỉnh như Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Đắc Nông… vẫn kéo về thủ đô để khiếu kiện. Nếu chính quyền từ cơ sở, địa phương làm tốt thì không thể có tình trạng như vậy, gây bức xúc cho xã hội kéo theo nhiều hệ lụy, làm mất lòng tin của nhân dân. Rõ ràng là có sự đùn đẩy trong việc giải quyết khiếu nại và tố cáo của người dân. Từ những vụ việc như thế, một lần nữa vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo lại đặt ra. Đây là vấn đề cần được lưu tâm khi sửa đổi Luật Tố cáo.
Kết mở…
Nghiêm chỉnh trong tiếp dân, đối thoại với dân. Giải quyết tốt xung đột quyền lợi giữa người dân, chính quyền và doanh nghiệp. Không đùn đẩy né tránh trong giải quyết đơn thư của dân. Công tâm trong kết luận giải quyết tố cáo. Phát huy trách nhiệm người đứng đầu… Đều là những việc khó khăn nhưng không thể không làm, không thể chậm hơn nữa. Bởi giải quyết thỏa đáng và khách quan những tố cáo của dân là củng cố niềm tin với thể chế và xã hội.
Phan Phan
Một buổi tiếp dân ở Trụ sở Ban tiếp dân T.W
Link nội dung: https://phaply.net.vn/sua-doi-luat-to-cao-can-lang-nghe-hoi-tho-cua-cuoc-song-a165671.html