Theo đại biểu Trần Thị Dung, qua rà soát sẽ có hơn 50 luật cần sửa đổi, bổ sung các điều liên quan đến quy hoạch để phù hợp với dự án Luật quy hoạch.
Không chỉ dừng ở 32 luật
Báo cáo giải trình trước Quốc hội về dự thảo Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Quy hoạch là một đạo luật mới, có phạm vi rất rộng nên dù đã khởi động từ 6 năm qua vẫn chưa thể thông qua.
Có tới 32 Luật cần sửa đổi, bổ sung các Điều liên quan đến quy hoạch để phù hợp, thống nhất với dự án Luật quy hoạch (quy định tại Phụ lục 2 của dự thảo Luật).
Góp ý về dự án Luật Quy hoạch, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho biết, ngoài 32 luật trên vẫn còn một số luật, pháp lệnh như Luật xuất bản, Luật dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật di sản văn hóa, Luật giáo dục quốc phòng và an ninh, Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng cũng có quy định về quy hoạch, trong đó có những luật quy định cả trách nhiệm lập phê duyệt quy hoạch.
Như vậy, theo đại biểu Hiển, nếu theo quy định tại Khoản 2, Điều 69 của dự thảo luật thì những quy hoạch này vẫn tồn tại do các luật, pháp lệnh có liên quan không thay đổi. Do đó, việc không sửa đổi các luật, pháp lệnh này sẽ không bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, theo vị đại biểu này, trong 32 luật được đề xuất sửa đổi, qua rà soát sơ bộ thấy có nhiều điều, khoản có liên quan đến quy hoạch nhưng không được đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Chẳng hạn như, Luật khoáng sản dự kiến sửa đổi các Điều 11, 12, 13, 14, 15, 47, 53 và 81, tuy nhiên theo Điều 10 của luật này thì quy hoạch khoáng sản bao gồm cả quy hoạch thăm dò, khai thác sử dụng khoáng sản của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tuy nhiên, theo dự thảo luật thì không có quy hoạch thăm dò, khai thác sử dụng khoáng sản của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Đồng quan điểm với đại biểu Hiển, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cũng cho rằng số lượng không chỉ dừng ở 32 điều như Chính phủ trình.
"Số lượng luật này còn tăng hơn nữa. Các đại biểu trao đổi với tôi và số lượng là qua nghiên cứu như đại biểu thấy rằng con số phải vượt trên 50 dự án luật cần sửa liên quan", đại biểu Dung nói.
Bên cạnh đó, theo bà Dung, hồ sơ dự án Luật quy hoạch trình Quốc hội thông qua không đề cập đến việc dự kiến sửa đổi, bổ sung nội dung của 32 luật theo danh mục như thế nào.
"Quy hoạch là công cụ quản lý liên quan đến sự vận hành của một ngành, lĩnh vực, do đó cần hết sức thận trọng khi đề xuất sửa đổi các nội dung liên quan. Cần có sự trao đổi lấy ý kiến của các bộ, ngành chịu sự tác động trước khi quyết định bởi vì dưới góc độ quản lý ngành, các ngành có vấn đề chưa thực sự hợp lý và đề xuất sửa đổi mới đảm bảo tính hợp lý, khoa học và khả thi", bà Dung nêu đề xuất.
Bao giờ sửa đổi các luật liên quan?
Đại biểu Trần Thị Dung cho rằng để đảm bảo 32 luật này được sửa đổi và có hiệu lực chậm nhất từ ngày 1/1/2019 thì việc sửa đổi, bổ sung và trình Quốc hội xem xét thông qua các luật này phải trong năm 2017 và 2018.
Tuy nhiên, theo đại biểu Dung, Tờ trình của Chính phủ về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 trình Quốc hội tại kỳ họp này chưa đề cập và cũng chưa đề xuất thời điểm cụ thể để sửa 32 luật này.
Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) cho rằng, để Luật quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 việc sửa đổi, bổ sung 32 luật có quy định về quy hoạch trong các luật khác phải được Quốc hội thông qua chậm nhất vào kỳ họp thứ V tháng 6/2018.
Ông Tín cũng nhấn mạnh cần rà soát nghiên cứu kỹ các nội dung sửa đổi để tránh bỏ sót khi sửa các điều, khoản có liên quan ở một số luật.
"Chúng ta không chỉ phải sửa những điều có liên quan đến quy hoạch mà còn phải sửa các điều có liên quan đến điều luật có nội dung quy hoạch cần sửa, để luật có khả thi tôi đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo rõ hơn lộ trình, kế hoạch thực hiện hai việc trước khi luật có hiệu lực", ông Tín nói.
Giải trình trước ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tiếp tục xem xét, rà soát các luật và điều luật có liên quan để sửa đổi cho thống nhất.
Theo ông Dũng, có 32 luật phải sửa, nghe thì có rất nhiều nhưng thực chất có luật chỉ sửa có một điều, có luật sửa 2 điều, có luật sửa 3 điều.
"Có một số luật sửa nhiều điều là Luật xây dựng, Luật đất đai thì chúng tôi dự kiến sẽ trình với Quốc hội, tính khả thi sẽ được làm rõ hơn", ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, qua nhiều ý kiến của các đại biểu thì Bộ sẽ nghiêm túc rà soát lại xem ngoài 32 luật đã báo cáo ở đây thì còn luật nào có điều khoản liên quan mà cần phải sửa đổi nữa không.
"Trong 32 luật này thì những điều khoản nào cần sửa và không cần sửa chúng tôi cũng phải rà soát tiếp để thật chính xác cần sửa những luật gì, trong mỗi luật thì sửa những điều gì cho phù hợp và đảm bảo chất lượng của luật trình ra Quốc hội", ông Dũng cho biết.
Theo Bizlive
Link nội dung: https://phaply.net.vn/luat-quy-hoach-ra-doi-co-toi-50-luat-khac-phai-sua-doi-theo-a165621.html