(Pháp lý) - Mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nguyên tắc này đã được hiến định và trở thành cơ sở để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Theo đó, dù là cán bộ quan chức (dù giữ cương vị nào) hay dân thường nếu mắc khuyết điểm hoặc vi phạm pháp luật đều bị xử lý bình đẳng trước pháp luật. Cách thức xử lý cán bộ, xử lý một số vụ việc xảy ra thời gian gần đây cho thấy nguyên tắc trên đang được tôn trọng.
Uỷ viên Bộ Chính trị nếu có sai phạm cũng bị xử lý nghiêm minh...
Trong ngày làm việc thứ ba Hội nghị Trung ương 5 (diễn ra hồi đầu tháng 5 vừa qua), trên 90% Ủy viên Trung ương bỏ phiếu thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức ủy viên Bộ Chính trị khóa XII
Lý do: trên cương vị ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, bí thư Đảng ủy, chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009-2011, ông Thăng đã mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, tổ chức Đảng và cá nhân ông, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đến mức phải thi hành kỷ luật theo quy định của Đảng.
[caption id="attachment_165586" align="alignleft" width="427"]
Ông Đinh La Thăng và HĐTV PVN có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý Tập đoàn này (giai đoạn 2009 – 2011)[/caption]
Theo đó, ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng Thành viên Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009 – 2011.
Cụ thể, ông Thăng chịu trách nhiệm khi ký ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU, ngày 17-3-2009 của Đảng uỷ Tập đoàn có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật để Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật.
Chịu trách nhiệm trong việc Hội đồng thành viên ban hành Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN.
Ông Đinh La Thăng còn phải chịu trách nhiệm trong việc ban hành chủ trương, quyết định đầu tư phân tán, dàn trải; thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án ở thời kỳ làm lãnh đạo Tập đoàn, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp; một số dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ, thua lỗ kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, mất vốn đầu tư, gây hậu quả rất nghiêm trọng (trong đó có Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học).
Quyết định trên đây của Bộ chính trị đã củng cố niềm tin của cán bộ Đảng viên, nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng và cho thấy không có vùng cấm trong các hoạt động của Đảng , đặc biệt từ sau khi có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Quyết định trên cũng gửi đi thông điệp Uỷ viên Bộ Chính trị nếu có sai phạm cần phải xử lý nghiêm minh.
Mới đây nhất, tại cuộc tiếp xức cử tri ở 2 quận Ba Đình Và Tây Hồ (Hà Nội), trước câu hỏi của cử tri về công tác xử lý cán bộ sai phạm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trung ương sẽ tính toán nhiều mặt, xử lý cán bộ sắp tới chúng ta còn làm tiếp. Sẽ làm đúng luật pháp, trách nhiệm và lương tâm”.
Cán bộ gây oan sai phải “ bỏ tiền túi” ra hoàn trả
Hồi cuối tháng 4/2017, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị TAND Tối cao chỉ đạo, xác định trách nhiệm hoàn trả số tiền bồi thường oan hơn 10 tỉ đồng cho “Người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén ở Hàm Tân, Bình Thuận.
Trước đó, ngày 16/1/2017, TAND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định bồi thường hơn 10 tỉ đồng cho ông Huỳnh Văn Nén, người bị kết án oan trong cả hai vụ án giết người ở Tân Minh và đã phải thụ án hơn 17,5 năm tù.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Việt Hưng - Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước cho biết theo quy định hiện hành, ngay sau khi thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường, thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường (Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận – PV) phải ra quyết định thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả.
[caption id="attachment_165587" align="aligncenter" width="581"] Quang cảnh một Hội nghị liên ngành phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng[/caption]
Việc xác định mức hoàn trả được xác định theo nguyên tắc sau:
Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định nhưng tối đa không quá 36 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.
Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại đó thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự.
Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định nhưng tối đa không quá ba tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. (Người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại quy định tại Điều 26 của luật không phải chịu trách nhiệm hoàn trả – PV).
Ông Hưng cũng cho biết TAND tỉnh Bình Thuận chỉ là cơ quan hành chính có trách nhiệm xem xét trách nhiệm hoàn trả. “Lỗi chưa chắc đã ở khâu xét xử mà có thể ở giai đoạn điều tra hoặc truy tố” .
Dù chưa ngã ngũ chung cuộc cụ thể cá nhân cán bộ nào phải hoàn trả, cụ thể bao nhiêu, tuy nhiên động thái tích cực trên đây từ phía Bộ tài chính và Cục bồi thường Nhà nước cho thấy tới đây sẽ không còn chuyện ngân sách Nhà nước bị “ thâm hụt” do phải trả thay cho cán bộ gây oan sai. Cá nhân làm sai phải bỏ tiền túi ra đền hoặc hoàn trả, như thế mới có tác dụng cảnh báo mạnh tới các công bộc tắc trách, lạm quyền. Dân bị oan cần được xin lỗi, đền bù thỏa đáng. Cán bộ làm sai phải bỏ tiền túi ra đền, không thể dùng tiền từ ngân sách mãi. Như vậy mới bình đẳng trước pháp luật. Vấn đề này tới đây khi sửa Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thiết nghĩ Quốc hội cũng cần cân nhắc bổ sung.
Kiến nghị bỏ xe biển xanh để bình đẳng trước pháp luật
Còn nhớ hồi cuối năm 2016, tại Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2016, trong phần thảo luận về nội dung quản lý nhà nước, các đại biểu, chuyên gia đã có nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Đáng chú ý trong đó có kiến nghị của ông Trần Ngọc Sơn, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Lào Cai đề nghị cho phép chỉ đăng ký một loại biển số xe.
Theo ông Sơn: “Bây giờ đi ra đường, có xe biển trắng, lại có xe biển xanh, trong biển xanh lại chia ra xe Trung ương, xe địa phương, như thế không bình đẳng. Thực tế, khi lưu thông trên đường, nhiều xe biển xanh vi phạm nhưng không bị xử phạt. Vừa qua chúng ta thấy trường hợp khi người dân phát hiện xe biển xanh vi phạm đã rất bức xúc, tập trung truy đuổi để giao cơ quan chức năng”.
Theo đề xuất của ông Sơn, chỉ cần đăng ký một màu biển xe, trong đó chia ra các loại xe khác nhau: “Ví dụ như xe con một loại, xe tải một loại. Điều này ở bên Trung Quốc cũng đã làm”.
Ý kiến này đã nhận được sự ủng hộ của Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an). Thiếu tướng Trần Sơn Hà cho biết thêm, thời gian tới, nếu tiến hành sửa Luật Giao thông đường bộ cũng sẽ kiến nghị gom các loại biển số thành một loại.
Mong rằng đề xuất trên sớm được thông qua để không còn tình trạng xe biển xanh thì được “ưu ái”, xe biển trắng thì phải chấp hành nghiêm pháp luật.
Bình đẳng chỗ ngồi , bình đẳng trước pháp luật giữa Luật sư và Kiểm sát viên
Trong một thời gian dài, tại Việt Nam, chỗ ngồi của đại diện Viện kiểm sát được bố trí cao hơn chỗ ngồi của luật sư. Công tố viên ở trên bục còn bàn luật sư thì dưới thấp.
Nhiều ý kiến cho rằng chỗ ngồi không chỉ thể hiện bình đẳng về hình thức mà còn là vị thế của hai bên buộc tội và gỡ tội. Quan trọng hơn, nó đáp ứng được hình thức cho một phiên tòa tranh tụng thực sự theo tinh thần cải cách tư pháp, bảo đảm cao nhất quyền con người. Thực ra, vị thế bình đẳng của luật sư và công tố viên không hề mới. Thế giới đã áp dụng từ cả thế kỷ nay.
[caption id="attachment_165589" align="aligncenter" width="613"] Một phiên tòa hình sự có sự tham gia của Luật sư và Viện kiểm sát (ảnh minh họa)[/caption]
Năm 2006, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương là nơi đầu tiên thí điểm mô hình tiến bộ này nhưng sau đó đã không được nhân rộng. Đến năm 2013, TAND TP Đà Nẵng cũng triển khai mô hình này.
Cả luật sư và kiểm sát viên, hai nhân vật chính của tranh tụng cho dù đối ngược nhau thì vẫn đều nhằm bảo vệ công lý, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Tại các phiên tòa, để tìm ra chân lý thì người luật sư bào chữa phải có thế ngồi ngang hàng với công tố viên. Nó đảm bảo sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội trong quá trình tranh luận
Tin vui là trong dự thảo thông tư hướng dẫn hình thức bố trí phòng xử án mà Chánh án TAND tối cao sắp ban hành, sẽ để luật sư ngồi ngang bằng với kiểm sát viên.
Ngang bằng về chỗ ngồi , điều đó cũng khẳng định sự bình đẳng trước pháp luật giữa luật sư và kiểm sát viên. Một việc cần làm ngay nhằm đáp ứng tinh thần cải cách tư pháp.
Bất cứ ai ...đều bình đẳng trước pháp luật
Dù đã 1 năm trôi qua, nhưng chắc dư luận vẫn chưa thể quên một vụ việc gây bức xúc dư luận xảy ra hồi tháng 4/2016. Đó là vụ án oan xảy ra ở “ quán cà phê Xin Chào” (huyện Bình Chánh – TP.HCM).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó đã kịp thời chỉ đạo Chủ tịch UBND TP HCM kiểm tra, xem xét việc khởi tố vụ án hình sự chủ quán “Xin Chào” chỉ vì lý do chậm đăng ký kinh doanh; làm rõ trách nhiệm liên quan.
Sau đó, hàng loạt cán bộ liên quan đã bị kỉ luật và bị cách chức. Đại tá Nguyễn Văn Quý bị cách chức Trưởng công an huyện Bình Chánh. Hai Phó đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an huyện Bình Chánh là Thiếu tá Nguyễn Hoàng Tuân cũng bị cách chức và đại uý Lê Cảnh Tuân bị kỉ luật cảnh cáo.
[caption id="attachment_165590" align="aligncenter" width="544"] Đại tá Nguyễn Văn Quý bị cách chức Trưởng Công an huyện Bình Chánh vì có biểu hiện lạm quyền khi xử lý vụ việc tại quán “cà phê Xin Chào”[/caption]
Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao cũng đã ra quyết định kỷ luật ông Lê Thanh Tòng, Phó viện trưởng VKSND Quận 6 (nguyên Phó Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh) và ông Huỳnh Văn Son, kiểm sát viên sơ cấp VKSND huyện Bình Chánh, TP HCM. Ông Lê Thanh Tòng sau đó bị cách chức Phó Viện trưởng .
Trước đó, khi vụ việc “quán cà phê Xin Chào” xảy ra, có ý kiến cho rằng đó là vụ việc nhỏ. Nhưng với những diễn biến thực tế của vụ việc cho thấy không hề nhỏ. Bởi khởi tố, truy tố một con người, dù người đó là thường dân không danh phận thì nó vẫn lớn như một ông quan to. Danh dự, nhân phẩm của con người đều như nhau, oan khiên cũng như nhau, đau khổ như nhau. Và trên hết, bất cứ ai cũng đều cần được bình đẳng trước pháp luật.
Vụ việc không hề nhỏ bởi đơn giản là vì có dấu hiệu cán bộ lạm quyền, ức hiếp người dân.
Công dân bị khởi tố có dấu hiệu oan sai do công an lạm quyền, thì cần phải được bảo vệ, phải ngăn chặn oan sai. Yếu tố cốt lõi thể hiện sự thượng tôn pháp luật chính là không để bất cứ cơ quan tố tụng nào áp dụng pháp luật không đúng đối với người dân “ thấp cổ bé họng”.
Kết mở
Mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nguyên tắc này đã được hiến định và trở thành cơ sở để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Theo đó, dù là cán bộ quan chức (dù giữ cương vị nào) hay dân thường nếu mắc khuyết điểm hoặc vi phạm pháp luật đều bị xử lý bình đẳng trước pháp luật. Cách thức xử lý cán bộ, xử lý một số vụ việc thời gian gần đây cho thấy nguyên tắc trên đang được tôn trọng. Một tín hiệu mừng, dân rất đồng tình vì kỉ cương phép nước đang được giữ nghiêm. Và mong rằng tinh thần bình đẳng trước pháp luật tiếp tục được lan tỏa...
Hà Trang
Link nội dung: https://phaply.net.vn/binh-dang-truoc-phap-luat-a165585.html