An toàn giao thông là vấn đề quan trọng với đời sống người dân, từ năm 2008 đến nay chưa có cuộc giám sát nào, nên Quốc hội cần lựa chọn giám sát chuyên đề về nội dung này là đề nghị của ĐBQH Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội.
Tiếp tục kỳ họp thứ ba, hôm nay (23-5), Quốc hội đã nghe Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.
Theo đó, trong năm 2017, Quốc hội dự kiến sẽ tiến hành giám sát tối cao 02 chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”.
UBTVQH giám sát 2 chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Trong năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề trong 4 nội dung: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Cho ý kiến vào dự kiến chương trình giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, với nội dung thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, cần tập trung vào giám sát sử dung nguồn vốn ODA.
“Nếu như chúng ta giám sát về cổ phần hóa doanh nghiệp thì mới chỉ là giám sát một nhánh, cần giám sát đổi mới hoạt động quản lý của doanh nghiệp nhà nước, giúp cho đổi mới doanh nghiệp nhà nước, phù hợp với tinh thần Nghị quyết Trung ương 5”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng, việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội là những nội dung cần ưu tiên để đưa vào chương trình giám sát năm 2018.
Theo ông Tuấn, đây là hai vấn đề được cử tri cả nước rất quan tâm bởi giám sát việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước để định giá tài sản Nhà nước minh bạch, khách quan, không biến tài sản Nhà nước vào túi cá nhân, từ đó cởi trói giúp nền kinh tế phát triển.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, cử tri phản ánh rất nhiều về vấn đề đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả nên Quốc hội cũng cần có những cuộc giám sát về về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để tìm xem yếu kém, khúc mắc ở đâu, từ đó tìm ra phương pháp giải quyết.
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, những việc đang thực hiện cần giám sát hơn là đã thực hiện xong, vì nếu không giám sát, điều chỉnh ngay lại sẽ xảy ra sai phạm. Vì vậy, nên giám sát ngay vấn đề cổ phần hóa DN và sử dụng trái phiếu Chính phủ, để đảm bảo việc đầu tư có hiệu quả hay không.
Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) lại cho rằng, chương trình giám sát về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nên lùi lại vì Chính phủ đang có nhiều hoat động thanh kiểm tra, chỉ đạo, còn chương trình nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chưa phân bổ xong, nên cũng chưa cần giám sát ngay.
ĐBQH Nguyễn Quốc Bình đồng tình giám sát việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, vì thời gian qua đã có nhiều giải pháp rất quyết liệt, nhưng tai nạn, vi phạm pháp luật về giao thông, kinh doanh vận tải trái phép... vẫn nhiều.
Dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết 60-70% tranh chấp đất đai ngày càng phức tạp và thời gian một loạt điểm nóng nổi lên về đất đai, ĐBQH Nguyễn Chiến (Hà Nội) lại đề xuất giám sát việc thực hiện pháp luật về đất đai để tìm ra nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp phát sinh.
Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị, việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã được 15 năm và Quốc hội cần phải giám sát để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến vấn đề này.
Riêng vấn đề an toàn giao thông, từ năm 2008 đến nay chưa có cuộc giám sát nào, trong khi đây là vấn đề quan trọng với đời sống người dân nên ĐBQH Nguyễn Thị Bích Ngọc và nhiều ĐBQH khác cùng đề nghị lựa chọn chuyên đề này.
Theo PL&XH
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nam-2018-quoc-hoi-se-giam-sat-ve-bao-dam-trat-tu-an-toan-giao-thong-a165459.html