Mô hình giám sát xã hội đối với hoạt động các cơ quan tư pháp ở một số nước

(Pháp lý) - Để đảm bảo tính hợp pháp và đúng đắn trong mọi hoạt động của các cơ quan tư pháp (cơ quan điều tra, cơ quan công tố, cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án) thì ngoài cơ chế giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước, cần thiết phải có sự giám sát đến từ nhân dân, từ xã hội. Cơ chế giám sát xã hội (GSXH) này ở các nước có thể không giống nhau tùy vào chế độ chính trị và đặc điểm nền tư pháp mỗi nước, tuy nhiên đều hướng tới việc xây dựng một nền tư pháp minh bạch và dân chủ.

Trung Quốc: Giám sát thông qua nhiều thiết chế chuyên biệt

Trong quá trình cải cách thể chế chính trị ở Trung Quốc từ 1978 đến nay, vấn đề GSXH đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp ngày càng được quan tâm, nhận thức đầy đủ hơn và có những thiết chế cụ thể bảo đảm thực hiện hoạt động này.

Kênh GSXH lớn nhất Trung Quốc chính là Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân, là tổ chức mặt trận thống nhất rộng rãi ở Trung Quốc do Đại hội các đảng, phái, các đoàn thể nhân dân và xã hội hợp thành. Số ủy viên của tổ chức này lên tới 50 vạn người, bao gồm hơn 30 giới chính trị - xã hội khác nhau, có mặt ở hơn 3.000 khu vực hành chính từ cấp huyện trở lên. Tổ chức này thường tiến hành hiệp thương chính trị và giám sát dân chủ đối với những chủ trương, chính sách lớn của nhà nước, những việc quan trọng ở các địa phương trên cả nước, những vấn đề lớn của đời sống quần chúng và của mặt trận thống nhất, đặc biệt là có cả giám sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan tư pháp.

Viện trưởng VKSND Tối cao Trung Quốc Tào Kiến Minh khẳng định phải tăng cường cơ chế giám sát viên nhân dân để xây dựng nền tư pháp dân chủ ỏ TQ
Viện trưởng VKSND Tối cao Trung Quốc Tào Kiến Minh khẳng định phải tăng cường cơ chế giám sát viên nhân dân để xây dựng nền tư pháp dân chủ ỏ TQ)

Hàng năm, hiệp thương chính trị các cấp đều tổ chức các chuyến đi thị sát một số lĩnh vực quan trọng trong đời sống xã hội, thực hiện các hoạt động điều tra, nghiên cứu, tiếp nhận được những phản ánh của nhân dân về các hành vi sai phạm của các cơ quan và nhân viên công tác trong các cơ quan nhà nước trong đó có các cơ quan tư pháp. Trên cơ sở đó, hiệp thương chính trị hàng năm có quyền đề xuất, kiến nghị, phê bình và phản ánh những nguyện vọng của nhân dân lên các cơ quan đảng và chính quyền các cấp. Có thể nói, hiệp thương chính trị nhân dân Trung Hoa là một loại giám sát dân chủ, những ý kiến và kiến nghị của họ đều được các ban, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý, kịp thời giải quyết và trả lời.

Đi riêng vào GSXH đối với các cơ quan tư pháp, cũng giống như nhiều quốc gia khác, Trung Quốc đều quy định chế độ xét xử công khai, chế độ bồi thẩm nhân dân để đảm bảo nhân dân trực tiếp tham gia và giám sát hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, để xây dựng một nền tư pháp dân chủ thật sự, thì nhiều quốc gia cần phải học hỏi Trung Quốc ở kênh GSXH đặc biệt này: đó là chế độ giám sát viên nhân dân. Theo đó, pháp luật Trung Quốc quy định, bên cạnh các kiểm sát viên thông thường, VKSND phải mời thêm các giám sát viên nhân dân là nhân sĩ hoặc cán bộ các cơ quan đoàn thể, đơn vị xí nghiệp…để thực hiện chức trách chủ yếu là: tiến hành bình xét độc lập, đưa ra ý kiến giám sát đối với cơ quan kiểm sát trong những vụ án điều tra, xét xử, xử lý hủy bỏ vụ án, không khởi tố, cũng như bị cáo không chịu thi hành lệnh bắt, đồng thời còn có thể nhận lời mời tham gia các hoạt động kiểm sát khác trong công tác điều tra, xét xử các vụ án phạm tội về chức vụ, có thể đề xuất kiến nghị xử lý đối với những vấn đề vi phạm luật pháp và kỷ luật.

Từ tháng 10/2003, các cơ quan VKSND Trung Quốc đã bắt đầu triển khai thí điểm cơ chế giám sát viên nhân dân tại 10 tỉnh, sau đó mở rộng ra 86% các VKS trong cả nước, tính đến cuối 2004 cả nước đã bổ nhiệm 18.962 giám sát viên nhân dân và thực hiện giám sát kết án được 3.341 vụ.

Ngoài ra, Trung Quốc đã thành lập các phòng, ban tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố giác của công dân đối với cơ quan nhà nước và nhân viên nhà nước làm trái pháp luật. Với 3.600 trung tâm khiếu tố trên cả nước, hàng năm VKS Trung Quốc tiếp nhận hàng trăm nghìn thông tin có giá trị đối với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Năm 1998 cơ quan Tòa án các cấp đã xử lý trên 4.220 cán bộ Tòa án có liên quan tới tội nhận hối lộ, tham nhũng, trong đó có trên 2.500 Thẩm phán. VKSND Tối cao cũng loại khỏi biên chế 4.665 người, bãi miễn 1.221 kiểm sát viên, trong đó có cả Cục trưởng Cục chống tham nhũng.

Ông Bob Edgar – Chủ tịch, Giám đốc điều hành Tổ chức Common Cause, cựu hạ nghị sĩ Mỹ, trong một lần đến thăm Việt Nam để thực hiện dự án “Sự nghiệp chung vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”
Ông Bob Edgar – Chủ tịch, Giám đốc điều hành Tổ chức Common Cause, cựu hạ nghị sĩ Mỹ, trong một lần đến thăm Việt Nam để thực hiện dự án “Sự nghiệp chung vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”)

Hoa Kỳ: thông qua các tổ chức nâng cao nhận thức của công chúng và báo chí

Ở Hoa Kỳ không có các tổ chức GSXH chuyên biệt đối với hoạt động tư pháp mà việc giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp là một nhánh của việc GSXH đối với hoạt động của cả bộ máy nhà nước. Theo đó, hoạt động GSXH đối với cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan tư pháp nói riêng được thông qua hai kênh chính là thông qua các tổ chức nâng cao nhận thức của công chúng và thông qua báo chí.

Thứ nhất, về phương thức GSXH thông qua các tổ chức nâng cao nhận thức của công chúng: Ở Mỹ, các mô hình tổ chức này được phổ biến khá rộng rãi và có vai trò như là cầu nối – vừa giúp công chúng có được cái nhìn toàn diện, đúng đắn về các chính sách, pháp luật của nhà nước, các sắc lệnh của chính phủ, các hành quyết của chính quyền và các quyết định, phán quyết của Tòa án…; vừa thu thập ý kiến, nguyện vọng cũng như khiếu kiện của người dân để đưa đến các cơ quan chính quyền, đề nghị trả lời và xử lý thỏa đáng. Có thể kể tên các tổ chức điển hình như Common Cause, Public Citizen và Centre for Public Intergrity (các Trung tâm trung thực trước công chúng) và tổ chức GAP.

Common Cause thành lập năm 1970 và hiện có 250.000 thành viên, hoạt động với khẩu hiệu “Duy trì chính quyền luôn có trách nhiệm” và nhằm mục đích vì một nền chính trị và chính quyền minh bạch, có đạo đức, một nền tư pháp công bằng, vì công lý. Trong vụ kiện của Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin Việt Nam đối với 37 công ty hóa chất Mỹ về việc sử dụng chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam, tổ chức Common Cause đã có nhiều hỗ trợ đáng kể cho phía Việt Nam trong việc tìm hiểu, tiếp cận các thủ tục tố tụng của Hoa Kỳ cũng như tham gia theo dõi, giám sát quá trình xử lý vụ kiện của các Tòa án liên bang Hoa Kỳ.

Centre for Public Integrity thành lập năm 1990, sử dụng kỹ năng viết phóng sự điều tra về hiệu quả hoạt động hoặc các hành vi tiêu cực trong bộ máy nhà nước, các hành vi ép cung, dùng nhục hình, phân biệt chủng tộc, gây oan sai trong hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Tổ chức “Trách nhiệm chính quyền” (GAP) ra đời vào năm 1977 là tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái, hoạt động vì quyền lợi của các nhân chứng dám đứng ra bảo vệ công chúng, tiến hành các cuộc điều tra để giúp những người chống tiêu cực, lật tẩy các hành vi trả thù, trù dập, đòi hỏi giới quan chức luôn có trách nhiệm và sửa chữa các vấn đề được nêu lên.

Thứ hai, đối với phương thức GSXH thông qua báo chí. Walter Lipmann – nhà bình luận nổi tiếng của Hoa Kỳ cho rằng, báo chí giống như ánh đèn của người đi săn, nó lia đi lia lại không ngừng, đưa hết vụ việc này đến vụ việc khác ra khỏi bóng tối để mọi người nhìn thấy. Thực tiễn cho thấy ở Hoa Kỳ, báo chí có vai trò rất quan trọng và thực sự là một quyền lực đối với chính quyền.

Tại Đức, các thẩm phán cũng như các nhân viên của hệ thống cơ quan tư pháp luôn chịu sự giám sát gắt gao từ công luận và báo chí
Tại Đức, các thẩm phán cũng như các nhân viên của hệ thống cơ quan tư pháp luôn chịu sự giám sát gắt gao từ công luận và báo chí)

 

Cộng hòa liên bang Đức: chủ yếu thông qua công luận và báo chí

Cũng như Hoa Kỳ, Đức là nước có nền hành chính công rất minh bạch và hiện đại (có mô hình chính phủ điện tử) cho nên không có tổ chức chuyên biệt thực hiện chức năng GSXH đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, ở Đức việc GSXH đối với các cơ quan tư pháp cũng được chú trọng và thông qua hai phương thức: thông qua công luận và thông qua báo chí.

GSXH đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp thông qua công luận mang lại hiệu quả rất lớn tại Đức. Để phát huy vai trò của công luận, pháp luật CHLB Đức quy định các cơ quan tư pháp phải công khai, minh bạch mọi hoạt động cũng như các quyết định của mình. Nhờ đó nhân dân có thể theo dõi sát sao mọi hoạt động của các cơ quan cảnh sát, cơ quan công tố và Tòa án. Đặc biệt có thể kiểm tra tính đúng đắn, tính hợp pháp của các quyết định tố tụng mà các cơ quan này đưa ra. Nếu quyền lợi và lợi ích hợp pháp của nhân dân bị xâm hại, nhân dân có quyền khiếu nại, tố cáo, kháng cáo các giải quyết của cơ quan cảnh sát, cơ quan công tố và của tòa án. Đáng chú ý là việc các cơ quan tư pháp giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc kháng cáo của đương sự không chỉ chịu sự theo dõi, giám sát của những người trong cuộc mà hầu như mọi người dân đều có thể cùng theo dõi, giám sát quá trình xử lý mỗi vụ việc đó. Nhờ sự giám sát chung của công luận như vậy mà ý thức trách nhiệm của các nhân viên tư pháp được đặt lên rất cao.

Ở Đức, giám sát thông qua các phương tiện báo chí cũng tác động rất lớn đối với các cơ quan tư pháp vì pháp luật nước này quy định báo chí hoạt động tự do, độc lập và có quyền khá rộng. Ngoài việc đưa ra công luận ý kiến của nhân dân, báo chí còn có thể độc lập điều tra các vụ án hình sự, vụ việc dân sự…để đưa ra công luận, từ đó chính quyền có thể tiếp nhận và đề nghị các cơ quan tư pháp vào cuộc điều tra, xử lý vụ án, vụ việc... Tất nhiên, khi thực hiện những việc này báo chí phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và phải chịu trách nhiệm về những thông tin, kết luận mà mình đưa ra.

(Bài viết có tham khảo thông tin tư liệu trong hai cuốn sách “GSXH đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp theo yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” của TS. Nguyễn Huy Phượng; “Sách trắng: Xây dựng chính trị dân chủ ở Trung Quốc” của Thông tấn xã Việt Nam).

Đàm Lan

Link nội dung: https://phaply.net.vn/mo-hinh-giam-sat-xa-hoi-doi-voi-hoat-dong-cac-co-quan-tu-phap-o-mot-so-nuoc-a165431.html