(Pháp lý) - Với rất nhiều văn bản pháp luật cùng điều chỉnh để tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống tham nhũng và công tác thi hành án kinh tế, tham nhũng như: Luật Tương trợ tư pháp, Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Thi hành án dân sự…những tưởng rằng công tác thu hồi tài sản tham nhũng sẽ đạt được hiệu quả. Thế nhưng, thực tế lại rất đáng buồn.
Nếu xét riêng về công tác thi hành án (THA) đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng thì cơ quan chức năng mới chỉ thu hồi được 4.676,6/59.750 tỷ đồng, tức là chưa đầy 8% tổng số tiền bị thiệt hại (theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ).
Bài viết sau đây đăng tải ý kiến của các chuyên gia pháp luật, chỉ rõ hàng loạt nguyên nhân của thực trạng trên.
Pháp luật nhiều “kẽ hở”, đương sự dễ dàng “tẩu tán” tài sản
Đối với tội phạm kinh tế, tham nhũng, thông thường họ sẽ tìm cách “tẩu tán” tài sản ngay từ khi có được tài sản phi pháp. Do đó, nếu không có cơ chế kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức thì sẽ không có tiền đề để thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn THADS. Tuy nhiên, quy định pháp luật về kiểm soát tài sản cán bộ hiện nay được một số chuyên gia đánh giá không những hở từ khâu phòng ngừa tham nhũng mà ngay cả khi hành vi tham nhũng bị phát hiện, vụ án được khởi tố, truy tố, xét xử, đương sự vẫn có thể tẩu tán tài sản.
Nghị định 78/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập cùng Thông tư hướng dẫn số 08/2013 của Thanh tra Chính phủ mặc dù quy định cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập thuộc sở hữu hoặc quyền sử dụng của mình, của vợ/chồng và con chưa thành niên nhưng lại bỏ qua trường hợp con đã thành niên và hai đối tượng thân thích khác là bố và mẹ. Đồng thời, Luật Phòng chống tham nhũng cũng như Nghị định 78 đều cấm hành vi “tẩu tán tài sản, che giấu thu nhập dưới mọi hình thức” nhưng không hề có cơ chế nào để kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn hành vi này. Trên thực tế, rất nhiều vụ án tham nhũng xảy ra và khi điều tra ra mới rõ tài sản mà người phạm tội có được đã đứng tên của chính bố, mẹ đẻ hoặc con đã thành niên, thậm chí có những trường hợp nhờ cả bạn bè, anh chị em đứng tên.
Bên cạnh đó, việc “tẩu tán” tài sản ra nước ngoài hiện nay rất được các quan tham “ưa chuộng” bởi vì nếu bị phát hiện cũng khó mà thu hồi. Bởi để thu hồi được tài sản ở nước ngoài là cả một quy trình phức tạp dựa trên quan hệ ngoại giao song phương. Đối với những nước chưa ký hiệp định TTTP với Việt Nam thì quá trình thu hồi tài sản tham nhũng còn gặp nhiều rào cản hơn nữa.
Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 62/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS thì: Kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm THA, biện pháp cưỡng chế mà tài sản bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, cầm cố cho người khác… thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để THA. Tưởng chặt chẽ, nhưng quy định này vẫn tạo “cơ hội” giúp người phải THA “tẩu tán” tài sản vào trước thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực nếu các cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) không áp dụng các biện pháp cưỡng chế của TTHS (như kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản). Trên thực tế, hiện tượng này diễn ra khá nhiều. Lãnh đạo Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp từng xác nhận, các cơ quan THADS gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác minh truy tìm tài sản của đương sự do trước đó trong quá trình tố tụng các cơ quan chức năng không kê biên, phong tỏa bất kỳ một tài sản nào của đương sự.
BLTTHS hiện hành quy định CQĐT, VKS, Tòa án có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử đối với bị can, bị cáo bị buộc tội về tội mà BLHS quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại (trong đó có các tội về kinh tế, tham nhũng). Tuy nhiên, trao đổi với Phóng viên Pháp lý, Chấp hành viên (CHV) Nguyễn Thanh Tùng, Cục THADS tỉnh Hưng Yên cho biết, các Điều 128, 129 BLTTHS 2015 chỉ quy định đây là quyền chứ không phải là trách nhiệm để bắt buộc các CQTHTT phải áp dụng. Chính vì vậy, trên thực tế, chỉ khi có đơn yêu cầu của các đương sự là người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì các CQTHTT mới xem xét để áp dụng các biện pháp cưỡng chế. “Tâm lý của các cơ quan này thường là: chả việc gì phải mua thêm việc vào người!”, CHV Nguyễn Thanh Tùng cho biết.
Một kẽ hở nữa của Luật cũng giúp đương sự dễ dàng tẩu tán tài sản: Nếu như phong tỏa tài khoản được áp dụng đối với cả tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội, thì kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với tài sản thuộc sở hữu của người bị buộc tội. Do vậy, càng có lý do để người bị buộc tội cùng người thân của họ tìm cách “sang tên”, “đổi chủ” đối với phần tài sản của mình.
Một bất cập nữa trong quy định của pháp luật gây khó cho công tác THADS đó là: phạm vi các biện pháp bảo đảm THA mà Luật THADS trao cho CHV rộng hơn so với các biện pháp cưỡng chế mà BLTTHS trao cho 3 cơ quan THTT. Theo đó, ngoài phong tỏa tài khoản và kê biên tài sản thì CHV còn cần tạm giữ tài sản, giấy tờ; tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản…Như vậy, một bên là các cơ quan THTT được quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế sớm nhưng lại chỉ bó hẹp trong 2 biện pháp cưỡng chế; một bên là cơ quan THADS dường như ở thế “bị động” khi cần phải áp dụng nhiều biện pháp bảo đảm THA hơn nhưng lại chỉ được tiến hành sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án. Rõ ràng, khoảng “chênh” này chính là một “lỗ hổng” để các đương sự có thể “lách” nhằm “tẩu tán” tài sản và như thế “con voi” có thể chỉ còn là “con kiến” khi đến giai đoạn THADS.
Xác minh, truy tìm tài sản tham nhũng: khó như “mò kim đáy bể”
Để thu hồi được khoản tiền phải THA trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thì xác minh điều kiện THADS là hoạt động hết sức quan trọng và có tính chất quyết định đối với thành công của vụ việc. Trong đó, làm thế nào để xác minh và truy tìm được tài sản đã bị “tẩu tán” là công việc cực kỳ khó. Nguyên nhân chủ quan là đối tượng tham nhũng thuộc nhóm tội phạm về chức vụ, là những người có hiểu biết rất sâu về pháp luật nên họ có khả năng “lách luật” và che giấu tài sản để đối phó với sự phát hiện, thu hồi của cơ quan chức năng (như đã phản ánh ở phần trên). Nguyên nhân khách quan là trong quá trình xác minh, truy tìm tài sản tham nhũng, các cơ quan chức năng liên tục gặp phải khó khăn do sự bất hợp tác, thậm chí là chống đối từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Khi xác minh các tài sản, tài khoản có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng của người phải THA tại cơ quan chức năng: Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng, các TCTD và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải THA, CHV gặp phải không ít khó khăn bởi tâm lý e ngại, thoái thác trách nhiệm của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bà Nguyễn Thị Ngân, Thạc sĩ Luật học, Thẩm tra viên thuộc Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp cho biết: Khoản 6, 7 Điều 44 Luật THADS sửa đổi 2014 đã quy định rõ về trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan. Tuy nhiên lại chưa có chế tài mạnh, phù hợp mang tính bắt buộc đối với các trường hợp không cung cấp thông tin, xác nhận về tài sản của người phải THA. Hiện mới chỉ có Nghị định 67/2015 quy định xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đến 3.000.000 đ đối với hành vi không cung cấp thông tin nếu không có lý do chính đáng (Điều 52). Mức xử phạt này là còn quá nhẹ, nhiều trường hợp sẽ sẵn sàng chịu phạt, đặc biệt là với những cá nhân là người thân, họ hàng của người phải THA. Bởi đây là những đối tượng được “hưởng lợi” nhiều nhất từ hành vi phạm tội của quan tham nhưng cũng có thông tin nhiều nhất về tài sản của họ. Tâm lý của những người này là luôn lo sợ lợi ích đó của mình sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí là bị mất hoàn toàn nếu cung cấp trung thực thông tin về tài sản của đương sự.
Ngoài ra, sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa quy định của Luật THADS với các văn bản pháp luật trong một số lĩnh vực liên quan cũng gây không ít khó khăn cho hoạt động xác minh điều kiện THA:
Theo Luật Cư trú năm 2013, chỉ trừ một số đối tượng nhất định, một cá nhân khi đến nơi khác làm ăn, sinh sống chỉ cần xuất trình chứng minh thư nhân dân để làm tạm trú, mà không cần khai báo tạm vắng tại nơi mà họ đăng ký hộ khẩu thường trú. Nhiều trường hợp, người phải THA trong vụ án kinh tế, tham nhũng không chỉ là bản thân người phạm tội mà còn là những cá nhân khác (không phạm tội) có nghĩa vụ liên quan. Theo đó, đối với những người phải THA này, họ không bị cấm đi khỏi nơi cư trú cũng không phải khai báo tạm vắng, địa phương không nắm được địa chỉ của họ do đó không thể cung cấp cho CHV phụ trách án địa chỉ cụ thể để uỷ thác THA đến nơi người phải THA có điều kiện thi hành.
Bên cạnh đó, pháp luật về tài chính, ngân hàng, dân sự quy định phạm vi quá hẹp về các giao dịch phải thông qua tài khoản, các giao dịch hạn chế sử dụng tiền mặt trong nhân dân…nên không kiểm soát được dòng tiền chuyển dịch; pháp luật về kê khai, đăng ký tài sản (đối với những loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng) chưa đồng bộ, quy củ và chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký tài sản để sử dụng cho việc tra cứu, cung cấp thông tin tài sản; pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức còn mang tính hình thức;…Tất cả những bất cập này khiến cho công tác xác minh, truy tìm tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế mất rất nhiều thời gian và nhiều khi lâm vào “bế tắc”.
Ở một khía cạnh khác, với những tài sản tham nhũng đã bị “tẩu tán” bằng các hợp đồng giả mạo như tặng, cho, chuyển nhượng… mà CHV đã rất vất vả mới truy tìm được thì lại gặp rắc rối với vấn đề chứng minh “có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản THA nhằm trốn tránh nghĩa vụ THA” quy định tại khoản 2 điều 75 Luật THADS sửa đổi 2014. Bởi chỉ khi chứng minh được thì CHV mới có thể tiến hành các thủ tục tiếp theo để xử lý tài sản nhằm thu hồi tiền tham nhũng. Nếu các giao dịch này thực hiện sau khi tài sản bị kê biên thì có thể xác định là “nhằm trốn tránh nghĩa vụ THA” (nhưng con số này thường rất ít). Hầu hết, đương sự thường “tẩu tán” tài sản ngay từ các giai đoạn tố tụng trước đó thậm chí là cả trước khi bị khởi tố, thì CHV phải chứng minh như thế nào? Đây quả là bài toán khó ?
Chưa có cơ chế tịch thu tài sản bất minh
Trong một lần trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Thanh tra Chính phủ cho biết: Một trong những nguyên nhân của việc thu hồi tài sản tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn là vì chỉ có thể thực hiện các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng khi có bản án hình sự của Tòa án. Trong khi quá trình điều tra, truy tố, xét xử là một quá trình kéo dài, các đối tượng phạm tội và người thân của họ dễ dàng tẩu tán tài sản tham nhũng.
Theo đó, ông Sơn cho rằng, để khắc phục tình trạng “chưa THA tài sản của đương sự đã không còn”, thì cần có một cơ chế tạm tịch thu tài sản không chứng minh được nguồn gốc hay còn gọi là “làm giàu bất chính”. Tuy nhiên, hiện nay hành vi “làm giàu bất chính” chưa được BLHS thừa nhận, thậm chí là chưa có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định để xử lý. Liên quan đến vấn đề này, ông Sơn cho biết: “Trong Dự thảo Luật PCTN sửa đổi đã mở rộng đối tượng kê khai tài sản… Khi mở rộng đối tượng kê khai tài sản…những người đó không chứng minh được tài sản thì bị tịch thu tài sản, không phân biệt công chức hay tư nhân”.
Mặc dù vậy, ông Sơn thừa nhận việc tịch thu với phần tài sản kê khai mà không giải trình được là rất phức tạp vì sẽ phải xác định được việc tịch thu theo quy trình nào. “Nếu theo quy trình khởi kiện dân sự thì Luật Tố tụng Dân sự hoặc Luật Dân sự không có quy định nào về việc đó cả. Theo quy trình hành chính hay theo quy trình của Luật Tố tụng Hình sự cũng chưa có nên nếu đặt ra vấn đề này phải có hàng loạt nỗ lực lập pháp, không chỉ sửa đổi Luật PCTN mà còn cần sửa đổi, bổ sung cả những luật khác nữa” – ông Sơn cho biết.
Lan Hương
Link nội dung: https://phaply.net.vn/chuyen-gia-ly-giai-nhieu-nguyen-nhan-a165330.html