Mỗi năm, các nước đang phát triển, bao gồm cả Việt Nam - đang bị thất thu 100 tỉ USD do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia.
"Vạch mặt" thủ đoạn trốn thuế tinh vi
Tổng cục Thuế cho biết hiện nay, đa số các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chỉ thực hiện một khâu trong chuỗi giá trị kinh tế ngành của tập đoàn, chủ yếu là gia công, lắp ráp hoặc sản xuất theo hợp đồng cho công ty mẹ.
Toàn bộ chi phí nguyên vật liệu đầu vào của những doanh nghiệp này do công ty mẹ cung cấp và công ty mẹ cũng bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra. Hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty con tại Việt Nam phần lớn dựa trên bí quyết công nghệ, kỹ thuật, bí quyết kinh doanh, thương hiệu của công ty mẹ.
Xu hướng chung của các tập đoàn đa quốc gia chính là thành lập các trung tâm mua sắm, trung tâm bán hàng và trung tâm nghiên cứu và phát triển (nắm giữ các tài sản vô hình) tại các quốc gia có thuế suất thấp (thậm chí là các thiên đường thuế) nên việc cung cấp nguyên vật liệu, bao tiêu sản phẩm, quản lý tài sản vô hình được tập trung hóa vào một vài công ty trong tập đoàn.
Với điều kiện thành lập doanh nghiệp rất dễ dàng, cùng với chính sách bảo mật thông tin tài chính, bảo mật thông tin về chủ doanh nghiệp của một số 'thiên đường' thuế đã tạo ra cơ hội cho các tập đoàn thành lập các doanh nghiệp vỏ bọc (không có hoạt động thực chất) với các chức năng hoạt động chính như: mua sắm nguyên liệu hàng hóa, bán hàng, nắm giữ vốn, nắm giữ tài sản vô hình... nhằm chuyển lợi nhuận từ các quốc gia đặt cơ sở sản xuất về các 'thiên đường' thuế.
Một số tập đoàn đa quốc gia đã né tránh áp dụng quy định giá chuyển nhượng bằng cách chuyển đổi chủ sở hữu sang một công ty mới thành lập tại 'thiên đường' thuế không có quan hệ sở hữu về vốn với các công ty khác trong cùng tập đoàn, trong khi vẫn thực hiện giao dịch kinh doanh với các công ty là thành viên của tập đoàn trước đây nhưng không thể xác định được mối quan hệ liên kết về vốn đầu tư.
Vì đâu nên nỗi?
Một báo cáo vừa được Oxfam công bố ngày 18.5 cho biết các tập đoàn đa quốc gia lớn đang dùng quyền lực chính trị và khả năng tài chính để tránh thuế với số tiền vận động hành lang đã chi lên đến 2,5 tỉ USD. Ước tính, cứ 1 USD mà các công ty này dùng để vận động về thuế từ năm 2009 - 2015 thì họ giảm mức đóng thuế xuống 1.200 USD.
Các công ty lớn nhất thế giới đang mở chi nhánh tại ít nhất một 'thiên đường' thuế. Hiện mức thuế suất mà các công ty này phải đóng là 25,9%, thấp hơn gần 10% so với mức thuế được quy định trong luật.
Theo Oxfam, mỗi năm các nước phát triển (bao gồm cả Việt Nam) bị thất thu 100 tỉ USD do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Trong khi nếu tính ra, khoản tiền này có thể giúp 124 triệu trẻ em đang phải bỏ học được đến trường và cứu sống 6 triệu trẻ.
Theo bà Nguyễn Thu Hương - chuyên gia của Tổ chức Oxfam, Việt Nam hiện có hơn 30 lĩnh vực khuyến khích đầu tư, 27 lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư; ưu đãi tại 53/63 tỉnh, chưa kể 300 khu công nghệ cao, khu công nghiệp, chế xuất. Các chính sách ưu đãi thuế cũng nằm dàn trải ở các luật, văn bản và do nhiều bộ ngành quản lý. Tuy nhiên, sau 30 năm áp dụng các chính sách khuyến khích đầu tư, hiện vẫn có rất ít số liệu công khai về số giảm thu ngân sách nhà nước do ưu đãi thuế.
Vị chuyên gia này khuyến nghị Việt Nam nên dừng việc giảm thuế suất, từng bước cải thiện hệ thống pháp luật về thuế, cân nhắc yêu cầu công khai báo cáo lợi nhuận liên quốc gia. Bên cạnh đó cần công bố số ngân sách chi ra từ ưu đãi thuế, phân tích chi phí và lợi ích, giảm dần việc sử dụng ưu đãi thuế.
Giải pháp từ chính các nước phát triển
Để chống lại hình thức trốn thuế đang khá phổ biến hiện nay của các tập đoàn đa quốc gia, Hội đồng châu Âu mới đây cho biết sẽ đánh thuế trên lợi nhuận doanh nghiệp tại quốc gia mà doanh nghiệp đóng trụ sở chính.
Ngoài ra, khối Liên minh EU cũng sẽ ấn định mức trần miễn giảm từ thu nhập chịu thuế để tránh trường hợp các tập đoàn chuyển nợ sang các chi nhánh tại các quốc gia có mức miễn giảm cao hơn để trốn đóng thuế. Theo ước tính riêng tại thị trường EU, các tập đoàn đa quốc gia hiện đang trốn đóng khoản thuế lên tới gần 80 tỉ USD/năm.
Với luật mới này, các doanh nghiệp hay tập đoàn đa quốc gia sẽ phải báo cáo cho từng quốc gia cả doanh thu lẫn khoản thuế phải đóng.
Trong khi đó, hơn 30 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã ký một thỏa thuận sẽ chia sẻ thông tin về các tập đoàn đa quốc gia nhằm thúc đẩy sự minh bạch hóa sau khi công luận tỏ thái độ bất bình trước việc các công ty lớn né tránh việc nộp thuế.
Đó là giải pháp từ sự kết hợp của nhiều thành viên khối EU, trong khi đó tại Việt Nam do hoàn cảnh đặc thù của một nước đang phát triển cần mời gọi vốn đầu tư nên bài toán khó khăn hơn nhiều.
Về hướng giải quyết, mới đây Việt Nam đã có nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (hiệu lực từ 1.5) trong đó có điểm đáng chú ý là yêu cầu doanh nghiệp công khai báo cáo lợi nhuận liên quốc gia.
Với quy định mới này, giới chuyên gia cho rằng Nghị định 20/2017/NĐ-CP cho thấy bước tiến rõ rệt của Việt Nam.
Bà Babeth Ngoc Han Lefur, Giám đốc Quốc gia tổ chức Oxfam tại Việt Nam, cho rằng các nước đang phát triển cần xây dựng hệ thống thuế để tăng nguồn thu trong nước, tránh việc phụ thuộc vào các loại thuế gián thu như thuế VAT đang tăng gánh nặng lên người lao động.
Theo MTG
Link nội dung: https://phaply.net.vn/doanh-nghiep-fdi-tron-thue-van-nan-khong-rieng-cua-viet-nam-a165311.html