(Pháp lý) - LTS: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010. Đến nay, sau gần 8 năm thi hành trên thực tiễn, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập làm khó cả người đi đòi bồi thường và cơ quan giải quyết bồi thường. Trước yêu cầu của thực tế xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, thì việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật TNBTCNN là một đòi hỏi bức thiết.
Bài 1: Những thực tế mới cần luật hóa
Dự thảo Luật TNBTCNN (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý một số lần trên cơ sở góp ý của các ĐBQH và các chuyên gia pháp luật. Tuy nhiên đến nay, một số vấn đề lớn vẫn còn ý kiến trái chiều đó là: phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trách nhiệm hoàn trả, mô hình cơ quan giải quyết bồi thường, thủ tục giải quyết bồi thường...
Một số thiệt hại cần được bồi thường
Trong phiên thảo luận mới đây tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên tắc bồi thường như Luật hiện hành, theo đó cho phép giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại, trong quá trình tố tụng. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng cần bổ sung quy định bồi thường do cơ quan chức năng của Nhà nước công bố thông tin sai và bồi thường ngay cả trong trường hợp có thiệt hại mà không có lỗi.
Còn nhớ, trong năm 2015 và năm 2016, trên các trang thông tin điện tử có đưa tin về một số vụ việc phát sinh từ việc công bố thông tin sai sự thật của các cơ quan nhà nước, dẫn đến các thiệt hại nặng nề cả về tài sản và uy tín, thương hiệu của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Cụ thể như vụ việc Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14 thuộc Chi cục QLTT thành phố Hà Nội cung cấp thông tin cho báo chí về một công ty sản xuất thực phẩm, mà sản phẩm xúc xích của công ty này chứa chất cấm, chất gây ung thư.
Tuy nhiên, khi Cục An toàn thực phẩm họp hội đồng khoa học để xem xét việc sử dụng và hàm lượng natri nitrat 251 trong sản phẩm xúc xích Viet foods, kết luận natri nitrat 251 không phải là chất cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Do đó, hàm lượng natri nitrat 251 được phát hiện trong sản phẩm Viet foods là an toàn cho người tiêu dùng. Việc công bố thông tin của một cơ quan nhà nước không chính xác về Viet foods, đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp.
Tương tự, ngày 20/7/2015 trên cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính có đăng tên 600 doanh nghiệp nợ thuế. Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ Tài chính đưa tin, các doanh nghiệp đã lên tiếng việc Bộ Tài chính đưa doanh nghiệp mình vào diện nợ thuế là không chính xác. Qua rà soát, đối chiếu, một số cục thuế các tỉnh, thành phố đã phải thông tin lại về số liệu doanh nghiệp nợ thuế do Bộ Tài chính công bố. Việc công bố thông tin sai về nợ thuế làm ảnh hưởng lớn đến tên tuổi, thương hiệu của nhiều doanh nghiệp.
Thực tiễn cho thấy, không ít cơ quan nhà nước đã công bố thông tin chưa chính xác, làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và doanh thu của doanh nghiệp. Có nhiều ý kiến cho rằng, một trong các biện pháp để góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh là xác định cụ thể trách nhiệm của cơ quan nhà nước, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi có những sai phạm trong hoạt động quản lý làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và doanh thu của doanh nghiệp. Việc quy định cụ thể các trường hợp này có được bồi thường hay không, bồi thường như thế nào lại chưa được đề cập trong dự thảo Luật TNBTCNN (sửa đổi).
Nhiều chuyên gia pháp luật trong quá trình góp ý sửa đổi Luật này cũng đưa ra đề nghị cần thể chế trong luật quy định về việc bồi thường ngay cả khi không có lỗi. Quy định này sẽ có ý nghĩa trong các vụ bồi thường nhà nước, vì nguyên đơn thường là những người không có điều kiện (khả năng) để chứng minh chủ thể vi phạm có lỗi hay không, nên nhà làm luật cần xem xét quy định chủ thể vi phạm phải bồi thường ngay cả khi không có lỗi như được quy định tương tự tại điều 623 và 624 Bộ luật Dân sự Việt Nam.
Nói về phạm vi bồi thường trong khi thảo luận Luật này, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh: Cần lưu ý việc bồi thường trách nhiệm của nhà nước hướng đến hai mục tiêu: vừa đảm bảo quyền công dân, vừa đảm bảo hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, làm sao để cán bộ không chùn tay khi thi hành công vụ.
Mở rộng phạm vi bồi thường là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội. ĐB Hoàng Thanh Tùng không đồng tình quy định chỉ bồi thường cho người thân của người bị oan trong trường hợp người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự chết vì trên thực tế người thân thích của người bị oan cũng phải chịu tổn hại nghiêm trọng về tinh thần không chỉ trong trường hợp người bị oan chết mà cả trong trường hợp họ bị tù oan, bị giam giữ sai.
Ông Tùng nhấn mạnh: “Trong một số vụ bồi thường lớn gần đây đều có bồi thường thiệt hại cho người thân thích của người bị tù oan nên phải nghiên cứu để quy định vào trong luật này”, đồng thời kiến nghị quy định mức bồi thường cho tất cả những người thừa kế thuộc hàng thứ nhất của người bị oan theo tỉ lệ có thể bằng 1/2 hay 1/3 khoản tiền bồi thường thiệt hại tinh thần đã được giải quyết cho bản thân người bị oan.
Xác định rõ trách nhiệm bồi thường của cá nhân
Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp tại Hội nghị Tổng kết toàn quốc 6 năm thi hành LTNBTNN, từ ngày 01/01/2010 đến ngày 31/12/2015, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý, giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường, trong đó, đã giải quyết xong 204 vụ việc (đạt tỷ lệ 79%), còn 54 vụ việc đang giải quyết, với tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường là 111 tỷ 149 triệu 416 nghìn đồng. Tuy nhiên từ các vụ việc cho thấy, số tiền hoàn trả là rất thấp so với số vụ việc mà cơ quan có TNBT đã giải quyết cũng như với số tiền Nhà nước đã phải chi trả cho người bị thiệt hại. Công chức có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại (đã thực hiện TNHT) chưa được xử lý nghiêm về trách nhiệm kỷ luật hành chính tương xứng với hành vi gây thiệt hại và kinh phí Nhà nước đã chi trả cho người bị thiệt hại.
Từ thực tế đó, trong quá trình thảo luận luật nhiều ý kiến cho rằng, cần phải tăng mức bồi hoàn để tăng trách nhiệm của công chức. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cho rằng: “Nhà nước cũng “bao” hết nên có trường hợp cán bộ cố ý làm sai vì nghĩ đã có Nhà nước đứng ra bồi thường. Vì thế, ngoài trách nhiệm Nhà nước phải quy định cả trách nhiệm cá nhân, không để Nhà nước bố trí ngân sách bồi thường, còn trách nhiệm của cá nhân liên quan bị bỏ lọt”. Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hải Phong cũng thấy có sự phi lý khi “Nhà nước lại đứng ra bồi thường thay cho người vi phạm” nên đồng tình với quan điểm: “Cá nhân làm sai thì phải chịu trách nhiệm”.
Quỹ bồi thường: Độc lập hay từ ngân sách ?
Vấn đề nguồn tài chính để bồi thường nhà nước cũng là vấn đề gây tranh cãi trong dự thảo Luật. Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị thành lập Quỹ bồi thường độc lập, nguồn thu của quỹ được trích từ một phần tiền phạt xử lý vi phạm hành chính, tiền do phạm tội mà có, tiền hoàn trả của người thi hành công vụ và một số nguồn thu hợp pháp khác; cơ quan quản lý bồi thường nhà nước quản lý, chi trả và quyết toán quỹ theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Sửa Luật để “gỡ khó” cho người đi đòi bồi thường
Ngay sau khi ra tù, được giải oan về tội giết người, ông Huỳnh Văn Nén và các luật sư, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông đã bắt tay vào một hành trình mới gian nan không kém, đó là việc đi đòi bồi thường thiệt hại. Trong khi ông Nén đòi bồi thường 18 tỷ đồng cho gần 17 năm ngồi tù oan, bao gồm các khoản như thiệt hại về tinh thần, kinh tế, tổn thất sức khỏe, uy tín danh dự người thân, thăm nuôi, hành trình kêu oan... thì phía TAND tỉnh Bình Thuận chỉ chấp nhận bồi thường rất thấp. Lần 1 cơ quan này chấp nhận trả 10,5 tỷ đồng. Lần 2, hơn 7 tỉ đồng. Lần 3, TAND tỉnh Bình Thuận đột ngột thay đổi, chỉ đồng ý bồi thường cho ông Nén tổng cộng là hơn 2,6 tỷ đồng... Lần thương lượng thứ 5, tháng 11/2016, TAND tỉnh Bình Thuận đã chấp nhận số tiền hơn 5 tỷ đồng.
Một vụ oan sai khác là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Sau 10 năm tù oan, ông Chấn đòi bồi thường với mức 9,3 tỷ đồng. Tuy nhiên sau thương lượng, hai bên thỏa thuận ở mức 7,2 tỷ. Đây là mức ông Chấn đã chấp nhận để bắt đầu lại cuộc sống vốn rất nhiều khó khăn. Chỉ có điều, để vụ bồi thường này đi đến hồi kết, ông Chấn và đại diện của ông đã phải nộp cả trăm loại giấy tờ vào hồ sơ yêu cầu bồi thường.
Nhiều luật sư trong quá trình đồng hành với thân chủ đi đòi bồi thường cho rằng các quy định về trình tự, thủ tục, tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị bồi thường để xét bồi thường còn phức tạp, phải qua nhiều cấp có thẩm quyền thẩm định ngay cả khi đã thống nhất về khoản tiền bồi thường nên đã làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại và uy tín của Nhà nước. Thực tế, chưa có vụ việc nào cấp kinh phí bồi thường, chi trả tiền bồi thường đúng thời hạn.
Trước những bất cập đó, có ý kiến cho rằng cần đơn giản thủ tục yêu cầu bồi thường, quy định rõ quyền của người bị thiệt hại trong việc lựa chọn yêu cầu cơ quan nhà nước giải quyết bồi thường theo quy định của Luật này hoặc khởi kiện ra Tòa án yêu cầu bồi thường. Đồng thời, cho phép kết hợp giải quyết bồi thường ngay trong quá trình giải quyết khiếu nại hoặc trong quá trình tiến hành tố tụng. Bởi vì, bồi thường nhà nước về bản chất là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, việc giải quyết bồi thường cần bảo đảm tôn trọng sự thỏa thuận của các bên.
Đồng thời, cũng không nên giới hạn việc bồi thường nhà nước phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này mà nên quy định việc giải quyết bồi thường có thể được thực hiện kết hợp trong quá trình giải quyết khiếu nại hoặc trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính như quy định của Luật hiện hành. Như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí cho cả cơ quan nhà nước và người bị thiệt hại. Quy định này cũng phù hợp với quy định tại nhiều luật hiện hành như Luật khiếu nại năm 2011, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và Luật Tố tụng Hành chính năm 2015.
Bồi thường và xin lỗi
Một vấn đề quan trọng khác liên quan đến TNBTCNN là vấn đề xin lỗi người bị oan, nhiều người bị oan có nhu cầu chính đáng là được Nhà nước tổ chức công khai xin lỗi kịp thời để phục hồi danh dự sau khi bị kết án oan. Tuy nhiên, dự luật vẫn quy định là người bị oan phải có đơn đề nghị nhà nước mới xin lỗi. ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) không đồng tình với quy định này ở dự luật. Trên cơ sở đó, ĐB Thủy đề nghị sửa luật theo hướng trong thời hạn 10 ngày kể từ khi có văn bản xác định một người bị oan, cơ quan làm sai có trách nhiệm tổ chức xin lỗi người bị oan, trừ trường hợp người bị oan đề nghị không tổ chức xin lỗi công khai.
Minh Minh (tổng hợp)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/sua-luat-trach-nhiem-boi-thuong-cua-nha-nuoc-mot-yeu-cau-buc-thiet-a165002.html