“An ninh trật tự xấu, kéo dài thì bí thư, chủ tịch ở cơ sở đó, địa phương đó, trưởng công an ở đó phải chịu trách nhiệm theo tinh thần Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong phiên họp trực tuyến với các địa phương về vấn đề an ninh trật tự, hôm 15/5.
Nguồn tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết, tại phiên họp này, nêu rõ tinh thần Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị về trách nhiệm người đứng đầu, Thủ tướng cho rằng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm về tình hình an ninh trật tự và tổ chức thực hiện, kiểm tra, xử lý kịp thời các yếu tố có thể dẫn tới mất an ninh trật tự ở địa phương, nhất là tăng cường củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt địa bàn có vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, kéo dài liên quan đến thu hồi, giải phóng mặt bằng triển khai dự án.
Ông cũng nhấn mạnh, phải nêu cao trách nhiệm cá nhân, trước hết là những người lãnh đạo, trong việc bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương, chứ không chỉ nói trách nhiệm chung chung.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng nói, bạn bè thế giới khen ngợi sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam chính là an ninh trật tự tốt. Du khách, nhà đầu tư yên tâm. Đóng góp vào kết quả này có thành tích lớn của các lực lượng chức năng công an, quân đội và các lực lượng khác.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, công tác nắm dân, vận động dân, đặc biệt là nắm tình hình còn bị động, lúng túng. Một số trường hợp chưa phối hợp tốt, còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm, chưa thực hiện nghiêm pháp luật. Chưa chủ động nghiên cứu các vấn đề xã hội để xử lý một cách khoa học.
“Về nhiệm vụ, giải pháp thì các đồng chí đều nêu là cần nhận thức lại tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển đất nước. Và tất cả chúng ta phải đề cao trách nhiệm cá nhân của từng đồng chí phụ trách lĩnh vực, các ngành, địa phương để bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài.
Ông nêu rõ, mọi nhiệm vụ, mọi hoạt động đều phải gắn với yêu cầu giữ an ninh trật tự. Kế hoạch gì, hành động gì mà có nguy cơ dẫn tới bất ổn thì cần hết sức thận trọng, phải tính toán kỹ lưỡng, có giải pháp để không ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Phải mở đợt tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo đảm an ninh trật tự. Các bộ, ngành, địa phương bên cạnh việc chỉ đạo phát triển sản xuất kinh doanh phải chỉ đạo quyết liệt bảo đảm an ninh trật tự.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có lực lượng kiểm lâm rất lớn thì chủ trì trong việc bảo vệ rừng tự nhiên thế nào? Bộ Công Thương chống vi phạm trong bán hàng đa cấp làm sao? Bộ Tài nguyên và Môi trường có chủ trương xử lý vấn đề khiếu nại, tố cáo về đất đai thế nào?”, Thủ tướng nói. “Hay Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp tuyên truyền thế nào? Thanh tra Chính phủ củng cố công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp dân, không để xảy ra điểm nóng ra sao?”.
“Chủ tịch các tỉnh đã đối thoại với dân chưa, đã lắng nghe dân để giải quyết thấu tình, đạt lý chưa, đã đi sát, kiểm tra kết luận của mình đúng sai ra sao”, Thủ tướng bày tỏ và nhấn mạnh tinh thần “4 tại chỗ”, giải quyết các vấn đề, vụ việc ngay ở địa phương, ở cấp cơ sở.
Bên cạnh đó, các địa phương huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp và nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tăng cường quản lý giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội đối với thanh niên, sinh viên, học sinh.
Theo Thủ tướng, phải rà soát lại việc triển khai các dự án liên quan đến thu hồi đất. Có chuyên đề giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp, khiếu kiện khi mới phát sinh, làm sao bảo đảm lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, không để các phần tử xấu kích động, lôi kéo, xuyên tạc, chống phá. Giải quyết khiếu kiện đất đai phải có lý, có tình, có vận động thuyết phục.
Bộ Công an cần tăng cường chỉ đạo xây dựng, củng cố lực lượng, chủ động phối hợp kịp thời chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương để giải quyết mọi tình huống xấu có thể xảy ra, đặc biệt là chủ động tham mưu cho cấp ủy chính quyền các cấp. Cần chủ động nắm tình hình kỹ hơn, chủ động phòng ngừa tốt hơn và đưa ra phương án đấu tranh, ngăn chặn mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn để bảo đảm an ninh trật tự.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc xây dựng, triển khai phương án ứng phó các tình huống phức tạp có thể xảy ra. Chủ động bố trí lực lượng phối hợp với các địa phương làm tốt công tác dân vận.
Các bộ, ngành cần rà soát, làm rõ các bất cập, hạn chế về cơ chế chính sách như mặt nào liên quan đến khiếu kiện kéo dài phức tạp thì bộ đó phối hợp với Bộ Tư pháp để đề xuất sửa đổi, nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp…
Nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Bộ Công an và cơ quan liên quan có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, chủ động phát hiện, ngăn chặn, phản bác các luồng thông tin xuyên tạc, sai sự thật, kịp thời cung cấp thông tin chính thống để định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Theo VnEconomy
Link nội dung: https://phaply.net.vn/an-ninh-trat-tu-xau-thi-bi-thu-chu-tich-phai-chiu-trach-nhiem-a164993.html