Sẽ có bước tiến mới trong quản lý nợ công

Sau 6 năm thực hiện, Luật Quản lý nợ công năm 2009 đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam huy động vốn, bù đắp NSNN và đầu tư phát triển. Luật cũng là nền tảng để quản lý nợ công theo mục tiêu, Chiến lược Quản lý nợ công đã được Chính phủ phê duyệt và đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ công mà Quốc hội phê chuẩn.

Đó là đánh giá của thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà tại hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) được tổ chức sáng này (12-5) tại Ninh Bình. Hội thảo được tổ chức bởi Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội với sự hỗ trợ của Ngân hành Phát triển châu Á (ADB).

Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, để sửa Luật, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quản chủ trì soạn thảo đã phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tổng kết 6 năm thực hiện Luật Quản lý nợ công hiện hành, nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế và xây dựng dự thảo Luật để trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách, Bộ Tài chính đã tiếp thu và giải trình dự án Luật, trình lại Chính phủ để sẵn sàng trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5-2017.

Tuy nhiên, hiện nay, môi trường pháp lý đã có sự thay đổi. Quốc hội đã ban hành Hiến pháp mới (năm 2013), nhiều văn bản pháp luật liên quan như Luật NSNN 2015, Luật Đầu tư công cũng mới được ban hành và sửa đổi. Mặt khác, yêu cầu về quản lý nợ công thời điểm hiện tại cũng có sự thay đổi, đòi hỏi quản lý nợ phải chặt chẽ, an toàn hơn trong bối cảnh nợ công ở trong nước và khu vực. Do đó, tất yếu Luật Quản lý nợ công cần phải được sửa đổi.

 Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật quản lý nợ công
Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật quản lý nợ công)

Đại diện Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới đều cho rằng, hiện tại là thời điểm quan trọng của Việt Nam vì một số khó khăn về ngân sách đã xuất hiện, môi trường chung cũng đã có nhiều thay đổi, cùng với việc tốt nghiệp IDA, chi phí vay nợ từ các tổ chức quốc tế tăng lên sẽ là những thách thức lớn. Tuy nhiên, cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn quốc tế đa dạng hơn cho sự phát triển. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có một hệ thống tiên tiến hơn để quản lý nợ công.

Ông Eric Sidwick - Giám đốc quốc gia ADB khuyến nghị: Chính phủ cần đánh giá lại những hạn chế trong sử dụng vốn vay ưu đãi bao gồm sử dụng vốn cho đầu tư vốn, tăng cường năng lực, giải phóng mặt bằng, tái định cư,... Những vấn đề này thời gian qua không được xử lý tốt dẫn đến chậm và đội vốn hay nói cách khác là việc xử lý dự án ở cấp vi mô không tốt đã ảnh hưởng đến sự bền vững của các dự án cơ sở hạ tầng, từ đó gây trở ngại cho hiệu quả chung của công tác quản lý nợ công.

Ông Nguyễn Hữu Toàn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách nêu một số điểm quan trọng cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước. Trước hết, về phạm vi nợ công, hiện nay có nhiều ý kiến nhất trí với dự Luật gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương và không tính nợ tự vay tự trả, nợ DNNN, nợ Ngân hàng Nhà nước để điều hành chính sách tiền tệ vào phạm vi. Có một số ít ý kiến lại cho rằng phạm vi nợ công phải bao gồm cả nợ DNNN vì đây là khoản nợ khá lớn và Nhà nước cũng đóng góp phần vốn lớn tại các DN này.

Vấn đề thứ 2 là chỉ tiêu an toàn nợ công. Hiện nay, các chỉ tiêu này được Quốc hội quy định như sau: nợ công là 65%/GDP, nợ Chính phủ 54%/GDP, tỷ lệ trả nợ 25% ngân sách. Các chỉ tiêu này hiện đang được quy định lồng ghép trong chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan.

Đặc biệt, các đại biểu Quốc hội khá quan tâm đến quy định đối tượng cấp bảo lãnh Chính phủ và vay về cho vay lại. Tháng 7 tới, khi Việt Nam “tốt nghiệp IDA” - dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển quốc tế, chi phí các khoản vay sẽ tăng lên, do đó, việc cân nhắc khi bảo lãnh hoặc cho vay lại các nguồn vốn là rất quan trọng nhằm đảm bảo khả năng trả nợ.

Theo PLXH

Link nội dung: https://phaply.net.vn/se-co-buoc-tien-moi-trong-quan-ly-no-cong-a164838.html