"Hoa cúc xanh" là tuyển tập các truyện ngắn chọn lọc từ tập truyện “Túi truyện thứ nhất & Túi truyện thứ hai” của Karel Capek.
Tập sách bao gồm 40 truyện ngắn được viết dưới hình thức “trinh thám” nhưng mỗi truyện chỉ khoảng 7 – 10 trang sách và không có những suy luận lắt léo hay những tầng lớp bí ẩn của sự truy tìm và chất vấn như những truyện trinh thám thông thường.
Ở từng truyện thường có những người kể thân thuộc mà ta có thể gặp khi đi trên đường, sang nhà hàng xóm, vào tòa án, gặp gỡ trên chuyến tàu, cùng dùng bữa tối... Tưởng như chỉ đang cùng nói chuyện phiếm, rất tự nhiên, rất nhẹ nhàng, “tôi kể cho anh nghe nhé”; “ông Tymich nói”; “trung sĩ cảnh sát Brenjcha nói”... Karel vào truyện ngay lập tức, vừa đủ gợi sự tò mò háo hức cho người đọc.
Những truyện ngắn trong Hoa cúc xanh đều mang đậm dấu ấn của một đời sống xã hội bình dân ở Czech mấy thập niên đầu thế kỷ 20.
Trong truyện của Capek, ông giải quyết những tình thế khó xử bằng những cách thức tình cờ, ẩn chứa đầy bí ẩn trong một giọng văn hài hước, tếu táo nhưng cũng đượm chất thơ, biểu lộ một tâm hồn tác giả tinh tế.
Capek không quan tâm đến tính chất bí ẩn cơ học của câu chuyện mà lưu tâm đến những bí ẩn thiết yếu trong sự tồn tại của con người. Một điện tín mã hóa làm cho gia đình nghi ngờ con cái họ, một người đàn ông bị ám ảnh bởi những vết chân trên mặt tuyết, một cộng đồng tự hỏi tại sao đứa trẻ duy nhất có khả năng tìm thấy loại hoa cúc xanh độc nhất trong khi họ đã lục tìm khắp nơi mà không thấy bóng dáng... Để từ những bí ẩn ấy mà khám phá ra thế giới sâu hoắm, tăm tối, nhưng cũng rực rỡ, lấp lánh của loài người.
Trong truyện ngắn Hoa cúc xanh, vì chữ biển cấm, mà không một người nào dám vượt qua đường tàu, chỉ có cô bé điên Klara có khả năng tìm ra được bông hoa cúc xanh, một loài hoa hiếm có, tuyệt mỹ của thế gian. Câu chuyện là một điển hình cho tư tưởng của tác giả, hoa cúc xanh là trở một biểu tượng của cái đẹp.
Klara hơi ngờ nghệch so với định ước con người xã hội nhưng vẫn biết tìm ra cái đẹp như một bản năng mang lại vẻ đẹp và niềm yêu thích cho mọi người. Đồng thời, Capek cũng tạo nên tiếng cười mỏng mảnh giữa những con người tuân thủ pháp luật (vì biển cấm đi nên không bao giờ tìm được hoa cúc xanh), hay có thể xem là những người mang nặng những quy ước xã hội, sống thuận theo quy ước, và vì thế không thể đến gần với cái đẹp của bản năng và tự nhiên.
Nếu đặt truyện ngắn ở một tầng sâu hơn nữa, người đọc có thể nhận ra được “tuyên ngôn” nghệ thuật của Capek ở đây. Việc viết, nếu cứ thuận theo quy ước xã hội, tuân thủ nghiêm ngặt những “biển cấm”, thì mãi mãi sẽ không chạm được vào cái Đẹp thực sự. Việc viết, cũng giống như bất kể ngành sáng tạo nào, đều cần “chất điên” để phá bỏ quy ước.
Capek trong truyện ngắn không khiến người đọc choáng ngợp với những vấn đề tiên tri về xã hội hội loài người như với Khi loài vật lên ngôi hay R.U.R - Các robot toàn năng của Rossum, Capek ở đây viết nhẹ nhõm bằng những ngôn ngữ có sức rung cảm mãnh liêt, chạm mở đến tâm tư của con người. Thế giới trong Hoa cúc xanh là một thế giới sinh động đầy tính nhân văn, hướng tới những cái tôi đích thực và ca ngợi quyền sống đẹp của con người.
Người kể chuyện trong Người đàn ông mất ngủ, đã nói về sự đau khổ ban đêm của mình bằng những ký ức đau đớn, để rồi từ những đêm mất ngủ ấy mà đi đến những suy tưởng vô cùng đẹp đẽ, điềm tĩnh và bao dung.
“Giấc ngủ là nguồn nước sâu và tối. Ở đó mọi thứ trôi đi, mọi thứ mà chúng ta không biết hay không nên biết. Cái buồn tủi nằm trong chúng ta nổi lên rồi chảy đi trong lúc bất tỉnh, cái mà không có bờ bến.... Giấc ngủ vô cùng tốt bụng, tha thứ cho chúng ta và cả những kẻ mắc lỗi với chúng ta”
Hay trong truyện Cây xương rồng bị lấy trộm, sau khi tìm ra kẻ trộm cây xương rồng thì người bị trộm và kẻ ăn trộm lại như tìm thấy được tri kỉ của mình: “Các vị ạ, các vị có biết điều gì xảy ra khi hai người ấy gặp nhau không? Suốt đêm cả hai ở lại trong nhà kính và đi ngắm hết ba mươi sau nghìn chậu. Anh Holand ạ, ông già nói với tôi, đây là người đầu tiên hiểu về xương rồng”
Cái ấm áp nhỏ bé nhưng rực rỡ về con người như thế bao trùm trong những truyện ngắn của Capek, khiến người đọc rơi vào chiêm nghiệm và suy tưởng.
Lối viết nhẹ bẫng của Capek trong Hoa cúc xanh tưởng đơn giản nhưng lại vô cùng cầu kỳ, nhất là khi mỗi câu chuyện đều có những sức nặng của riêng nó, tác giả đã thật tinh tế để lựa chọn giữ điều gì và bỏ điều gì để nội dung sao cho thật cô đọng với một hệ thống từ ngữ chuẩn xác khó thay thế.
Hoa cúc xanh là một kiệt tác truyện ngắn. Một tác phẩm nhỏ nhưng đủ sức khiến Capek nổi tiếng, và trở thành nhà văn sắc sảo được ghi nhớ của thế kỷ XX. Độc giả có thể thong thả thưởng thức những câu chuyện trong Hoa cúc xanh, có thể đọc đi đọc lại mà vẫn luôn cảm thấy đầy cảm hứng và niềm thích thú.
Karel Čapek được xem là biểu tượng văn hóa của Nền Cộng hòa Tiệp Khắc thứ nhất (1918- 1938). Ông mất vì bệnh phổi vào ngày 25/12/1938. Karel Čapek để lại một di sản văn học và báo chí và nhiếp ảnh đồ sộ. Sáng tác của ông nhanh chóng được Âu hóa, tới mức được để cử giải Nobel văn học 8 lần liên tục (1932 – 1938).
Theo ZIng
Link nội dung: https://phaply.net.vn/hoa-cuc-xanh-kiet-tac-truyen-ngan-cua-karel-capek-a164793.html