Xin lỗi người bị oan sao cho thỏa đáng ?

(Pháp lý) - Nhìn lại một số buổi xin lỗi người bị oan trong thời gian qua, thấy có nhiều vấn đề bất cập, cần xem lại...

Ngày 25/4, tại hội trường UBND xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, Bắc Giang, TAND cấp cao tại Hà Nội tổ chức công khai xin lỗi ông Hàn Đức Long - người 4 lần bị kết án oan và đã ngồi tù 11 năm. Đáng tiếc là buổi lễ bị gia đình của nạn nhân trong vụ án mà trước đó ông Long bị vướng vào đã phản ứng dữ dội với lý do là chưa tìm ra thủ phạm gây thiệt mạng cho bé gái 5 tuổi. Khi đại diện TAND cấp cao tuyên đọc văn bản xin lỗi thì đám đông càng náo loạn, một số đối tượng còn có hành động ném dép về phía đại diện Tòa án đang đọc lời xin lỗi. Người được xin lỗi là ông Hàn Đức Long và vợ thì đứng nép bên sân khấu.

Có thể nói, buổi xin lỗi không đạt mục đích đề ra, không thể hiện được sự trân trọng, chân thành trong việc xin lỗi công dân bị oan; không thể hiện được quyền uy của cơ quan xét xử trên tinh thần cải cách tư pháp.

Nhân sự cố này, nhìn lại một số buổi xin lỗi người bị oan trong thời gian qua thì thấy có nhiều vấn đề đáng bàn. Bất cập rõ nhất là do chưa có văn bản hướng dẫn thể thức tổ chức buổi xin lỗi người bị oan cho thống nhất tại các địa phương, tại các cơ quan có trách nhiệm xin lỗi. Vì thế, như vụ xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) thì người bị oan không được tặng hoa, trong khi nhiều vụ khác có tặng hoa; có nơi tổ chức xin lỗi thì cơ quan xin lỗi ngồi ngang với người bị oan nhưng có nơi như vụ xin lỗi ông Trần Văn Thêm (Bắc Giang), bà Trần Thị Lan (Bắc Kạn) thì cơ quan xin lỗi ngồi trên bục, còn người bị oan ngồi dưới, khi phát biểu phải nhìn lên... Có buổi xin lỗi diễn ra quá nhanh, người bị tù oan 4 năm nhưng buổi xin lỗi diễn ra trong 5 phút khiến người bị oan bật khóc...

 Ông Ngô Hồng Phúc, Phó Chánh Toà phúc thẩm TAND Tối cao xin lỗi, tặng hoa ông Nguyễn Thanh Chấn (người bên trái)
Ông Ngô Hồng Phúc, Phó Chánh Toà phúc thẩm TAND Tối cao xin lỗi, tặng hoa ông Nguyễn Thanh Chấn (người bên trái))

Vì vậy, để bảo đảm nghi thức tổ chức buổi xin lỗi được thống nhất, rất cần có văn bản hướng dẫn của các cơ quan tư pháp trung ương để bảo đảm đủ trang trọng mà không quá khô khan, cứng nhắc, đủ chân thành mà không dẫn đến suồng sã; bảo đảm để người bị oan thấy thỏa đáng mà các cơ quan đứng ra xin lỗi giữ được uy tín của mình trước nhân dân. Văn bản hướng dẫn nên chi tiết, cụ thể như: Nội dung ghi trên bảng chữ tại Hội trường; thành phần tham dự, ngoài chính người bị oan là thân nhân, gia đình họ, đại diện chính quyền địa phương (cấp xã); vị trí ngồi; những ai phát biểu cũng nên ghi rõ, ví dụ đại diện cơ quan tố tụng, sau đó đến người bị oan và cuối cùng là lời chúc mừng, động viên, chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương...

Sau vụ xin lỗi ông Hàn Đức Long, cũng có nhiều ý kiến khác nhau về việc tổ chức xin lỗi người bị oan hiện nay. Một Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội thì cho rằng, Luật qui định việc xin lỗi, cải chính công khai được tổ chức tại nơi cư trú hay làm việc của người bị thiệt hại nhưng không nhất thiết phải tổ chức tại cấp xã, phường mà có thể ở cấp quận huyện, nơi người được xin lỗi cư trú hoặc làm việc. Như vậy thì cơ quan tổ chức có nhiều lựa chọn hơn để bảo đảm buổi lễ được diễn ra nghiêm túc, đúng yêu cầu đặt ra. Riêng vụ xin lỗi ông Hàn Đức Long thì Thẩm phán này cho rằng người dân đã có hành vi gây rối, xúc phạm Tòa án rất đáng trách. Việc chưa tìm ra thủ phạm sát hại cháu bé không thuộc trách nhiệm của Tòa án và không vì thế mà ngăn cản việc xin lỗi người bị truy tố, kết án oan. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho công tác tổ chức xin lỗi người bị oan.

 Một buổi công khai xin lỗi người bị oan (ảnh minh họa)
Một buổi công khai xin lỗi người bị oan (ảnh minh họa))

TS Phạm Minh Tuyên – Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, Tòa án nhanh chóng sửa sai, trả tự do rồi tổ chức xin lỗi ông Hàn Đức Long là những hoạt động rất tích cực. Để xảy ra sự cố vừa rồi thì có hai điều cần lưu ý, đó là phải xử lý nghiêm những người gây rối, coi thường pháp luật và thứ hai là rút kinh nghiệm về khâu bảo đảm an ninh trật tự tại buổi xin lỗi. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cần nhanh chóng đưa thủ phạm của vụ án ra ánh sáng, để giải tỏa ức chế cho gia đình nạn nhân cũng như trả lại sự trong sạch cho người bị oan.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn ( Công ty Luật TNHH Trường Lộc) cho rằng việc xin lỗi người bị oan là rất cần thiết nhưng không nhất thiết phải tổ chức rầm rộ, tốn kém và nặng hình thức như vừa qua. Theo LS. Tuấn, nên chăng đại diện cơ quan xin lỗi cùng đại diện chính quyền địa phương đến nhà người bị oan trực tiếp xin lỗi một cách chân tình, sau đó đăng nội dung văn bản xin lỗi lên các phương tiện truyền thông là đủ.

Ông Ngô Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC cho hay: “Tôi chưa thấy nước nào trên thế giới đi tổ chức xin lỗi người bị oan như Việt Nam. Ở Na uy và Nhật Bản chẳng hạn, người bị oan sai sẽ làm đơn yêu cầu cơ quan giải quyết bồi thường (thuộc Bộ Tư pháp) giải quyết. Nếu đương sự không đồng ý với kết quả giải quyết của cơ quan bồi thường thì kiện ra Tòa án theo thủ tục dân sự, không có chuyện các cơ quan Cảnh sát, Công tố, Tòa án phải đi xin lỗi. Việt Nam ta có lẽ cũng nên bỏ thủ tục xin lỗi này và giao việc giải quyết bồi thường cho một đầu mối giống như ở nước ngoài. Về số tiền bồi thường ở Việt Nam hiện nay, nhiều vụ bồi thường số tiền lớn và quá trình thương lượng khá phức tạp, khó khăn, trong khi đó ở Nhật Bản thì qui định một số mức, ví dụ bị tuyên án tử hình oan thì mức bồi thường là 30 triệu yên. Nhờ đó mà việc giải quyết bồi thường không quá phức tạp”.

 Cụ Trần Văn Thêm (người thứ 2 từ trái qua) trong ngày được công khai xin lỗi
Cụ Trần Văn Thêm (người thứ 2 từ trái qua) trong ngày được công khai xin lỗi)

Ở lĩnh vực lập pháp, Quốc hội chuẩn bị sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 vì những bất cập đã bộc lộ sau gần 8 năm thi hành. Luật hiện hành quy định quá nhiều cơ quan giải quyết bồi thường (từ các cấp ở địa phương đến Trung ương có trên 28.000 cơ quan) dẫn tới việc giải quyết bồi thường không thống nhất, thiếu tính chuyên nghiệp vì cơ quan giải quyết bồi thường chủ yếu ở xã, phường, thị trấn (cấp xã) và quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện) (hơn 24.000 cơ quan). Luật cũng qui định về trình tự, thủ tục bồi thường chưa chặt chẽ, còn rườm rà, thời hạn giải quyết kéo dài... Dự thảo sắp được xem xét thông qua sẽ rút ngắn thủ tục, đã giảm hơn 10 lần số lượng cơ quan giải quyết bồi thường so với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009; nâng cao trách nhiệm của cơ quan cấp trên trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý của mình; góp phần khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải quyết bồi thường, hạn chế tình trạng không xác định được cơ quan giải quyết bồi thường; phát huy năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức cấp tỉnh, cấp huyện để tăng cường hiệu quả hoạt động giải quyết bồi thường của các cơ quan nhà nước, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.

Mong rằng khi thảo luận, thông qua tại Quốc hội, dự luật sẽ được xem xét thấu đáo hơn dựa trên thực tiễn áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, cũng như những bất cập nhìn từ các vụ xin lỗi người bị oan được dư luận quan tâm theo dõi thời gian qua.

Thái Vũ

Link nội dung: https://phaply.net.vn/xin-loi-nguoi-bi-oan-sao-cho-thoa-dang-a164745.html