Thanh tra đất vàng DNNN cổ phần hóa: Câu hỏi tham nhũng

Những người giữ trọng trách chỉ đạo cổ phần hóa DNNN nhưng buông lỏng quản lý phải chịu trách nhiệm.

Chỉ được cổ phần hóa tài sản trên đất

Hoàn toàn ủng hộ kiến nghị rà soát việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hoá từ phía Bộ Tài chính, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng phải bịt ngay lỗ hổng gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước.

 Dự án PVV-Vinapharm 60B Nguyễn Huy Tưởng... cũng nằm trong danh bị đề nghị thanh tra
Dự án PVV-Vinapharm 60B Nguyễn Huy Tưởng... cũng nằm trong danh bị đề nghị thanh tra)

Ông Liêm cho rằng, những vấn đề Bộ Tài chính nêu như: việc xác định giá trị doanh nghiệp không tính giá trị quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp để cổ phần hoá; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không thực hiện đấu giá theo quy định tại Luật Đất đai; việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chủ yếu dựa vào kết quả của doanh nghiệp tư vấn nhưng không đầy đủ và chưa sát với giá thị trường... là những tồn tại, hạn chế có thật.

Ông giải thích, từ thời bao cấp, đất có giá trị rất thấp, trong khi DNNN luôn là nhóm đối tượng nhận được rất nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi. Cụ thể là ưu đãi về đất đai, thuế, phí.

Chính vì vậy, nhiều khu vực đất vàng, với diện tích rộng lớn lên tới hàng nghìn, thậm chí vài nghìn mét vuông đã được giao miễn phí cho các DNNN quản lý, sử dụng, xây dựng trụ sở sản xuất.

Có những doanh nghiệp không chỉ xin đất làm trụ sở phục vụ nhu cầu hoạt động trong hiện tại mà còn xin thêm cả đất dự phòng mở rộng quy mô hoạt động cho cả 10 - 20 năm sau nữa.

Đến khi thực hiện chủ trương cổ phần hóa, nhiều DNNN đã lợi dụng những lỗ hổng trong quản lý, biến những mảnh đất vàng có giá trị khổng lồ thành cơ hội vơ vét tư túi.

"Câu chuyện này là rõ ràng và ai cũng thấy. Về lý thuyết, đất vàng sau khi DNNN di dời phải được bàn giao lại cho địa phương hoặc các bộ ngành quản lý. Khu đất ấy sẽ xác định có thể là trụ sở các sở, ngành của thành phố, khách sạn, công viên, nhà trẻ, trường học, thậm chí là nhà đỗ xe cao tầng...

Trong trường hợp muốn bán lại, nhượng lại cho chủ đầu tư khác phải tổ chức đấu thầu, phải qua cạnh tranh mới xác định được giá trị thực sự. Nhưng thực tế, hầu hết các khu đất vàng đều được chuyển nhượng, sang tên hoặc chỉ định đầu tư mà không hề qua đấu giá công khai, nên mới xảy ra thất thoát, lãng phí rất lớn", ông Liêm nói.

Tuy nhiên, với cả cách thức tính giá đất và cách thức đấu giá quyền sử dụng đất theo ông Liêm cũng đang có vấn đề.

Ông cho biết, trước khi thực hiện đấu giá đất thì phải định giá được giá trị mảnh đất đó. Để làm được như vậy còn liên quan tới giá đất.

Mặc dù Luật Đất đai đã quy định giá đất của Nhà nước phải phù hợp giá thị trường trong điều kiện bình thường nhưng cả khung giá đất của Chính phủ và bảng giá đất của UBND cấp tỉnh đều thấp hơn giá đất trên thị trường khá nhiều.

Ở cùng một khu đất, chỉ cách nhau vài mét thì giá đã khác nhau. Vì vậy, để xác định được giá đất khi cổ phần hóa, tốt nhất nên tách riêng tài sản đất đai với tài sản cố định trên đất của doanh nghiệp.

"Đất đai là tài sản của nhà nước, thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Do đó, khi cổ phần hóa, đất phải giao trả lại cho nhà nước quản lý. DNNN chỉ được thực hiện cổ phần hóa phần tài sản trên đất", ông Liêm nêu quan điểm.

Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm

Trở lại kiến nghị nằm trong kế hoạch thanh tra năm 2017 của Bộ Tài chính, nhiều dự án cụ thể đã bị điểm danh như: Riva Park tại 504 Nguyễn Tất Thành (quận 4, TPHCM), khu nhà ở thấp tầng tại Xa La, 25 Vũ Ngọc Phan và 1141 Giải Phóng (Hà Nội), dự án Pandora 53 Triều Khúc (Hà Nội), dự án PVV-Vinapharm 60B Nguyễn Huy Tưởng...

Nhiều lo ngại quyền lợi của khách hàng sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể phải chịu mua nhà với giá cao hơn nhiều lần so với mức giá chủ đầu tư đã giao bán.

Trả lời băn khoăn trên, TS Phạm Sỹ Liêm cho hay, sẽ phải có những phương án cụ thể cho từng dự án.

"Có thể là truy thu phần chênh lệch chưa được tính đúng, tính đủ. Trường hợp có những căn hộ chưa bán thì phải tịch thu những căn hộ đó để bồi hoàn cho ngân sách", ông Liêm nêu giải pháp.

Ông Liêm nhấn mạnh, "người mua nhà không có tội, tội là ở chủ đầu tư và họ phải chịu trách nhiệm".

Cùng với đó, vị chuyên gia cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức quản lý nhà nước có liên quan.

"Những người giữ trọng trách chỉ đạo cổ phần hóa những doanh nghiệp đó nhưng lại buông lỏng quản lý, không làm hết trách nhiệm. Những người đó phải chịu trách nhiệm. Tôi tin có sự không minh bạch, có lợi ích ở đây", vị chuyên gia nói.

Thanh tra Chính phủ đang vào cuộc

Liên quan tới thông tin trên, trao đổi với Đất Việt ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) ghi nhận những thông tin từ phía Bộ Tài chính cùng với kiến nghị của bộ này như một kênh thông tin rất quan trọng đối với cơ quan thanh tra.

"Chúng tôi coi thông tin từ Bộ Tài chính là một nguồn tin quan trọng để các cơ quan thanh tra làm việc.

Hiện Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ đạo vào cuộc, khi có kết quả chúng tôi sẽ thông tin cụ thể", ông Đạt cho biết.

Theo Bao Datviet

Link nội dung: https://phaply.net.vn/thanh-tra-dat-vang-dnnn-co-phan-hoa-cau-hoi-tham-nhung-a164736.html