(Pháp lý) - Luật Tiếp cận thông tin (2016) là đạo Luật có nhiều quy định tiến bộ, nhưng các chuyên gia pháp luật cho rằng để Luật TCTT đi vào cuộc sống thì cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định tương thích ở một số đạo luật có liên quan. Đồng thời, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật TCTT cần đảm bảo tôn trọng đầy đủ, chính xác tinh thần nội dung các quy định của Luật Tiếp cận thông tin.
Pháp lý xin đăng tải ý kiến của 3 chuyên gia pháp luật kỳ cựu góp ý xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện Luật Tiếp cận thông tin.
Luật sư Lê Đức Tiết: Chỉ Quốc hội mới đủ thẩm quyền quy định thông tin, tài liệu mật
Nói về quyền tiếp cận thông tin của dân, Luật sư Lê Đức Tiết cho rằng: Trước đây, bác Hồ có câu nói “Dân chủ là làm cho dân mở miệng”. Sau này, trong quá trình chế độ ta thực hiện quyền dân chủ cho nhân dân mới đúc kết được thành 9 chữ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tư tưởng, quan điểm đó đã được thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng, trong các văn bản chính sách pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, khâu yếu hiện nay là khâu thực hiện. Do không thực hiện tốt tư tưởng, yêu cầu này nên tình trạng lạm quyền, tham nhũng vẫn nhức nhối, khiến dân bức xúc.
Là người từng tham gia nhiều hội thảo đóng góp xây dựng Luật TCTT, luật sư Tiết cho rằng: Quyền được tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của công dân nhưng ở nước ta nó chưa được thực thi đầy đủ trong thực tế. Người ta thường viện các cớ như: Bí mật quốc gia, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư để từ chối cung cấp thông tin. Hiện nay, các cơ quan hành pháp đang là cơ quan xây dựng quy định văn bản nào là bí mật quốc gia. Cụ thể, theo Pháp lệnh về bí mật quốc gia số: 30/2000/PL-UBTVQH10 thì Chính phủ là cơ quan xem xét tin tài liệu nào là mật, và các bộ ngành có quyền yêu cầu Bộ Công an xác định và công nhận tài liệu mật. Và Chính phủ là cơ quan xác định việc tiếp xúc, bảo quản và cung cấp tài liệu mật. Quy định như vậy dễ bị lạm dụng, đóng dấu xác định tài liệu mật bừa bãi. Theo Luật sư Tiết thì nên quy định cơ quan lập pháp mới là cơ quan được quyền xem xét đâu là bí mật quốc gia (chỉ Quốc hội mới được quyền xem xét đâu là tài liệu mật - PV). Quy định như vậy nhằm hạn chế những “vùng cấm” tùy tiện của cơ quan hành pháp để người dân có thực quyền tiếp cận thông tin nhằm mục đích giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước tốt hơn.
Bên cạnh đó, Luật sư Tiết còn kiến nghị thêm: Phải quy định rõ ràng nếu là công chức, đảng viên, cán bộ thì tài sản, bằng cấp, lý lịch phải là thông tin công khai để mọi người dân có quyền tiếp cận thì dân mới có cơ sở để giám sát cán bộ. Thậm chí, với cán bộ ở cấp nhất định cần công khai cả tài sản của người thân (bố, mẹ, vợ, con) để người dân biết, giám sát đảm bảo cho nhà nước trong sạch, vững mạnh. Trong Luật Tiếp cận thông tin quy định: Cơ quan nhà nước công bố thông tin do mình tạo ra và do mình nắm giữ. Theo Luật sư Tiết, thông tin mà cơ quan nhà nước nắm giữ có thể là thông tin về cán bộ, công chức vì vậy nên cụ thể chi tiết rõ ràng trong các văn bản dưới Luật về vấn đề này
Về quy định, công dân muốn được cung cấp thông tin thì phải có lý do ghi trong đơn yêu cầu gửi đến cơ quan chức năng sau đó cơ quan chức năng xem xét và quyết định. Luật sư Tiết cho rằng: Quy định này là đúng đắn để tránh tình trạng công dân bị các tổ chức xấu lợi dụng, muốn thường xuyên yêu cầu cung cấp thông tin, lấy thông tin để chống phá nhà nước. Tuy nhiên, Luật sư Tiết bổ sung: Nên hướng dẫn ở Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, công dân có thể thông qua các tổ chức đoàn thể như Mặt trận Tổ Quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Luật gia… để yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin. Các tổ chức trên đều là tổ chức bảo vệ công dân, họ có tính chính danh khi yêu cầu, tránh tình trạng bị từ chối cung cấp thông tin một cách vô lý.
TS. Lê Hồng Sơn: Cần sửa đổi các Luật liên quan và bổ sung quy định xử lý hành vi che giấu thông tin
Nguyên là Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản pháp luật của Bộ Tư Pháp, tiến sĩ Lê Hồng Sơn cho rằng, Luật TCTT là một đạo luật tiến bộ với nhiều quy định tốt nhưng để đi vào cuộc sống, đòi hỏi phải thay đổi nhận thức của các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin cho công dân. Phải xác định nhiệm vụ cung cấp thông tin cho công dân là nhiệm vụ đương nhiên, thường xuyên của các bộ ngành, địa phương. Các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các điều kiện bảo đảm thi hành Luật như: Phân công, bố trí cơ quan, đơn vị trực thuộc, công chức, viên chức đáp ứng đủ năng lực, trình độ để làm đầu mối cung cấp thông tin; bố trí hợp lý nơi tiếp công dân để cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện của từng cơ quan. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo việc lập, vận hành cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu thông tin mà cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, bảo đảm thông tin có hệ thống, đầy đủ, toàn diện, kịp thời, dễ dàng tra cứu với mọi người dân.
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn cũng đặc biệt lưu ý: Phải có sự tương thích – tức là môi trường pháp lý thuận lợi để Luật TCTT đi vào thực tiễn cuộc sống. Luật đã quy định nhưng nếu các quy định khác không theo kịp thì Luật như một “ốc đảo” để đó mà không thể đi vào thực tế. Ông cho rằng, với vai trò của mình, Bộ Tư pháp cần rà soát các quy định pháp luật liên quan đến cung cấp thông tin. Quy định nào chưa phù hợp và tương thích với Luật Tiếp cận thông tin cần đề xuất để sửa đổi hoặc bãi bỏ. Các Luật liên quan như Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Đất đai; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo đang trong quá trình sửa đổi thì phải tận dụng để sửa đổi các quy định tương thích với Luật TCTT.
Về chế tài xử lý các vi phạm trong lĩnh vực tiếp cận thông tin, thì ngoài một nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiếp cận thông tin thì cần các quy định xử lý có tính chất răn đe hơn trong Bộ luật Hình sự. Nhìn từ những vụ việc cố tình che giấu không công khai thông tin trong bổ nhiệm nhiều cán bộ ở Thanh Hóa, có thể thấy việc che giấu thông tin có thể không đơn giản là quên mà có thể nhằm che giấu việc chạy quyền, chạy chức. BLHS cần quy định các chế tài đối với hành vi, vi phạm nghiêm trọng Luật TCTT để có tính răn đe.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: “Độ mật” tới đâu, cần quy định rõ
Là ĐBQH từng có nhiều ý kiến tham gia góp ý xây dựng Luật TCTT, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh không khỏi lo lắng về tính thực thi của các quy định của Luật TCTT trong thực tế. Bà cho rằng, các quy định của Luật về những thông tin mà cơ quan nhà nước buộc phải công khai như: Chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương; quy hoạch ngành, lĩnh vực và phương thức, kết quả thực hiện; chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan nhà nước; Thông tin về dự toán ngân sách nhà nước; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước; dự toán, tình hình thực hiện, quyết toán ngân sách đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước; thủ tục ngân sách nhà nước; Thông tin về phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn viện trợ phi chính phủ theo quy định; thông tin về quản lý, sử dụng các khoản cứu trợ, trợ cấp xã hội; quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân, các loại quỹ... Đó là những quy định rất mở để công dân được tiếp cận với thông tin quản lý nhà nước.
Về những thông tin công dân không được tiếp cận, Đại biểu Khánh bày tỏ băn khoăn: Điều 6 Luật quy định chung chung về các thông tin không được tiếp cận. Bà Khánh cho rằng các văn bản dưới Luật cần làm rõ nội hàm của các quy định này. Bà Khánh nêu một ví dụ: “Lúc thảo luận Luật, dư luận rất quan tâm đến sức khỏe của một số cán bộ cấp cao. Thế nhưng ta không công khai, báo chí trong nước không đăng tải nhưng các nguồn tin của báo nước ngoài cập nhật liên tục. Bởi vậy đã xảy ra tranh cãi, sức khỏe cán bộ có phải là vấn đề bí mật hay không? Theo tôi không nên quy định đó là vấn đề bí mật. Bởi lẽ, trong thời đại công nghệ thông tin, đó là vấn đề người dân quan tâm, ta nên để dân tiếp cận. Tránh hiện tượng, người dân tìm hiểu các thông tin qua các nguồn không chính thống, dễ bị hiểu sai lệch.
Từ lâu trong các ngành then chốt là Quốc phòng, an ninh vốn có nhiều thông tin, tài liệu được xem là bí mật nhất. Tuy nhiên theo ĐB Khánh cũng cần tách bạch điều này. Trong quốc phòng, kinh phí đầu tư súng công, khí tài, kết quả nghiên cứu hiệu quả hoạt động phương tiện, khí tài, quân số... có thể được xếp vào nhóm thông tin, tài liệu mật. Nhưng nguồn tiền nghiên cứu khóa học quốc phòng, tiền đầu tư công, tiền đầu tư nâng cao tiềm lực bảo vệ chủ quyền quốc gia nên được coi là các thông tin phải được công khai để người dân được biết. Trong ngành công an, các phương tiện phòng chống tội phạm, các biện pháp nghiệp vụ có thể coi là bí mật nhưng các thông tin về nguồn lực phục vụ công tác phòng chống tội phạm, thông tin về quá trình cải tạo của phạm nhân, phạm nhân được đặc xá, tha tù trước thời hạn, thông tin về quản lý phạm nhân cần là các thông tin công khai để người dân được biết. Theo bà Khánh cần có những văn bản hướng dẫn, yêu cầu công khai các thông tin này.
Là người đang thực hiện xây dựng dự án Luật Hành chính công với nhiều tâm huyết, bà Khánh đặc biệt tâm đắc với việc công khai thông tin của Chính phủ điện tử. Bà Khánh cho rằng, để công dân thực sự được tiếp cận thông tin thì không nên bỏ lỡ cơ hội thiết lập Chính phủ điện tử. Kinh nghiệm quốc tế, cụ thể Hàn Quốc cho thấy mọi thông tin của Chính phủ, cơ quan hành chính công khai, kể cả quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Người dân muốn biết chỉ cần tìm trên hệ thống mạng của nhà nước. Ở tầm nhìn xa hơn, bà Khánh cho rằng “thiết lập chính phủ điện tử là bảo đảm chắc chắn cho quyền tiếp cận thông tin của công dân”.
Phan Tĩnh (lược ghi)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/de-luat-tctt-di-vao-cuoc-song-cac-chuyen-gia-phap-luat-ky-cuu-de-xuat-nhung-giai-phap-nao-a164688.html